Hãng tin AP dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin ngày 5.10 thông báo Nga vừa thử nghiệm thành công tên lửa hành trình động cơ hạt nhân Burevestnik, đồng thời để ngỏ khả năng quốc hội nước này hủy bỏ phê chuẩn hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân.
Tại Diễn đàn Chính sách đối ngoại Valdal, Tổng thống Putin tuyên bố công tác phát triển tên lửa hành trình Burevestnik và tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat đã hoàn thành, thử nghiệm lần cuối với Burevestnik thành công tốt đẹp. Sắp tới Nga sẽ chuyển sang giai đoạn sản xuất.
Burevestnik nằm trong 6 vũ khí chiến lược mà nhà lãnh đạo Nga giới thiệu năm 2018, bên cạnh tên lửa đạn đạo Kinzhal cùng tên lửa lướt siêu thanh Avangard. Thời điểm đó ông khẳng định số vũ khí này có thể xuyên thủ mọi hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Là tên lửa tầm thấp phóng từ đất liền, Burevestnik mang được cả đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân. Động cơ nhiên liệu rắn sẽ đẩy tên lửa lên cao, sau đó lò phản ứng hạt nhân được kích hoạt giúp tên lửa duy trì độ cao trong thời gian dài. Giới chuyên gia xác định nếu được sử dụng trong thời chiến, vũ khí này đủ sức tiêu diệt mục tiêu quân sự hay khu đô thị lớn.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Nuclear Threat Initiative, trong giai đoạn 2017 - 2019 Nga thực hiện đến 13 vụ thử nhưng tất cả đều không thành công. Thậm chí một tên lửa phóng năm 2019 bị rơi và phát nổ khiến 7 người thiệt mạng.
Bên cạnh thông tin thử thành công Burevestnik, Tổng thống Putin còn lưu ý rằng Mỹ đã ký nhưng chưa phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện 1996, vì vậy Nga hoàn toàn có thể hủy bỏ phê chuẩn.
Phát ngôn trên được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại Nga khôi phục hoạt động thử nghiệm hạt nhân nhằm gây sức ép buộc phương Tây không viện trợ Ukraine nữa. Hiện không ít nghị sĩ Nga ủng hộ hoạt động này. Thậm chí học thuyết phòng vệ của Nga dự kiến sẽ có nội dung cho phép đáp trả hạt nhân trước một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc bằng vũ khí thông thường nhưng đe dọa đến sự tồn vong của đất nước.