Cô Lê Thị Bé Bảy, một người gắn bó với HTX Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn gần 10 năm nay cho hay: “Nét hấp dẫn của du lịch Cồn Sơn là thiên nhiên, con người và sản phẩm du lịch đều mang đậm nét bản địa”.
Cô Bé Bảy nhớ lại: “Cuối tháng 5 đầu tháng 6.2015 tôi đưa sản phẩm du lịch Cồn Sơn đến với Sở VH-TT-DL Cần Thơ và các công ty du lịch lữ hành. Lúc đó tôi tư vấn được 5 hộ đồng ý làm du lịch sinh thái. Thật sự du lịch Cồn Sơn dựa vào bản địa, khai thác nét đẹp hoang sơ. Văn hóa bản địa được đưa vào du lịch như: tay nghề, thổ nhưỡng, thiên nhiên, con người”.
Cồn Sơn rất gần TP.Cần Thơ, bắt đầu từ bến Ninh Kiều sau 1 giờ đi bằng đò máy khách sẽ đến Cồn Sơn. Cồn Sơn nằm giữa sông Hậu, xung quanh là đê bao, đây là vùng quê rất thơ mộng. Ẩm thực mang nét đặc trưng, bánh xèo ăn với rau rừng y như thời xưa. Cá lóc nước trui giữ đúng chất, ăn với những món ăn như ăn thời khẩn hoang. Những món ăn chế biến từ động vật, thực vật gần gũi thiên nhiên.
Đến với Cồn Sơn khách còn nhận ra nét “văn hóa bản địa” thể hiện trong giao tiếp. Tính chân thật thể hiện rất rõ trong giao tiếp với nhau của người sống trong vùng đất cồn. Nếu chú ý khách sẽ nghe những câu như: “Ăn cơm chưa”; “Mới ghé chơi chút tính dìa hả”; “Chèn ơi hôm nay khách đông ghê” ; “Dìa chừng nào có dịp xuống Cần Thơ ghé Cồn Sơn chơi nhe”… Tất cả thể hiện tính cách hồn nhiên, đôn hậu, phong thái của người người miền Tây Nam Bộ.
Cô Nguyễn Thu Thủy, một cư dân TP.HCM sau khi du lịch Cồn Sơn bộc bạch: “ Đi du lịch về đã 3 năm tôi vẫn nhớ tiếng nói đậm chất quê của chị Bảy Muôn: “Ê sao em dìa sớm vậy”, “Chừng nào xuống Cần Thơ ghé chị nhe”. Từ giọng nói, đến cách chế biến món ăn và khung cảnh Cồn Sơn in đậm trong tâm trí tôi một tình cảm thân thương. Chính vì vậy miền Tây thật gần khi khách đến Cồn Sơn”.
Cồn Sơn thuộc quận Bình Thủy, diện tích khoảng 70ha. Trước năm 1930, cù lao này, trước đó có tên gọi cồn Linh, dần về sau mọc rất nhiều cây sơn. Tên cồn Sơn được đặt bởi lý do như vậy. Người ta khai thác nhựa cây dùng để sơn son thiếp vàng đồ nội thất bằng gỗ, về sau nghề này trở nên mai một dần. Người dân bắt đầu chuyển sang trồng cây ăn trái và nuôi bè cá.
Anh Trần Thành Xuyên, thành viên HTX Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn cho biết khách đến tham quan sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động và sản phẩm du lịch rất đa dạng. Người dân địa phương làm du lịch cộng đồng, phát huy văn hóa bản địa, thông qua việc đưa các nghề gia truyền của gia đình mình vào phục vụ du lịch. Hộ chú Bảy Bon vốn nghề nuôi cá, thì tận dụng kinh nghiệm, kiến thức, cơ sở vật chất có sẵn để làm du lịch. Hộ chị Bảy Muôn thì nghề làm nước mắm thủ công gia truyền, và nghề làm bánh giúp khách tham quan có thêm trải nghiệm về bánh dân gian Nam Bộ, về nước mắm làm thủ công truyền thống.
Khi du lịch Cồn Sơn du khách còn được cùng gia chủ làm các món bánh nổi tiếng của người dân miền Tây như: bánh khọt, bánh xèo, bánh kẹp nướng, bánh in… Bạn có thể tham gia vào mọi công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu, nhào bột, tự tay chế biến ra những chiếc bánh thơm ngon, đẹp mắt đậm chất Nam Bộ. Sau khi làm bánh, khách ngồi chờ vài phút để hấp, luộc rồi thưởng thức. Bạn sẽ cảm nhận được cả vị ngọt và mặn, tùy từng loại bánh.
Ngoài ra du khách còn được trải nghiệm cuộc sống của nông dân qua các hoạt động: câu cá, mò cua, bắt ốc, tát mương bắt cá… Sau nhiều giờ lặn ngụp, lấm lem bùn đất, thành quả thu được là những con cá đồng. Từ thành quả này, du khách có thể cùng người dân chế biến tại chỗ với nguyên liệu sẵn có trong vườn, thành những món đồng quê tuyệt vời như: cá nướng rơm hay bẹ chuối, ốc nướng.
Đến Cồn Sơn du khách sẽ thưởng thức đặc sản địa phương tại nhà vườn của người dân để cảm nhận đúng chất bữa cơm ở miền Tây. Các món ăn được chế biến từ những sản vật ngay tại cồn. Người dân Cồn Sơn hay nói với khách du lịch là mọi người có thể gọi các món trên menu và món ăn sẽ bay đến. Đây là cách nói vui của người dân Cồn Sơn. Điều đặc biệt là trong bữa ăn các món ăn là do nhiều hộ mang đến món ăn mà mình nấu ngon nhất. Ví như món ếch xào nhà Chính Nhỏ; món cua đồng, cá lóc nướng trui từ nhà vườn Song Khánh; món lẩu ốc, bồ câu nước dừa từ nhà vườn Năm Công; món bánh xèo, bánh khọt từ nhà chị Minh, món cá tai tượng từ nhà chị Năm… Các món ăn sẽ được đưa từ hộ chế biến sang hộ mà khách du lịch dừng chân ăn trưa.
Hoạt động du lịch này rất hay, vừa giới thiệu được văn hóa sông nước của mình, vừa tận dụng được không gian xanh của thiên nhiên tạo cảm giác rất thoải mái, gần gũi cho khách du lịch. Người dân Cồn Sơn làm du lịch hay, tận dụng được những nguồn tài nguyên có sẵn rồi đồng lòng hợp sức để phát triển du lịch, tạo nguồn thu nhập cũng như công việc cho bà con trên cồn. Bên cạnh đó, do làm du lịch trên chính mảnh đất của mình nên bà con cũng rất chủ động trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên.
Người dân Cồn Sơn đã xây dựng môi trường văn hóa du lịch rất lành mạnh. Điều này giúp mỗi người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, nếp sống văn hóa được hình thành, ý thức trách nhiệm và sự tự giác của người dân trong các phong trào, hoạt động được nâng cao, góp phần xây dựng hình ảnh người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.