Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố nước này có thể buộc phải triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung (NIF) tại châu Âu để phản ứng lại việc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có kế hoạch tái triển khai vũ khí tương tự.
Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn RIA, Thứ trưởng Ryabkov cho biết có một vài chỉ dấu gián tiếp cho thấy NATO sắp tái triển khai INF, chẳng hạn như khôi phục Bộ tư lệnh Pháo binh số 56 vào tháng trước. Đây là đơn vị từng sở hữu tên lửa đạn đạo tầm trung mang được đầu đạn hạt nhân Pershing khiến Liên Xô lo ngại thời Chiến tranh Lạnh.
Theo ông, Nga phải hành động (triển khai INF) nếu NATO không hợp tác cùng ngăn chặn căng thẳng leo thang. Chính việc thiếu tiến bộ trong tìm giải pháp chính trị - ngoại giao cho vấn đề này buộc Moscow phản ứng bằng quân sự một cách tự nhiên.
Nga vốn chịu ràng buộc của Hiệp ước về vũ khí tầm trung và tầm ngắn đạt được với Mỹ năm 1987. Nhưng Mỹ năm 2019 rút khỏi khiến thỏa thuận sụp đổ.
Căng thẳng Nga - NATO thời gian qua lại bùng lên khi Moscow tăng thêm quân đến biên giới Ukraine. NATO từng đảm bảo sẽ không triển khai INF của Mỹ tại châu Âu (Pershing là tên lửa Mỹ) và sẵn sàng đáp trả Nga một cách có chừng mực bằng vũ khí thông thường.
Nhưng Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh Nga hoàn toàn không tin tưởng NATO: “Họ chẳng cho phép chúng tôi làm gì để tăng cường an ninh cả. Họ tin họ có thể hành động theo những gì họ cần, có lợi cho họ, còn chúng tôi chỉ đơn giản là chấp nhận. Điều này sẽ không tiếp tục”.
Nhân cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu yêu cầu phương Tây phải đảm bảo an ninh cho Nga. Các đề xuất tiếp theo có thể được trình bày với Mỹ và một số nước thành viên NATO khác trong thời gian tới.