Trái ngược với những dự đoán về việc giá dầu trên thị trường thế giới sẽ sụt giảm mạnh sau khi hội nghị ở Doha giữa OPEC và các nước ngoài tổ chức bàn về đóng băng sản lượng thất bại, thì giá dầu đã bất ngờ tăng trở lại ngay sau khi hội nghị Doha kết thúc.
Một loạt các sự kiện nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia đang khiến cho vấn đề giá dầu đang trở thành câu chuyện hấp dẫn nhất ở thời điểm hiện tại. Quốc gia thành viên duy nhất của OPEC không tham gia hội nghị ở Doha là Iran thì đang gặp rắc rối do không đủ tàu chở dầu để tăng sản lượng xuất khẩu, trong khi Kuwait thì gặp vấn đề nghiêm trọng do các cuộc đình công của công nhân ngành dầu. Đó là chưa kể một loạt các tai nạn khác đang diễn ra ở một số nước thành viên khác của OPEC cũng đang khiến sản lượng khai thác và xuất khẩu giảm đáng kể.
Sự diễn ra đồng loạt một cách đầy trùng hợp của một loạt các sự kiện đang tác động trực tiếp tới hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu tại một loạt các quốc gia thành viên OPEC, khiến cho cả thế giới đang hết sức ngạc nhiên. Nếu như đây không phải là một sự dàn xếp ngầm một cách bí mật giữa các nước OPEC sau khi chứng kiến hội nghị Doha thất bại, thì đây quả thực là một thời điểm hy hữu. Vì không hẹn mà gặp, các biến cố liên tiếp xảy ra khiến cho sản lượng dầu tại một loạt các nước OPEC bị giảm xuống đáng kể.
Cụ thể, tại Kuwait một cuộc đình công nổ ra vào thứ sáu 15.4 và đặc biệt nghiêm trọng vào thứ ba 19.4 của công nhân trong ngành dầu lửa ở nước này. Cuộc đình công nổ ra do sự bất đồng giữa công nhân và các doanh nghiệp dầu khí Kuwait về vấn đề cải cách tiền lương trong ngành này. Quy mô cuộc đình công lớn đến nỗi, nó đang làm giảm tới hơn 60% sản lượng khai thác dầu khí của Kuwait ở thời điểm hiện tại, theo ước tính nó đang làm giảm sản lượng khai thác dầu của Kuwait ở mức 1,5 triệu thùng/ngày trong khi tổng sản lượng trước đó của nước này chỉ là khoảng 2,8 triệu thùng/ngày mà thôi. Sự sụt giảm lên tới 1,5 triệu thùng/ngày đang đạt mức gần bằng tổng dư cung trên thị trường dầu lửa hiện nay là khoảng 1,8-2 triệu thùng/ngày. Nó đang khiến cho giá dầu vụt tăng thêm 3% vào ngày thứ ba và đi ngược lại với dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục giảm sâu thêm sau khi đã giảm khoảng 7% trong ngày thứ hai 18.4 sau khi hội nghị ở Doha không thành công.
Điều tương tự cũng đang diễn ra ở một số nước thành viên OPEC khác như Venezuela và Nigeria. Ở Venezuela, một sự cố mất điện trên diện rộng đã xảy ra khiến cho sản lượng khai thác dầu ở nước này đang giảm khoảng 200.000 thùng/ngày. Đất nước Nam Mỹ này đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trầm trọng nhất từ trước đến nay, thậm chí tình hình trở nên bi đát đến nỗi chính phủ Venezuela đã phải cho phép người dân nghỉ làm một số ngày trong tuần để tiết kiệm điện, và điều này cũng đang trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng khai thác dầu của Venezuela và tình trạng này có thể sẽ còn kéo dài. Còn tại Nigeria, một đám cháy đường ống lớn đang khiến cho sản lượng khai thác dầu ở quốc gia châu Phi đồng thời cũng là thành viên OPEC này giảm khoảng 400.000 thùng/ngày. Tổng sản lượng bị sụt giảm của Kuwait, Venezuela và Nigeria cộng lại hiện đang đủ để san bằng sự dư thừa nguồn cung trên thị trường thế giới hiện nay, và giá dầu có thể sẽ được vực dậy nhanh chóng.
