Theo Phys.org, do chính quyền Nepal đã đình chỉ cấp giấy phép cho tất cả các cuộc thám hiểm leo núi vì lo ngại sự bùng phát của coronavirus nên một cuộc dọn rác đầy tham vọng trên 6 ngọn núi bao gồm Everest cũng bị hủy bỏ.
Danduraj Ghimire, Giám đốc cơ quan du lịch Nepal nói với phóng viên AFP rằng mùa này không có chuyện cấp phép leo núi.
Lều vải phát quang, thiết bị leo núi bị vứt bỏ, bình gas rỗng và thậm chí cả xác người có thể được tìm thấy trên một tuyến đường núi đến đỉnh cao 8.848m ở Nepal. Các tổ chức leo núi cho rằng dịch bệnh COVID-19 hủy hoại Everest, nơi đôi khi được gọi là bãi rác cao nhất thế giới.
Ông Santa Bir Lama, người đứng đầu Hiệp hội leo núi Nepal chia sẻ rằng chính phủ nước này nên cho phép dọn núi. Ngoài việc thu gom rác, việc này sẽ mang lại việc làm cho những người dân tộc sống ở vùng núi cao của dãy Himalaya ở Nepal, những hướng dẫn viên đã mất doanh thu trong mùa này.
Năm ngoái, một nhóm gồm 14 người đã dành 6 tuần để tìm kiếm rác tại trại chính của Everest và một trại khác ở độ cao 8.000m. Họ đã dọn sạch ngọn núi khỏi hơn 10 tấn chai nhựa, lon, thiết bị leo núi và... 4 thi thể. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần rác nhỏ từ Everest. Nhiều trại không thể tiếp cận vẫn còn ngập ngụa các thiết bị bỏ lại. Pasang Nuru Sherpa, thành viên của đội dọn rác năm ngoái, nói rằng “rất khó để kéo rác, đặc biệt là các thi thể, trong khi khách du lịch liên tục đi lên đỉnh núi. Trên đường tới một ngọn núi trống, công việc của chúng tôi sẽ đơn giản và nhanh hơn rất nhiều và chúng tôi có thể dọn đống rác đã tích tụ lại. Lần tới sẽ có nhiều lớp tuyết hơn và sẽ khó hoạt động hơn”.
Những người leo núi nước ngoài phải trả ít nhất 30.000 đôla để leo lên Everest nhưng người dân địa phương than phiền rằng khách nước ngoài ít chú ý đến hậu quả đối với môi trường. Mùa leo núi năm ngoái bắt đầu vào tháng tư, đã chứng kiến con số kỷ lục với 885 người lên đỉnh Everest.
Vũ Trung Hương