Nhiều người LGBT (Đồng tính, song tính & chuyển giới) tại Châu Á hiện đang phải trốn chạy khỏi gia đình để có thể thoát khỏi nạn bạo hành đã hành hạ họ suốt một thời gian dài.
Trước khi phẫu thuật bỏ ngực và tử cung, Joe Wong có tên là Joleen. Khi còn đang học cấp 2, Joleen đã một lần dùng hết một cuộn băng keo để ép ngực vì không muốn trông quá nữ tính. Một người họ hàng thân thiết đã vô cùng tức giận vì điều đó. Hắn ta đánh vào đầu cô, kéo áo cô ra và xé hết lớp băng keo khiến cô trày xước khắp người. Không chỉ vậy, Joleen còn không ngừng bị chính người họ hàng này hành hạ trong suốt thời thơ ấu. Cô bị đánh đập hàng ngày, thậm chí còn bị lấy dao dí lên mặt, bị đe dọa, bị ép phải đến gặp các chuyên gia tư vấn không ngừng gọi cô là "gớm ghiếc" vì nắm tay hay ôm hôn con gái.
"Khi bị hành hạ mỗi ngày như vậy, bạn không còn thấy đau đớn nữa, bạn chỉ chết lặng đi", Wong, giờ là một người chuyển giới nam 31 tuổi đang cộng tác tại nhóm vận động quyền Asia Pacific Transgender Network ở Bangkok chia sẻ..
Hầu hết các quốc gia ở khu vực châu Á vẫn còn khá bảo thủ và gia trưởng. Nạn bạo hành mà người LGBT (Đồng tính nam, nữ, song tính và chuyển giới) phải đổi mặt thường lại đến từ chính người thân của mình. Các chuyên gia cho rằng gia đình những người này đánh đập, hành hạ họ với mục đích giữ yên sự cân bằng trong xã hội.
Theo tổ chức International Lesbian Gay Bisexual Trans and Intersex Association (ILGA), quan hệ đồng tính bị xem là phạm pháp và có thể bị giam giữ tại 78 nước trên thế giới như Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Myanmar, Malaysia và Singapore. Những luật lệ như vậy càng làm tăng thêm định kiến và kỳ thị trong xã hội, từ đó dẫn đến nạn bạo hành trong gia đình. Tuy nhiên, những trường hợp tương tự rất hiếm khi được biết đến, không phải vì chúng ít khi xảy ra mà là vì các gia đình thường giấu nhẹm sự việc.
Để trốn tránh vấn nạn này và tìm nơi thích hợp, nhiều người LGBT châu Á tụ họp tại một số thành phố lớn trong nước. Đó là những thành phố tiến bộ và có cái nhìn bao dung hơn về mặt công việc cũng như hôn nhân cho người đồng tính. Thậm chí nhiều người như Wong còn sẵn sàng từ bỏ đất nước quê hương của mình.
"Tôi chưa bao giờ thấy thoải mái hơn bây giờ, dù tôi không còn ở trên quê hương của mình", anh nói. Từ giọng nói trầm đến bờ vai rộng, và hàng ria mép, không ai có thể nghĩ anh từng mang giới tính nữ.
"Tôi bỏ hết những thứ níu giữ mình lại. Tôi gạt bỏ những con người xấu xí trong đời mình. Giờ chỉ có tôi cùng những vấn đề đã được giải quyết xong", Wong nói. Anh không muốn tiết lộ chân tướng của người đã từng hành hạ mình để tránh những rắc rối trong gia đình.
“Tôi cảm thấy hoàn toàn tự do,” anh nói, tiếp tục uống ly sinh tố trong một quán cà phê yên bình, nằm kế văn phòng APTN.
Sống trong lén lút
Ging Cristobal, một điều phố viên của tố chức International Gay and Lesbian Human Rights Commission (IGLHRC) khẳng định vấn đề chủ chốt trong nạn bạo hành gia đình với người LGBT ở châu Á chính là "danh dự gia đình".
"Bạn không được làm nhục gia đình, đó là một điều bất thường trong xã hội này. Đó là điều cấm kị", Cristobal nói trong một cuộc gọi qua Skype từ Manila.
Nhiều gia đình châu Á thúc ép người thân LGBT của mình vào các cuộc hôn nhân sắp đặt, chủ yếu là để cứu vãn danh dự của người làm cha mẹ.
Một người đồng tính nữ gốc Pakistan trong độ tuổi 20 đã chạy đến Bangkok hai năm trước vì bị ép cưới. Ngoài ra, cô còn bị gia đình của chính mình đe dọa. Sau đó, cô đã tìm đến tổ chức Asia Pacific Refugee Rights Network tại Bangkok và đang được giúp đỡ đến đăng ký hồ sơ tị nạn UNHCR.
Mặc dù người LGBT trẻ cũng như những người khác, đều được bảo vệ bởi luật trẻ em nhưng dù có bị đối xử tệ bạc, họ cũng không dám lên tiếng. Họ sợ nếu làm vậy thì sẽ không còn ai chăm sóc mình.
Cristobal cho biết cô thường khuyên những người LGBT còn đang dựa dẫm vào gia đình trong các vấn đề tiền bạc nên tìm đến bạn bè của mình để được giúp đỡ. Từ đó, hãy tìm một chổ an toàn để học hành và làm việc.
"Sau đó bạn hãy sống thật yên lặng. Đừng để người khác biết được bạn là người LGBT", Cristobal nói.
Luật hỗ trợ sẽ giúp giảm thiểu bạo hành
Wong đã không biết phải tìm ai khi bị hành hạ ở quê nhà. "Nhiều khi hàng xóm cũng can ngăn… nhưng ngay cả cảnh sát cũng không làm gì được trong các vấn đề bạo hành gia đình như vậy,” anh nói.
Các chuyên gia xã hội nói việc thêm vào các định nghĩa như xu hướng tính dục, bản dạng giới vào luật pháp, qui định hay các chương trình phòng chống nạn bạo hành đối với trẻ em và phụ nữ, sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro mà cộng đồng LGBT đang phải đối mặt.
Ví dụ như Cristobal tiết lộ một chàng trai trẻ ở Manila đã liên lạc với cô qua Facebook hồi năm trước vì anh trai của anh đe dọa giết anh khi biết anh là người đồng tính. Cô đã khuyên anh nên gọi cảnh sát.
“Nhưng người anh không còn ở đó nữa. Cảnh sát đến và họ cho anh chàng kia số điện thoại cá nhân. Hàng xóm thấy được sự hỗ trợ của cảnh sát với chàng trai đồng tính, cũng sẽ giảm bớt sự kỳ thị đối với anh ta,” cô nói.
Toàn Tăng (Theo TRUST)