Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta không thể đạt được các mục tiêu phát triển tới năm 2030 và năm 2045 nếu không đạt tăng trưởng ở mức hai con số mỗi năm trong những thập kỷ tới".
Thị trường và chính sách

Nếu tăng trưởng không đạt 2 con số mỗi năm, khó đạt được các mục tiêu phát triển

Lam Thanh 09/11/2024 22:09

Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta không thể đạt được các mục tiêu phát triển tới năm 2030 và năm 2045 nếu không đạt tăng trưởng ở mức hai con số mỗi năm trong những thập kỷ tới".

Ngày 9.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10.2024.

Việt Nam có thể tăng trưởng cao nhất ASEAN+3.

Về kết quả kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024, các báo cáo đánh giá tiếp tục xu hướng tích cực, tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,78%; tỷ giá, lãi suất nhìn chung ổn định; xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn; du lịch phục hồi mạnh; thu ngân sách nhà nước tăng mạnh, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi thấp hơn giới hạn quy định; phát triển doanh nghiệp phục hồi khi trong tháng 10 có 22,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động...

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam được Standard Chartered nâng dự báo từ tăng 6% lên tăng 6,8%, HSBC nâng dự báo từ tăng 6,5% lên tăng 7%; Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) dự báo năm 2024 và 2025, Việt Nam có thể tăng trưởng cao nhất ASEAN+3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm nay tốt hơn năm ngoái. Nếu tăng trưởng GDP cả năm đạt trên 7% thì Việt Nam sẽ đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của năm 2024.

1-tang-truong-2.jpg
Chính phủ họp thường kỳ tháng 10

Đặc biệt, theo Thủ tướng, một điểm sáng là đã chỉ đạo quyết liệt, xử lý nhanh tình hình, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân, tương ái, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, đồng thời Thủ tướng cũng bày tỏ phấn khởi khi 40 căn nhà ở Làng Nủ mới đã hình thành.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng lưu ý tình hình khu vực, quốc tế còn nhiều bất định, rủi ro; áp lực điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về điều hành tỷ giá, lãi suất, nguồn cung và giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước.

Ngoài ra, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực khó khăn, nhất là chi tiêu đầu vào cho sản xuất; áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn; tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng; khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản chậm được giải quyết; giải ngân vốn đầu tư công, triển khai gói tín dụng 145 nghìn tỉ đồng cho nhà ở xã hội chưa đáp ứng kỳ vọng.

Đáng chú ý, quy định pháp luật còn chồng chéo; một số văn bản quy định chi tiết chậm được ban hành; thủ tục hành chính còn rườm rà. Chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các bộ ngành, địa phương; đời sống một bộ phận người dân khó khăn…

Thúc đẩy tăng trưởng, xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế với mục tiêu: Tốc độ tăng GDP quý 4 khoảng 7,4-7,6%, cả năm đạt trên 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu ngân sách nhà nước tăng ít nhất 15%.

Thủ tướng cũng yêu cầu triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí.

1-tang-truong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh cần tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó, đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư; thu hút FDI có chọn lọc, có chính sách hỗ trợ để thu hút khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; chủ động, tích cực thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Thủ tướng cho rằng cần quyết liệt các nhiệm vụ để khởi công dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và sau đó tiếp tục khởi công tuyến Lạng Sơn - Hà Nội.

Với quan điểm xác định thể chế là "đột phá của đột phá", Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, cương quyết xóa bỏ cơ chế "xin cho", theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Song song đó, Thủ tướng yêu cầu thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc về tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và chỉ đạo của Bộ Chính trị.

"Chúng ta không thể đạt được các mục tiêu phát triển tới năm 2030 và năm 2045 nếu không đạt tăng trưởng ở mức hai con số mỗi năm trong những thập kỷ tới. Chúng ta có thể đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số nếu tháo gỡ được các rào cản, điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực toàn xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, trong đó yêu cầu trình phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng kiểm soát đặc biệt còn lại; hoàn thiện phương án xử lý đối với SCB; xử lý dứt điểm vướng mắc liên quan dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức; hoàn thiện hồ sơ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo...

Bài liên quan
Thủ tướng: Vùng Đồng bằng sông Hồng phải tăng trưởng 2 con số
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng phải tăng trưởng 2 con số để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam luôn coi Nga là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại
12 giờ trước Sự kiện
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện với Nga, luôn coi Nga là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu tăng trưởng không đạt 2 con số mỗi năm, khó đạt được các mục tiêu phát triển