Tình trạng mất nước kéo dài nhiều ngày qua khiến hàng loạt hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn... trên địa bàn Hà Nội đã phải khốn khổ xoay xở trong việc tìm nước sinh hoạt, kinh doanh. Thực trạng càng khủng khiếp hơn khi thời tiết Hà Nội khắc nghiệt, nắng nóng như đổ lửa.
Hoảng loạn với điệp khúc "vỡ đường ống"
Rạng sáng 13.8, đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội lại tiếp tục vỡ. Khoảng 70.000 hộ dân thủ đô ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông... bị ảnh hưởng, mất nước sinh hoạt, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty Nước sạch Vinaconex cho hay vào khoảng 3 giờ 30 sáng 13.8, đường ống dẫn nước sông Đà lại bị vỡ tại km28 + 650, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ngay sau khi xảy ra sự cố, đơn vị đã huy động 3 máy xúc, ép cừ cùng hơn 100 công nhân xuống hiện trường làm thâu đêm khắc phục sự cố. “Vết vỡ trên đường ống rộng khoảng 30cm. Hiện tại, các công nhân đang đào đất xung quanh đoạn ống nước bị nứt, rò rỉ nước, sau đó dùng cọc sắt đóng xuống xung quanh để chống sạt lở. Tiếp đó, công nhân thay đoạn ống bị nứt bằng một đoạn ống mới dài 11m. Dự kiến khoảng 18 giờ cùng ngày sẽ cấp nước lại cho người dân thủ đô”, ông Tốn nói.
Theo ông Tốn, sự cố vỡ đường ống lần này gây ảnh hưởng tới khoảng 70.000 hộ dân ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông... Nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đường ống lần này đang được cơ quan chức năng làm rõ. Đây là lần thứ 13 đường ống nước Sông Đà gặp sự cố (kể từ tháng 12.2012 đến nay), gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân Hà Nội. Lần gần đây nhất, đường ống nước bị vỡ vào ngày 25.7.2015. Cũng theo ông Tốn, trong chiều cùng ngày sẽ khắc phục xong sự cố và cấp nước lại cho người dân. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, đến nay là gần 1 tuần sau sự cố vỡ đường ống nước, tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội nước vẫn chưa được cấp lại.
Ngay sau khi đường ống dẫn nước từ Nhà máy Nước sông Đà về Hà Nội thứ 13, phía Công ty Nước sạch Hà Nội có thông báo gửi tới một số quận, phường về việc phải tổ chức cấp nước luân phiên. Theo Công ty Nước sạch Hà Nội, do đường ống vỡ nên lưu lượng nước cấp vào mạng đường ống cấp nước của đơn vị giảm 33%, gây mất nước cho một số khu vực.
Người dân không dám đi vệ sinh, nhà kinh doanh khóc ròng
Tại các khu vực như đường Láng, Vũ Ngọc Phan (phường Láng Hạ), phường Thành Công, Ngọc Khánh (Đống Đa), phường Hạ Đình (Thanh Xuân), phường Cầu Diễn (Nam Từ Liêm)..., hàng ngàn hộ dân vẫn đang khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt. Đến giờ nấu cơm trưa, người dân từ tổ 1 đến tổ 6 (phường Láng Hạ) nháo nhào cầm xô, chậu, xoong nồi đi xin nước. Đường ống ngang dọc khắp ngõ, nhà nào còn nước dự trữ, máy bơm chạy liên tục để chia sẻ chút nước ít ỏi cho hàng xóm.
Nhìn nước chảy nhỏ giọt vào xô, bà Nguyễn Thị Hạc (tổ 5, phường Láng Hạ) chia sẻ: “Gia đình tôi không ai dám đi vệ sinh ở nhà vì sợ không có nước dội. Các con thì qua nhà bạn tắm nhờ, còn mấy đứa cháu hai ngày mới được tắm một lần. Cháu tắm xong, bà dùng nước tắm lại. Sống giữa thủ đô mà quá khổ!”.
