Theo các nhà khoa học Nga, nhờ nghiên cứu giấc ngủ thông minh, có thể phát triển các phương pháp điều trị các bệnh thần kinh như Alzheimer, đột quỵ và rối loạn tuần hoàn thiếu máu cục bộ, chấn thương sơ sinh.
Theo Rossiyskaja Gazeta, Bộ khoa học và giáo dục đại học Liên bang Nga đã cấp một khoản tài trợ cho việc thực hiện 2 dự án. Cụ thể là xây dựng một phòng khám ung bướu và phòng thí nghiệm về giấc ngủ ở Saratov, phòng thí nghiệm duy nhất loại này. Tại đây, các nhà khoa học sẽ khám phá các cơ chế cơ bản của giấc ngủ và phát triển các công nghệ mang tính cách mạng cho việc chữa trị các bệnh thần kinh.
Trong quá trình nghiên cứu sẽ có sự cộng tác của các nhà khoa học Đức và Mỹ với các đề tài nghiên cứu sinh lý học "giấc ngủ thông minh", hiện tượng làm sạch mô não khỏi độc tố trong khi ngủ và phát triển các phương pháp phục hồi não trong giấc ngủ.
Hiệu trưởng Đại học quốc gia Saratov Alexej Chumachenko chia sẻ rằng các nhà khoa học cũng lên kế hoạch chế tạo thiết bị đặc biệt - thiết bị thông minh có thể kiểm soát các quá trình của giấc ngủ và thanh lọc não. Trên thực tế, nghiên cứu giấc ngủ sẽ tạo ra các phương pháp phục hồi chức năng cho các bệnh nhân bị đột quỵ, chấn thương và các bệnh thoái hóa thần kinh.
Theo các bác sĩ, các phương pháp trị liệu thần kinh như vậy có thể được dùng để điều trị các bệnh khác nhau, không chỉ đột quỵ, mà còn rối loạn tuần hoàn thiếu máu cục bộ, chấn thương sơ sinh, rối loạn nhận thức, bệnh Alzheimer.
"Thật khó để những bệnh nhân như vậy bắt đầu vận động trở lại, nhưng với sự trợ giúp của việc điều chỉnh giấc ngủ và các phương pháp kích thích đặc biệt bằng công nghệ máy tính, chúng tôi có thể giúp họ phục hồi các kỹ năng đã mất", vị hiệu trưởng kết luận.
Vũ Trung Hương