Cách đây 2 năm, Tòa án Trọng tài thường trực đã bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Trên trang của Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Chatham danh tiếng (có bề dày lịch sử 98 năm ở Anh), học giả Bill Hayton đã có bài viết phân tích tình hình Biển Đông trong 2 năm qua và kêu gọi trách nhiệm của toàn thế giới trước cách hành xử của Trung Quốc.

Thế giới không được phép làm ngơ khi Trung Quốc dùng 'luật rừng' ở Biển Đông

12/07/2018, 10:55

Cách đây 2 năm, Tòa án Trọng tài thường trực đã bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Trên trang của Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Chatham danh tiếng (có bề dày lịch sử 98 năm ở Anh), học giả Bill Hayton đã có bài viết phân tích tình hình Biển Đông trong 2 năm qua và kêu gọi trách nhiệm của toàn thế giới trước cách hành xử của Trung Quốc.

Hải quân Trung Quốc chăm chỉ tập trận trên Biển Đông sau phán quyết 2 năm trước

Cách đây đúng 2 năm, ngày 12.7.2016, Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) dựa trên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã công bố phán quyết rõ ràng về các tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông. PCA khẳng định tòa án này có quyền tài phán với 7 trong số 15 nội dung Philippines khởi kiện, nhưng nổi bật nhất là bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên đường 9 đoạn mà người Trung Quốc tự vẽ trên Biển Đông và gọi đó là vùng biển lịch sử.

Theo tinh thần của phán quyết, các tuyên bố đơn phương của Trung Quốc hầu như không tương thích với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). UNCLOS quy định rõ ràng: các quyền lợi trên biển phải nằm trong khu vực được đo từ đất liền. Đồng thời tòa án cũng bác bỏ việc Trung Quốc đòi hỏi được hưởng đặc quyền kinh tế trên vùng biển xung quanh các đảo đá ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp - MTG) vì đó là những nơi không tự hỗ trợ con người sinh tồn tự nhiên.

Ngay từ khi có phán quyết 2 năm trước, Trung Quốc đã xem tuyên bố của tòa án như tờ giấy lộn. Trong 2 năm qua, Trung Quốc vẫn dùng sức mạnh để đòi các nước Đông Nam Á ven Biển Đông phải trao quyền khai thác chung cá, dầu, khí. Dưới cái tên mỹ miều "khai thác chung", Trung Quốc vẫn đòi chia phần trên vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác dù theo tinh thần của UNCLOS thì việc đòi phần như vậy hoàn toàn sai luật.

Vào tháng 5. 2017, Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines đã phải công khai tuyên bố rằng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã cảnh báo về nguy cơ chiến tranh nếu Philippines cố gắng khai thác lượng khí đốt lớn trong khu vực biển được gọi Reed Bank. (Vùng biển này cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn ngàn cây số nhưng Trung Quốc vẫn đòi hỏi quyền lợi vì nằm trong đường 9 đoạn mà họ tự vẽ - MTG).

Các mỏ khí hiện tại của Philippines dự kiến ​​sẽ bắt đầu cạn kiệt trong vòng 5 năm tới, trong lúc quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện. Các mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc sẽ khiến chính phủ ở Manila đau đầu với các hậu quả nghiêm trọng. Kết quả khả dĩ nhất là Philippines sẽ phải xây dựng thêm nhiều nhà máy điện đốt than để lấp đầy khoảng trống.

Tháng 3 năm nay, một nước khác trong khu vực phải ngừng dự án khai thác dầu ngoài khơi dù thuộc vùng đặc quyền kinh tế trên biển trước đe dọa quân sự của Trung Quốc. Những lời đe dọa quân sự của Trung Quốc khiến nước này giảm sụt lượng khai thác dầu khí đến 12% từ 2014 đến 2017, không thể mở rộng phát triển khai thác ở khu vực mới trong khi các mỏ cũ dần cạn kiệt. Điều này giảm nguồn thu của chính phủ và ảnh hưởng tới quỹ chi tiêu và phát triển xã hội.

Bất chấp khó khăn, hầu hết các nước ở Đông Nam Á không chịu thua áp lực của Trung Quốc đòi "khai thác chung". Họ đang tiếp tục khẳng định chủ quyền được quốc tế công nhận dựa trên UNCLOS.

UNCLOS là nền tảng cho hòa bình và an ninh quốc tế. Nó đã được đàm phán hơn 9 năm trước khi đạt được thỏa thuận vào năm 1982, bởi hầu hết các thành viên tại LHQ. UNCLOS đưa ra một cơ chế trung lập để phân bổ tài nguyên trên biển của thế giới. Thế nhưng, những gì chúng ta đang thấy ở Biển Đông là việc Trung Quốc đang nỗ lực để lật đổ nó. Thực tế, Trung Quốc đang triển khai sức mạnh quân sự để chà đạp quyền hợp pháp được trao cho các nước khác dựa trên UNCLOS.

Nếu nỗ lực chà đạp đó thành công, UNCLOS sẽ bị suy yếu ở khắp mọi nơi, không chỉ ở Biển Đông. Nếu các quốc gia có thể coi các điều ước quốc tế đơn giản chỉ là mẩu giấy lộn thì không có thỏa thuận nào an toàn: trật tự quốc tế bắt đầu bị phá vỡ.

Do đó, điều bắt buộc là tất cả các bên tham gia ký kết UNCLOS phải bảo vệ công ước này khỏi hành vi "ăn thịt" (cách ví von ám chỉ luật rừng - MTG). Các nước nhỏ cần được bảo vệ khỏi hành vi ăn thịt của các nước lớn. Bằng không là sự sụp đổ một cách từ từ đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Anh Tú (lược dịch)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thế giới không được phép làm ngơ khi Trung Quốc dùng 'luật rừng' ở Biển Đông