Nhà ông Nguyễn Khắc Loan có bể chứa to nhất khu nên vẫn còn nước sử dụng. Mấy ngày nay, chiếc máy bơm của ông Loan phải hoạt động liên tục chia nước cho bà con trong khu. Ông Loan cho biết: “Cứ tình trạng này, chắc ngày mai bể nhà tôi cũng cạn nước. Nước khan hiếm nhưng không cho không đành được. Hàng xóm cũng chỉ dám xin nước để rửa mặt, đánh răng, tắm cho trẻ con thôi”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại phường Láng Hạ, ngày 16.8, có 3 xe nước đã đến hỗ trợ nước khẩn cấp. Người người chen nhau xếp hàng nhưng mỗi nhà chỉ lấy được vài xô, người nào ra muộn thì hết sạch nước.
Tình trạng mất nước kéo dài cũng làm các nhà kinh doanh khóc dở mếu dở. Hàng loạt nhà hàng, quán ăn... trên địa bàn Hà Nội phải xoay xở mua từng thùng nước về dùng. Kéo theo đó, doanh thu cũng bị ảnh hưởng nặng. Chị Nguyễn Thị Thanh (kinh doanh quán bia hơi tại địa chỉ 217 Khâm Thiên, Hà Nội) cho biết tình trạng mất nước kéo dài đã 5 ngày qua. Hằng ngày, chị Thanh phải mua nước từ các cửa hàng nước với giá 100.000 đồng/50 lít. “Mất nước kéo dài lại không có giếng khoan, nên tôi đành phải mua nước bình, hạn chế và tiết kiệm lắm mới đủ dùng. Quán tôi không dám nấu nướng nhiều món đồ nhậu cho thực khách chỉ vì thiếu nước, nên doanh thu cũng giảm đáng kể”, chị Thanh buồn bã chia sẻ.
Tình trạng mất nước cũng diễn ra tại tuyến phố Nguyên Hồng (quận Đống Đa, Hà Nội) đã gần 1 tháng qua, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. “Mở quán ra cho nó có, chứ lấy nước đâu mà pha cà phê cho khách. Đến nước sinh hoạt gia đình tôi cũng phải đi xin nước giếng khoan nhà hàng xóm gần 1 tháng nay”, chủ một quán cà phê ở ngõ 47 phố Nguyên Hồng nói.
Không có nước nấu nướng, quán cơm bình dân số 6, ngõ 42 Vũ Ngọc Phan (Đống Đa) phải đóng cửa nhiều ngày qua. Chủ quán này cho biết, nước tắm, giặt còn chẳng có thì lấy đâu ra nước mà nấu ăn cho khách. Mỗi ngày, gia đình phải bỏ ra mấy chục ngàn mua nước bình về để nấu cơm và đun nước uống, còn tắm giặt thì phải sang nhà hàng xóm tắm nhờ nước giếng khoan.
Nhân viên một cửa hàng bia hơi trên đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Do có bể ngầm, nên mất nước từ hôm nào chúng tôi cũng không biết. Đến hôm qua mới thấy hết nước, hỏi người dân xung quanh thì họ bảo mất đã được hơn 1 tuần. Hiện chúng tôi phải đi mua từng thùng nước về để duy trì kinh doanh, chứ đóng cửa 1 ngày thì sẽ không đảm bảo doanh thu”.
Để duy trì hoạt động buôn bán, quán phở Hiền ở số 318 Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa) phải dùng nước giếng khoan để nấu nướng. Bà Hiền chủ quán cho biết: “Nước máy chảy nhỏ giọt, có khi cả ngày không đầy 1 thùng nên chúng tôi phải dùng nước giếng khoan lọc qua bể để nấu nướng. Nhiều hôm phải thức đến 2-3 giờ sáng để chờ nước, nhưng nước cũng chỉ chảy nhỏ giọt”.
