​Những gì diễn ra sau khi hội nghị bàn về đóng băng sản lượng dầu tại Doha, Qatar giữa các nước OPEC và ngoài OPEC đang khiến cả thế giới đi từ bất ngờ đến lo lắng.

Nga chuyển sang thế đối đầu với Ả Rập Saudi sau hội nghị Doha

Nhàn Đàm | 22/04/2016, 10:00

​Những gì diễn ra sau khi hội nghị bàn về đóng băng sản lượng dầu tại Doha, Qatar giữa các nước OPEC và ngoài OPEC đang khiến cả thế giới đi từ bất ngờ đến lo lắng.

Sau một loạt sự kiện hi hữu diễn ra đồng loạt một cách trùng hợp tại một số nước thành viên OPEC khiến giá dầu vụt tăng, từ vụ đình công của công nhân trong ngành dầu Kuwait đến sự cố cháy đường ống dẫn dầu ở Nigeria và mất điện trên diện rộng ở Venezuela, thì một xu hướng mới bắt đầu xuất hiện: các nước tham gia hội nghị Doha đang chuyển từ hợp tác sang đối đầu. Mà Nga và Ả Rập Saudi là một ví dụ điển hình. Sự đối đầu giữa hai cường quốc xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, có thể đẩy giá dầu trên thị trường xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Sự xoay chuyển từ hợp tác sang đối đầu giữa các nước tham dự hội nghị Doha đã diễn ra ngay sau khi hội nghị bàn về đóng băng sản lượng này kết thúc trong thất bại, khi phó vương Ả Rập Saudi là hoàng từ Mohammed bin Salman đã đưa ra tuyên bố đầy tính đe dọa, rằng nước này sẽ gia tăng sản lượng thêm 2 triệu tấn trong thời gian tới.

Thông điệp của Saudi rất rõ ràng: nếu như các nước tham dự hội nghị Doha đã không thể hợp tác với nhau để vực dậy giá dầu, thì Saudi sẽ làm mọi cách có thể để đoạt lấy nhiều thị phần nhất có thể, bất chấp nước này cũng đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng do giá dầu sụt giảm trong hơn một năm qua; theo ước tính thâm hụt ngân sách của Saudi trong hơn một năm qua do giá dầu chạm đáy đã lên tới khoảng 100 tỷ USD.

Quyết định tăng sản lượng của Ả Rập Saudi sau khi hội nghị Doha thất bại là điều có lý, vì dẫu sao với giá dầu thấp như hiện nay thì đằng nào Saudi cũng bị thiệt hại, nên thà chọn cách tiếp tục chịu thiệt hại và tăng thêm sản lượng để chiếm thêm thị phần nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại xuống vẫn hơn là ngồi im không làm gì.

Ngoài vấn đề tính toán lợi ích kinh tế, thì việc tăng sản lượng thêm 2 triệu tấn này cũng mang ý nghĩa là một hình phạt của Saudi với các nước xuất khẩu dầu khác đã tham dự hội nghị Doha. Thông điệp của Mohammed bin Salman rất rõ ràng: nếu đã không chấp nhận hợp tác để vực dậy giá dầu, Ả Rập Saudi sẽ khiến cho các nước chịu thiệt hại nhiều hơn nữa. Nói cách khác là, nhẹ không ưa lại ưa nặng.

Và điều này đang làm thổi bùng lên một sự đối đầu giữa các nước tham dự hội nghị Doha khác với Saudi, mà điển hình là Nga. Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày thứ Tư 20.4, Nga tuyên bố sẽ đẩy sản lượng khai thác dầu của mình lên mức mới và cao nhất từ trước đến nay.

Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak cho biết: “Ả Rập Saudi có khả năng tăng sản lượng một cách đáng kể, nhưng chúng ta cũng vậy. Novak cho biết ở thời điểm hiện tại, Nga có thể tăng sản lượng lên 12 hoặc thậm chí là 13 triệu thùng/ngày ở mức gần 11 triệu thùng/ngày ở thời điểm hiện tại. Dựa vào những gì đã diễn ra trước đó, Nga hoàn toàn đẩy sản lượng khai thác của mình lên mức kỷ lục như đã tuyên bố.

