Hãng ABP News dẫn lời Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) ngày 13.9 thông báo có 6 nhà ngoại giao Anh bị thu hồi hồi giấy phép nên phải rời khỏi nước này.
FSB nói rằng tài liệu mà cơ quan thu thập được chỉ ra 6 nhân viên ngoại giao Anh sang công tác với mục tiêu chính là “gây ra thất bại chiến lược” cho Nga, tham gia hoạt động thu thập thông tin tình báo và hoạt động phá hoại. Truyền thông Nga cũng tiết lộ các trường hợp bị trục xuất thường tương tác với nhiều tổ chức truyền thông độc lập lẫn nhóm nhân quyền mà Nga xác định là “điệp viên nước ngoài”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố ủng hộ hành động của FSB: “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với cáo buộc từ FSB. Đại sứ quán Anh đã vượt quá giới hạn được nêu trong Công ước Vienna”.
Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố cáo buộc nêu trên vô căn cứ, chỉ trích rằng đây là hành động phản ứng lại việc đảo quốc sương mù đang chống lại các hoạt động của Nga tại châu Âu. Diễn biến mới nhất xảy ra đúng lúc Thủ tướng Anh Keir Starmer sang Washington gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận vấn đề dỡ bỏ hạn chế với vũ khí tầm xa viện trợ cho Ukraine. Trên đường sang Washington, ông Starmer nhắc lại lập trường không muốn xung đột với Nga mà chỉ hỗ trợ Ukraine tự vệ.
Các vụ trục xuất ngoại giao trở nên thường xuyên hơn kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra. Hãng RBC cho biết từ đầu năm 2022 đến tháng 10.2023, phương Tây và Nhật Bản đã trục xuất đến 670 nhân viên ngoại giao Nga, phía Nga đáp trả bằng cách trục xuất 346 người – vượt quá tổng số hai thập kỷ trước.
Vào tháng 5, Anh trục xuất một tùy viên quốc phòng Nga với lý do người này là sĩ quan tình báo.