Nhưng, sự kiện đáng chú ý nhất hẳn phải thuộc về Iran, quốc gia duy nhất trong OPEC không tham dự hội nghị Doha do cương quyết không chịu giảm sản lượng của mình để giành lại thị phần. Được xem là nguyên nhân khiến hội nghị Doha thất bại như một sự cương quyết bảo vệ lợi ích của mình, tuy nhiên Iran lại đang gặp rắc rối nghiêm trọng trong việc thực hiện mục tiêu gia tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu của mình vì một lý do khá hy hữu: thiếu tàu chở dầu. Hiện Iran đang rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu các tàu chở dầu đủ để vận chuyển sang thị trường châu Âu và Đông Á. Ở thời điểm hiện tại, đội tàu vận chuyển của Iran đang có khoảng 55-60 tàu trọng tải lớn, tuy nhiên hiện mới chỉ có 25-27 tàu đang hoạt động, số tàu còn lại đang phải tiến hành sửa chữa và nâng cấp sau một thời gian khá dài không được sử dụng và bảo trì do sự cấm vận kinh tế mà phương Tây đã áp đặt lên Iran vài năm gần đây. Một quan chức ở Tehran nói với hãng tin Reuters, hiện có khoảng hơn 20 tàu chở dầu trọng tải lớn cần phải được bảo trì và hiện đại hóa.
Thiếu tàu vận tải trọng tải lớn để xuất khẩu dầu, Iran cũng còn đang gặp rắc rối nghiêm trọng trong việc hỏi thuê các hãng tàu vận chuyển lớn của quốc tế. Paddy Rodgers, giám đốc điều hành của công ty tàu vận tải quốc tế Euronav cho biết hiện nay nhu cầu hợp tác với Iran là không nhiều vì nhu cầu thuê tàu vận tải trên thế giới cũng đang rất lớn trong khi nếu ký hợp đồng với Iran thì lại đang chứa quá nhiều rủi ro. Rodgers cho biết nếu ông đồng ý hợp tác với Iran thì sẽ phải đến Dubai mở tài khoản và việc làm ăn với Iran sẽ không nhận được bất cứ sự bảo hiểm nào. Lý do chủ yếu của tình trạng này là sự ngăn cản của hệ thống tài chính và ngân hàng quốc tế của Mỹ, cụ thể Mỹ vẫn đang cấm thực hiện các giao dịch bằng USD trong quan hệ kinh tế thương mại với Iran, khiến cho không chỉ các hãng tàu vận tải mà kể cả các doanh nghiệp lớn ở phương Tây cũng e dè chưa muốn đến Iran đầu tư.
Tình trạng này đang đe dọa nghiêm trọng kế hoạch phục hồi sản lượng dầu trên thị trường của Iran, vì kể cả khi nước này có gia tăng sản lượng đáng kể thì cũng sẽ trở thành vô ích nếu như không thể vận chuyển dầu đến cho các đối tác ở châu Âu và Đông Á. Theo tin tức mới nhất, Ả Rập Saudi vừa mới ra quy định cấm các tàu treo cờ Iran được đi qua vùng biển của nước này, kể cả là các tàu thương mại, một đồng minh của Saudi là Bahrain cũng đã tuyên bố cấm các tàu Iran được ghé 3 cảng biển chính của nước này. Lý do được đưa ra là vì mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và Saudi bắt nguồn từ một sự việc xung đột tôn giáo cách đây vài tháng, nhưng chẳng có gì đảm bảo việc Saudi cấm tàu Iran đi qua lãnh hải của mình chỉ là một cách để vừa gây ảnh hưởng đến kinh tế Iran vừa gián tiếp đem lại lợi ích cho Saudi thông qua việc giá dầu có thể tăng lên nếu như các tàu chở dầu của Iran bị chặn lại.
Dĩ nhiên, tất cả những sự cố đang diễn ra đồng loạt ở các nước OPEC hiện nay chỉ là một sự trùng hợp, và không có nhiều khả năng kéo dài lâu. Cuộc đình công ở Kuwait có lẽ sẽ sớm chấm dứt và sản lượng sẽ được khôi phục, sự sụt giảm do cúp điện ở Venezuela và sự cố đường ống ở Nigeria có lẽ sẽ kéo dài hơn, tình trạng thiếu tàu chở dầu ở Iran cũng vậy. Tuy nhiên, một số chuyên gia đã chỉ ra, thời điểm các nhà máy khai thác và lọc dầu trên thế giới bước vào giai đoạn bảo trì đang đến gần, và nó có thể khiến giá dầu được vực dậy khi sản lượng khai thác đã giảm xuống. Đó là chưa kể, thỏa thuận Doha thất bại cũng đồng nghĩa với việc sẽ có một số nước phải giảm sản lượng do đã đến giới hạn chịu đựng cuối cùng, và tất yếu sẽ khiến giá dầu bật tăng. Sự chịu đựng của tất cả các nước xuất khẩu dầu lửa trong hơn một năm qua, có vẻ như cũng đã vượt quá giới hạn.
Nhàn Đàm (theo Reuters)