Nga từng khẳng định chiến đấu cơ tàng hình Su-57 có thể tiêu diệt chiếc F-35 của Mỹ, nhưng Bộ Quốc phòng Nga vừa xác nhận đã hủy sản xuất hàng loạt kiểu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 PAK/FA Sukhoi Su-57.
Nga không vội sản xuất hàng loạt chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5
Theo trang Diplomat ngày 12.7, Thứ trưởng Quốc phòng Yuri Borisov nói trên một đài truyền hình Nga hôm 2.7: chiếc Su-57 đã chứng minh được khả năng bay chiến đấu sau khi được đưa đến Syria bay thử nghiệm hồi tháng 3, đáng được xem là một trong những kiểu máy bay tốt nhất của thế giới.
Ông Borisov còn nói chiếc Su-57 là “át chủ của chúng tôi”, nhưng Nga không việc gì phải vội sản xuất ồ ạt Su-57 vào lúc này, và chỉ sản xuất khi chiến đấu cơ thế hệ 4 cũ hơn quá lạc hậu với các loại máy bay cùng kiểu của phương Tây.
Hồi tháng 3, khoảng 4 chiếc Su-57 từng được Nga đưa đến căn cứ không quân Hmeimim ở Syria để bay thử nghiệm về khả năng chiến đấu, nhưng cuộc triển khai này chỉ diễn ra trong hai ngày, vì không hề có bất kỳ đe dọa nào có thể thách thức một chiến đấu cơ tầm cỡ thế giới.
Trong khi đó, các nguồn tin quân sự tiết lộ với báo Kommersant rằng số máy bay Su-57 được triển khai tới Syria để kiểm tra hệ thống radar và khả năng tác chiến điện tử.
Su-57 là chiến đấu cơ đa năng, một chỗ ngồi, gắn 2 động cơ, được thiết kế nhằm thay thế các kiểu MiG-29 và Su-27 trong các năm 2020 và 2030. Xem ra nay phải dừng kế hoạch thay thế này.
Chuyên gia nói Nga đã phải thừa nhận thất bại với chiếc Su-57
Su-57 được cho là chiến đấu cơ Nga đầu tiên sử dụng công nghệ tàng hình, bay thử nghiệm lần đầu vào năm 2010. Chiếc này đạt một số khả năng hứa hẹn về chiến đấu, nhưng những khó khăn trong khâu thiết kế - sản xuất đã khiến Su-57 trở thành một dự án đầy thách thức, cộng với khả năng xuất khẩu bị hạn chế.
Theo Business Insider, việc Nga quyết định ngưng sản xuất hàng loạt Su-57 có nghĩa Nga thất bại trong việc quản lý khoản chi quân sự khổng lồ, khiến không thể bơm hơi sâu cho các dự án, cũng như khó tìm được người mua một kiểu máy bay được cho sẽ là “sát thủ” tiêu diệt chiến đấu cơ tàng hình F-35 và F-22 của Mỹ.
Theo trang Diplomat, một trong những lý do Nga không sản xuất hàng loạt Su-57 vì nguồn kinh phí quốc phòng “khủng” nhưng bị kéo căng. Ước tính kinh phí sản xuất một chiếc S-57 khoảng từ 40 đến 45 triệu USD, rẻ hơn chiếc F-35 của Mỹ gấp 2 lần rưỡi.
Từ đó, Bộ Quốc phòng Nga sẽ không tính chuyện đặt mua S-57, dù từng tính ký hợp đồng mua 12 chiếc đầu tiên.
Không quân Nga hiện sử dụng 10 chiếc Su-57 để bay thử nghiệm và đánh giá. 2 chiếc Su-57 đầu tiên dự kiến giao cho không quân từ năm 2019.
Lý do khác là vô số khó khăn kỹ thuật cần phải khắc phục. Ví dụ: công nghiệp hàng không quân sự Nga vẫn chật vật với loại động cơ thế hệ 5 cho chiếc Su-57. Loại động cơ mới có tên Saturn izdeliye 30 chỉ có thể sản xuất đại trà sớm nhất là từ năm 2020.
Chiến đấu cơ tàng hình Su-57 - Ảnh : Bộ Quốc phòng Nga
Một khi được đưa vào hoạt động, Su-57 có thể mang vũ khí hạt nhân và vũ khí qui ước, gồm tên lửa không đối không, không đối đất, tên lửa hành trình chiến thuật Kh-35UE hoặc tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos-A có thể gắn đầu đạn hạt nhân.
Nhưng cái giá của việc chở những vũ khí hạng nặng này sẽ làm giảm khả năng tàng hình. Các loại tên lửa BrahMos-A và KH-35UE không thể đặt gọn trong khoang vũ khí, từ đó chúng phải được treo ở hai bên cánh, khiến khả năng tàng hình của Su-57 bị kém đi.
Ông Justin Bronk, một chuyên gia về máy bay chiến đấu ở tổ chức nghiên cứu Royal United Services Institute (Anh) nói với trang Business Insider: Nga đã phải kiểm tra lại dự án Su-57, nhận ra nó không có tiềm năng - kể cả nâng cấp - để xứng đáng với giá thành sản xuất. Ông nói với kinh phí khoảng 40 triệu USD/chiếc, Su-57 chỉ bằng chưa đầy một nửa giá sản xuất một chiếc F-35, nhưng vẫn đắt tiền hơn các kiểu máy bay khác.
Ông Bronk nói: “Nga đã phải thừa nhận thất bại trong việc đóng một kiểu chiến đấu cơ thế hệ 5 đáng sợ”. Vì với giá sản xuất trên, Nga chỉ có thể dàn radar hiện đại và tên lửa lên các máy bay cũ hơn, khi ngay từ đầu chiếc Su-57 đã không hề đạt khả năng tàng hình.
Nga đang tính sản xuất xe tăng, tàu ngầm mới và vũ khí hạt nhân, tất cả đều ngốn ngân sách quốc phòng lớn. Với các dự án khác đang tiến hành, xem ra Su-57 trở thành tổn thất đầu tiên của việc lãng phí tiền của.
Và trong khi F-35 của Mỹ bắt đầu được sản xuất nhiều, Trung Quốc cũng triển khai chiến đấu cơ tàng hình J-20, xem ra Nga đã bị tụt lại phía sau trong hàng ngũ các lực lượng quân sự hàng đầu thế giới.
Trung Trực (theo Diplomat, Business Insider)