Siêu xe tăng Armata của Nga lần đầu tiên ra mắt, là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng năm 2015. Chiếc xe tăng này còn được dự báo sẽ ra cuộc thay đổi lớn trong triết lý quân sự và sử dụng xe tăng không chỉ trong quân đội Nga, mà còn trên toàn cầu.

Nga cải tiến triết lý quân sự với siêu xe tăng Armata

Một Thế Giới | 26/06/2015, 11:38

Siêu xe tăng Armata của Nga lần đầu tiên ra mắt, là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng năm 2015. Chiếc xe tăng này còn được dự báo sẽ ra cuộc thay đổi lớn trong triết lý quân sự và sử dụng xe tăng không chỉ trong quân đội Nga, mà còn trên toàn cầu.

Siêu xe tăng Armata có những điểm khác biệt căn bản với những dòng tăng trước đó của Liên Xô và sau này là Nga.

Nếu như những mẫu tăng gần nhất của Liên Xô và Nga là T-90 hay T-80 đều là những phiên bản cải tiến của T-72 nổi tiếng, thì T-14 Armata được xem là một mẫu tăng mới hoàn toàn, với một thiết kế riêng và mang một triết lý riêng.

Triết lý về chiến thuật sử dụng xe tăng điển hình của Liên Xô trước đây và sau này được Nga thừa kế, là chú trọng tính cơ động và sức tấn công cao, cùng với đó là sự dễ dàng trong chế tạo, lắp ráp và sửa chữa vốn là những điều kiện bắt buộc trên chiến trường.

Các dòng tăng Liên Xô như T-72 hay T-80 vì thế đều có chung những đặc điểm này, điểm yếu về khả năng phòng thủ liên quan đến bề dày lớp giáp và tháp pháo, nơi tổ điều khiển vận hành dễ bị phá hủy sẽ được bù đắp bởi hỏa lực và sự cơ động cao, cùng với đó là việc dễ chế tạo hàng loạt và thuận tiện trong sửa chữa.

Sở dĩ Liên Xô và sau này là Nga chọn hướng đi đó cho binh chủng xe tăng, là do chiến lược sử dụng bộ binh cơ giới hóa đi cùng sẽ hỗ trợ các điểm yếu về phòng thủ của xe tăng.

Điều này dẫn tới đòi hỏi việc duy trì những binh chủng cơ giới có nhiệm vụ hỗ trợ xe tăng trên chiến trường.

T-14 Armata ra đời với mục tiêu giảm thiểu tối đa những đòi hỏi này. Những điểm yếu cơ bản cố hữu của các dòng tăng Liên Xô như T-72 hay T-80 trước đó đều được loại bỏ.

Tổ điều khiển không còn ngồi vận hành ở tháp pháo vỗn dễ bị tấn công và phá hủy, thay vào đó ngồi trong một khoang riêng bọc thép được ngăn cách hoàn toàn với kho đạn -vốn cũng là một nhược điểm của tăng Liên Xô trước đây.

Nếu như một chiếc tăng T-72 hay T-80 trước đây dễ dàng bị phá hủy hoàn toàn do bị nhắm vào tháp pháo hay kho chứa đạn dẫn đến việc tổ điều khiển thiệt mạng, thì giờ đây hai nhược điểm chí mạng này không còn tồn tại ở T-14 Armata.

T-14 Armata không chỉ loại bỏ được những nhược điểm của tăng Liên Xô, mà nó được thiết kế theo một hướng hoàn toàn mới. Nếu như các dòng tăng trước đây của Liên Xô chú trọng đến sự cơ động và hỏa lực mạnh dù có khiến khả năng phòng thủ giảm đáng kể, thì T-14 Armata hướng đến sự vững chãi và lỳ lợm.

Công nghệ được xem là quan trọng nhất của T-14 là hệ thống phòng vệ chủ động Afganit.

Hhệ thống này dùng radar để phát hiện các loại đạn chống tăng như súng phóng lựu hay tên lửa và kích hoạt tên lửa đánh chặn để đảm bảo an toàn cho xe tăng. Trong trường hợp xấu nhất là thân xe bị trúng đạn, vẫn còn hệ thống giáp phản ứng nổ ERA làm giảm tối đa sức công phá của viên đạn lên bề mặt xe tăng.