Trên thực tế sản lượng khai thác dầu của Nga đã không ngừng tăng lên trong những năm qua, vào giai đoạn cuối năm 1999 đầu năm 2.000 sản lượng dầu của Nga đã lên tới 6 triệu thùng, và dù đã có rất nhiều dự đoán rằng sẽ sụt giảm thì trên thực tế điều này vẫn chưa xảy ra. Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng của Nga là khoảng gần 11 triệu thùng/ngày và là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Sở dĩ Nga nhanh chóng đáp trả tuyên bố mang tính đe dọa là sẽ nâng sản lượng của Saudi, là vì dù không ai nói ra, nhưng trên thực tế lời tuyên bố tăng sản lượng của Saudi là hướng đến Nga chứ không phải nước nào khác. Sản lượng của Saudi hiện nay khoảng 10 triệu thùng/ngày, và với 2 triệu thùng/ngày mà phó vương Saudi là Mohammed bin Salman tuyên bố sẽ tăng thêm, thì tổng sản lượng của Saudi sẽ chính thức vượt qua Nga đang ở mức gần 11 triệu thùng/ngày để trở thành nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Đó là lý do vì sao Nga xem tuyên bố đó như một lời thách thức, rằng Saudi sẽ không chỉ vượt qua Nga về mặt sản lượng, mà Saudi sẽ còn tìm cách đánh chiếm thị phần của Nga với mức sản lượng vừa khai thác thêm đó.

Những dấu hiệu mới nhất đang cho thấy, Nga sẵn sàng tập trung nguồn lực cho một cuộc đọ sức với Ả Rập Saudi trên thị trường dầu. Bộ Tài chính Nga vừa công bố rằng Bộ này đang chuẩn bị những sửa đổi cho đạo luật về ngân sách 2016, trong đó bao gồm kế hoạch cắt giảm chi phí đến 10% và những biện pháp thuộc kế hoạch chống khủng hoảng kinh tế.

Dù theo bộ trưởng tài chính Anton Siluanov thì bản kế hoạch này vẫn phải được Chính phủ thông qua trước khi đi vào thực hiện, thì việc Nga đang lên kế hoạch tăng sản lượng dầu hiện nay nhiều khả năng sẽ khiến kế hoạch mang tính thắt lưng buộc bụng do Bộ Tài chính đề xuất sẽ được tổng thống Putin thông qua một cách nhanh chóng.

Việc cả hai cường quốc xuất khẩu dầu số một và số hai thế giới đều tuyên bố sẽ gia tăng sản lượng khai thác, khoảng 2 triệu thùng/ngày ở mỗi nước, có thể sẽ là động thái quyết định để nhấn chìm giá dầu trên thị trường. Tình trạng dư cung có thể sẽ nghiêm trọng hơn mức dư thừa 2 triệu thùng/ngày hiện nay, và thậm chí có thể đẩy giá dầu xuống mức đáy thấp nhất trong nhiều năm nay là 20 USD/thùng.

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, đây có thể chỉ là một màn kịch do Ả Rập Saudi và Nga bày ra để hù dọa Iran, nước đã không chịu tham dự hội nghị Doha và dứt khoát không chấp nhận đề xuất đóng băng sản lượng mà Nga và Saudi đã đề ra. Lý do được Iran đưa ra là nước này vừa mới thoát khỏi tình trạng cấm vận kinh tế đã kéo dài vài năm qua, và đang rất cần tiền để khôi phục nền kinh tế, và vì thế cần tăng sản lượng khai thác dầu đem đi xuất khẩu.

Nếu như giá dầu sụt giảm quá mạnh do sự tăng sản lượng của Nga và Saudi, thì kế hoạch của Iran sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Thậm chí, nếu thiệt hại vượt quá mức chịu đựng, nhiều khả năng Iran sẽ chấp nhận tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng. Nếu quả thực là như thế, thì Nga và Ả Rập Saudi quả là những kịch sĩ đại tài.

Nhàn Đàm (theo Reuters/CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga chuyển sang thế đối đầu với Ả Rập Saudi sau hội nghị Doha