Ông Lê Tự Minh, Chủ tịch IMG cho rằng cần có biện pháp cấm hoặc hạn chế doanh nghiệp BĐS tham gia đầu tư vào ngân hàng, vì họ huy động vốn xã hội chủ yếu cho chính doanh nghiệp (DN) mình, ít có tác dụng với xã hội, thậm chí tạo nên những tài phiệt lũng đoạn nền kinh tế.

'Nên cấm doanh nghiệp BĐS tham gia ngân hàng, tránh tạo ra tài phiệt lũng đoạn kinh tế'

Hoài Lam | 03/08/2023, 19:42

Ông Lê Tự Minh, Chủ tịch IMG cho rằng cần có biện pháp cấm hoặc hạn chế doanh nghiệp BĐS tham gia đầu tư vào ngân hàng, vì họ huy động vốn xã hội chủ yếu cho chính doanh nghiệp (DN) mình, ít có tác dụng với xã hội, thậm chí tạo nên những tài phiệt lũng đoạn nền kinh tế.

Không riêng BĐS, nhiều ngành khác cũng đang khó khăn

Tại hội nghị với Thủ tướng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết thị trường bất động sản (BĐS) đã có nhiều biến động và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: quy định pháp luật về đất đai, về quy hoạch, về đầu tư, về xây dựng, về nhà ở và trình tự, thủ tục đầu tư dự án; tình trạng mất cân đối cung-cầu sản phẩm BĐS, dư thừa nguồn cung cao cấp trong khi thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá rẻ và khó khăn về nguồn vốn. Trong đó, vướng mắc chủ yếu, cốt lõi là về vấn đề pháp lý.

Ông Tú cho biết quan điểm của NHNN là bám sát các chỉ đạo của nhà nước, Chính phủ, hướng đến việc hỗ trợ cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững; hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, trục lợi; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng...

“Chúng tôi kiến nghị chính các DN, các tập đoàn BĐS cũng phải khẩn trương cơ cấu lại sản phẩm của mình, khẩn trương cơ cấu lại nguồn hàng, cơ cấu các nguồn lực, vấn đề vốn, vấn đề thị trường, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay và cũng phải chia sẻ với những khó khăn của các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Không chỉ riêng BĐS khó khăn mà các lĩnh vực khác cũng rất khó khăn”, ông Tú nói.

tu.jpg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Toàn Cầu GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp đánh giá các giải pháp tháo gỡ vừa qua đã giúp thị trường BĐS bớt ảm đạm hơn, cải thiện được niềm tin của thị trường. Tuy nhiên, số DN BĐS phải giải thể hoặc ngừng hoạt động vẫn còn lớn.

Ông Hiệp kiến nghị tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thống kê báo cáo 3 tháng/lần các dự án còn tồn đọng vướng mắc không giải quyết được trong thời hạn quá 5 năm và đề xuất cách xử lý.

Ngoài ra, ông Hiệp cho biết các luật liên quan đến thị trường BĐS dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 10.2023 và có hiệu lực từ năm 2024. Như vậy sẽ có hàng loạt dự án đang triển khai thủ tục đầu tư từ 2022 và 2023 sẽ chịu tác động của những thay đổi về pháp lý. Vì vậy, cần quan tâm đến vấn đề chuyển tiếp các dự án giữa luật cũ và luật mới.

Không cho doanh nghiệp BĐS tham gia ngân hàng

Ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư IMG cho hay bản chất của việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS mà Chính phủ đang quan tâm nằm ở một số vấn đề như chống đầu cơ đất.

Hiện nay, việc đầu cơ đất và lũng đoạn thị trường BĐS đang ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Người dân mua đất chờ thời cơ tăng giá, khiến một bộ phận lực lượng sản xuất "nằm ngủ" không phát huy tác dụng, rất phí phạm.

