Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hôm 29.11 đã để ngỏ khả năng cho Ukraine gia nhập liên minh trong tương lai, đồng thời cam kết cung cấp thêm vũ khí và viện trợ cho Kyiv.

NATO: Cánh cửa gia nhập liên minh đang rộng mở cho Ukraine

Hoàng Vũ | 30/11/2022, 12:59

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hôm 29.11 đã để ngỏ khả năng cho Ukraine gia nhập liên minh trong tương lai, đồng thời cam kết cung cấp thêm vũ khí và viện trợ cho Kyiv.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp các ngoại trưởng các nước thành viên NATO ở Romania để tăng cường hỗ trợ cho Kyiv trong bối cảnh Nga đang liên tục tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Các nhà lãnh đạo NATO cũng cho biết, Moscow không thể ngăn chặn sự mở rộng của liên minh.

“Cánh cửa của NATO đang rộng mở”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trước khi chủ trì cuộc họp ở thủ đô Bucharest (Romania) hôm 29.11.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng, Bắc Macedonia và Montenegro gần đây đã gia nhập NATO, đồng thời cho biết “sẽ sớm đưa Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO”. Các nước láng giềng Bắc Âu đã đăng ký làm thành viên vào tháng 4 vì lo ngại trở thành mục tiêu tiếp theo của Nga.

“Nga không có quyền phủ quyết đối với các quốc gia muốn tham gia NATO. Chúng tôi cũng sẽ ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine”, ông Stoltenberg nói và khẳng định việc mở rộng NATO sẽ không bị cản trở.

Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập vào NATO vào ngày 30.9. Nhiều quốc gia thành viên NATO tin rằng trọng tâm của liên minh quân sự này chỉ là giúp Ukraine phòng vệ trước Nga.

“Chúng ta không nên làm những điều mà có thể làm suy yếu sự thống nhất của các đồng minh trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự, nhân đạo, tài chính cho Ukraine”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói thêm.

Ngoại trưởng Slovakia Rastislav Kacer cho biết các đồng minh phải giúp đỡ Ukraine để "quá trình chuyển đổi trở thành thành viên đầy đủ sẽ diễn ra suôn sẻ và dễ dàng" một khi cả NATO và Kyiv đều sẵn sàng cho các cuộc đàm phán gia nhập.

Trong một tuyên bố, các bộ trưởng ngoại giao NATO cam kết sẽ giúp Ukraine tái thiết sau khi cuộc chiến kết thúc, nói rằng: “chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với Ukraine”.

Về phần mình, Ukraine kêu gọi cung cấp thêm vũ khí để tự vệ và nhanh chóng. “Chúng tôi đánh giá cao những gì đã được thực hiện, nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói.

Mỹ hiện đang cân nhắc cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không chủ lực Patriot, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ tiết lộ hôm 29.11. Trong khi Ukraine đã yêu cầu hệ thống này trong nhiều tháng, Mỹ và các đồng minh đã do dự cung cấp hệ thống này để tránh khiêu khích thêm Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng ngày cho biết Berlin vẫn muốn gửi các hệ thống Patriot tới Ba Lan dù Warsaw cho rằng Đức nên gửi Patriot đến biên giới Ukraine.

Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết hôm trên kênh Telegram: “Nếu NATO cung cấp cho Kyiv các tổ hợp Patriot cùng với nhân viên NATO, thì họ sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu hợp pháp của các lực lượng vũ trang của chúng tôi. Tôi hy vọng họ hiểu điều này”.

Được biết, hệ thống phòng không Patriot là sản phẩm của tập đoàn Raytheon có trụ sở tại Mỹ và là hệ thống phòng thủ phổ biến trong quân đội các nước phương Tây.

Trả lời câu hỏi liệu NATO có nguy cơ trở thành một bên trong cuộc xung đột hay không khi gửi Patriot tới Ukraine, Tổng thư ký NATO Stoltenberg hôm 25.11 cho biết, trước đây các đồng minh đã chuyển vũ khí tiên tiến tới Kyiv, song không có binh sĩ NATO nào đi kèm nên sẽ không có vấn đề gì.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
3 phút trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NATO: Cánh cửa gia nhập liên minh đang rộng mở cho Ukraine