 Hệ thống ERA trên T-14 đang được xem là độc nhất trên thế giới. Đó là chưa kể lớp giáp của T-14 Armata cũng dầy hơn các chủng tăng trước đó, do số thành viên điều khiển giờ đây chỉ còn là 3 thay vì 4 như trước, việc này làm tăng diện tích cần thiết để gia tăng độ dầy của giáp.

Nói cách khác, với các thông số kỹ thuật này, T-14 Armata đang được xem là chủng tăng khó bị phá hủy nhất trên thế giới vào thời điểm hiện tại.

 Và nó đang làm đảo lộn triết lý sử dụng xe tăng trên thế giới, khi mà ngày càng nhiều các vũ khí chống tăng có hiệu quả cao ra đời, như tên lửa hay trực thăng Apache của quân đội Mỹ.

Với sự phát triển mạnh của các vũ khí chống tăng này, xe tăng đang dễ dàng bị phá hủy hơn bao giờ hết, và đang ngày càng giảm vai trò là binh chủng xung kích trên chiến trường.

 Trong những cuộc chiến gần nhất, lượng tăng thiệt hại là rất lớn, hơn 1000 xe tăng T-72 của Iraq đã bị hủy diệt bởi tăng M1 Abrams và trực thăng Apache của Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh.

Với việc có thể ngăn chặn hầu hết các vũ khí chống tăng, T-14 Armata đang tái khôi phục lại vị trí binh chủng tiền phong trên chiến trường cho xe tăng do có thể độc lập tác chiến cao độ mà không cần sự hỗ trợ của bộ binh cơ giới đi cùng.

Các chuyên gia Nga cho rằng, T-14 Armata thậm chí có thể chống lại được trực thăng Apache của Mỹ, vốn được xem là sát thủ diệt xe tăng trên chiến trường.

Trong khi đó các chuyên gia Mỹ chỉ thừa nhận T-14 có thể ngăn chặn được súng chống tăng và tên lửa.

Sự ra đời của T-14 Armata có thể sẽ trở thành một bước ngoặt trong việc sử dụng binh chủng xe tăng trên chiến trường trong ít nhất là vài thập kỷ tới.

Việc tái hiện các mũi tấn công đóng vai trò mũi nhọn trên chiến trường bằng xe tăng như quân Đức đã làm trong Thế chiến 2, hay quân Israel trong những cuộc chiến với khối Ả Rập hơn 20 năm sau đó, là điều có thể thực hiện được với T-14. Binh chủng xe tăng sẽ quay trở lại vai trò nguyên thủy của nó là tấn công và tấn công.

Kết quả một cuộc chiến được quyết định bởi xe tăng sẽ không còn là chuyện quá xa vời.

T-14 cũng đang báo hiệu sự thay đổi biên chế tất yếu với những quân đội sử dụng loại tăng này, khi các binh chủng bộ binh cơ giới có nhiệm vụ hỗ trợ xe tăng sẽ không cần thiết phải duy trì nhiều như trước, do mức độ độc lập tác chiến cao của T-14.

Nó sẽ giúp giảm chi phí quốc phòng và tái cơ cấu quân đội theo hướng nhỏ gọn và tinh nhuệ hơn.

Đó là con đường mà Nga đang theo đuổi, thay vì duy trì một lượng lớn xe tăng thế hệ cũ vốn đòi hỏi quá nhiều chi phí bảo dưỡng và nâng cấp.

Đó cũng sẽ là điều tất yếu sẽ xảy ra với các quốc gia khác đang sở hữu nhiều xe tăng đời cũ như Ấn Độ hay Trung Quốc.

 Xu hướng thiết kế xe tăng theo hướng của T-14 Armata cũng được dự đoán là sẽ diễn ra ở các nước phương Tây như Mỹ hay EU.

Nhàn Đàm (theo Business Insider)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga cải tiến triết lý quân sự với siêu xe tăng Armata