“Kinh nghiệm của các nước là dùng thuế để điều chỉnh sự đầu cơ. Chúng tôi có dự án ở Australia, mỗi năm chúng tôi phải nộp thuế đất 2%. Giá đất là do cơ quan thuế định giá hằng năm một cách độc lập. Mỗi năm, chúng tôi phải đóng thuế đất 700.000-800.000 đô la khi chưa thực hiện dự án. Năm nay, chính quyền địa phương quyết định tăng mức thuế này lên 4%, rất cao”, ông Minh nói và cho rằng nếu Việt Nam thực hiện chính sách này thì chỉ có những người thật sự làm dự án mới dám giữ đất và khi giữ đất thì phải làm dự án rất nhanh.

Ông Minh kiến nghị ban soạn thảo Luật Đất đai bổ sung và áp dụng mức thuế 2% thuế đất hằng năm và áp dụng thuế luỹ tiến khi các khu đất không đưa vào kinh doanh, không sinh lời, giống như nước ngoài đang thực hiện.

minh.jpg
Ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư IMG

Vấn đề tiếp theo ông Minh cho rằng việc tăng lãi suất nên có thời hạn và có định lượng. Đã đến lúc giảm lãi suất trung hạn xuống dưới 10%, vì với lãi suất trung hạn trên 10% thì không có nền kinh tế nào khoẻ mạnh. Các nước phát triển áp dụng lãi suất trung hạn từ 3-5%.

“Hiện nay, lãi suất trung hạn ở Việt Nam cao, 5-6 tháng trước khoảng 12-14%, các DN không muốn vay, không dám vay và khách hàng mất niền tin vào thị trường BĐS, họ dồn tiền cho lĩnh vực khác. Theo đó, nên hạ lãi suất trung hạn xoay quanh 8,5% cộng trừ như 2 năm trước đây, để Việt Nam tiếp tục là một con rồng của châu Á”, ông Minh nói. Cũng theo ông Minh nên quy định biên độ 12 tháng dưới 3%, vì biên độ trên 3% của 12 tháng thì các DN sẽ rất khó khăn.

“Nên có biện pháp không cho hoặc hạn chế các DN BĐS tham gia ngân hàng và ngược lại, vì các DN tham gia cả 2 lĩnh vực này huy động vốn xã hội chủ yếu cho chính DN mình và ít có tác dụng với xã hội, thậm chí tạo nên những tài phiệt lũng đoạn nền kinh tế”, ông Minh nhấn mạnh.

Lệ làng ở nhiều nơi rất lớn, DN rất cơ cực

Về tháo gỡ vướng mắc pháp lý và xử lý hành chính, ông Minh cho rằng khó khăn nhất hiện nay của các DN BĐS là pháp lý chứ không phải vấn đề ngân hàng. Pháp lý có sự chồng chéo, cùng 1 vấn đề, 1 quy định nhưng nhiều cách hiểu, cấp thực thi không thực hiện và không dám làm, chủ yếu là cấp địa phương.

"Lệ làng" ở nhiều nơi rất to, không làm cũng không sao và các DN rất cơ cực. Ở DN, chúng tôi giao việc kèm deadline, cán bộ sai deadline mà không có lý do chính đáng, không được cấp trên đồng ý điều chỉnh thì sẽ bị phạt hoặc chuyển công tác. Tuy nhiên cán bộ nhà nước có chậm hoặc không làm cũng không sao. Chúng ta hiểu rõ, thất thoát do chậm trễ tiến độ lớn hơn thất thoát do tham ô”, ông Minh chia sẻ.

Theo đó, ông Minh kiến nghị, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý để cán bộ yên tâm làm việc. Cần có nghị định rõ ràng về việc phân quyền và trách nhiệm của các cấp, trong đó quy định rõ: nội dung hoàn thành, thời gian hoàn thành, trách nhiệm nếu để quá hạn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Nên cấm doanh nghiệp BĐS tham gia ngân hàng, tránh tạo ra tài phiệt lũng đoạn kinh tế'