Trái ngược với các cửa hàng kinh doanh đồ ăn uống, các tiệm giặt khô là hơi lại đang có thu nhập tốt hơn ngày thường do nhu cầu giặt giũ của người dân tăng đột biến. Cả khu phố Pháo Đài Láng (Đống Đa) bị mất nước hơn 10 ngày qua, các tiệm giặt là ở đây đang phải hoạt động hết công suất để phục vụ khách hàng. Theo chủ cửa hàng giặt là số 100 Pháo Đài Láng thì: “Tình trạng mất nước đã kéo dài hơn 10 ngày. Do không có nước giặt nên buộc người dân phải mang đi giặt khô. Trước đây, mỗi ngày cửa hàng tôi chỉ giặt từ 30-40kg quần áo, nhưng mấy hôm nay có ngày giặt cả hơn 100kg”.
Đào nền nhà khoan giếng vì mất nước kéo dài
Theo phản ánh của các hộ dân sinh sống tại ngách 394/16, đường Mỹ Đình, thuộc phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), đã hơn 1 tháng nay, các gia đình phải sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng. Để đối phó với đợt “khô hạn” kéo dài này, mỗi khi trời mưa, các nhà phải tranh thủ mang vật dụng ra hứng lấy nước để dùng, hoặc đi xin nước của người thân. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không cầm cự “chiến đấu” được với đợt mất nước sạch dài ngày này, một số hộ sử dụng lại những chiếc giếngkhoan đã “đắp chiếu” nhiều năm để lấy nước dùng và vô tình chiếc giếng khoan tưởng chừng đã bị “bỏ quên” như vậy lại là nguồn nước cho cả xóm dùng trong thời điểm hiện tại.
Bà Nguyễn Thị Huyền (66 tuổi) ở địa chỉ nói trên chia sẻ: “Cái giếng khoan nhà tôi đã không dùng cách đây 2 năm rồi. Nhưng thời gian gần đây, tự nhiên mất nước sạch lâu quá, đến nay đã hơn 1 tháng rồi. Vì vậy, gia đình tôi đành quay lại dùng nước giếng khoan. Cứ bơm lên lọc qua là dùng, cả xóm này họ nối vòi và cứ dùng nước của cái giếng này. Không có giếng khoan chắc chúng tôi chết khô mất, mua nước thì tiền đâu cho lại được”.
Không còn đủ kiên nhẫn chờ có nước sạch được nữa và cũng không thể đi xin mãi nước nhà hàng xóm về dùng với thời gian dài như vậy, gia đình ông Dũng cùng địa chỉ nói trên buộc phải thuê thợ đến phá nền nhà để khoan giếng lấy nước dùng. “Đợt này mất nước lâu quá, ban đêm như đánh trận, cứ phục khi nào có nước là ai cũng bơm vội vào bể chứa, nhưng cũng không được bao nhiêu. Gia đình tôi hôm nay phải thuê thợ đến phá nền nhà để khoan giếng lấy nước dùng. Tôi cũng biết nước ngầm khu vực này dễ bị nhiễm asen, dùng cũng không an toàn, nhưng đành liều bơm lên và lọc qua máy lọc dùng tạm”, ông Dũng cho biết.
Được biết, các hộ dân trên đang dùng nguồn nước sạch do Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Mỹ Đình (Hà Nội) cung cấp. Đã nhiều lần các hộ dân nói trên phản ánh về tình trạng thiếu nước sạch tới đơn vị này nhưng chỉ được giải quyết trong 1 tuần rồi lại tái diễn cảnh mất nước sạch kéo dài.
Trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng như hiện nay, cuộc sống của người dân Hà Nội như trở về thời bao cấp. Mất nước kéo dài, sinh hoạt bị đảo lộn, hoạt động kinh doanh buôn bán cũng bị ngưng trệ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Theo Duy Khoa/Chuyện đời