Tính đến 30.6, các ngân hàng thương mại đã triển khai các chương trình ưu đãi để giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 3%/năm.

Ngân hàng 6 tháng đầu năm: Mặt bằng lãi vay đã giảm tới 3%/năm

Tuyết Nhung | 15/07/2023, 13:30

Tính đến 30.6, các ngân hàng thương mại đã triển khai các chương trình ưu đãi để giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 3%/năm.

Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 vào ngày 15.7.

nhnn.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: NHNN

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân suy giảm, nợ xấu tăng cao trong khi yêu cầu thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vẫn được đặt ra.

Nói rõ hơn về kết quả điều hành chính sách tiền tệ nửa đầu năm, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2%/năm. Đến cuối tháng 6, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022.

Các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5 - 3%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.

Cũng theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng và chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.

"Dù lãi suất đã giảm nhưng nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp khi chi phí đầu vào cao, thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp suy giảm... kéo theo mức độ rủi ro của khách hàng gia tăng. Việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu phát sinh, tạo hệ lụy đe dọa an toàn tài chính quốc gia và an toàn hệ thống tổ chức tín dụng trong tương lai", ông Tú cho hay.

Ngoài ra, do các nguồn vốn khác như cổ phiếu, trái phiếu, FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa được giải quyết căn cơ khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tập trung vào tín dụng ngân hàng.

Riêng với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước khẳng định thời gian qua đã có nhiều giải pháp tháo gỡ như chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn vào các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.

Phó thống đốc cho biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương rà soát thủ tục, quy trình cho vay và các loại phí, lệ phí tổ chức tín dụng đang áp dụng để xem xét, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết.

Trong đó, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền, tiếp tục có các giải pháp chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Đến ngày 30.6 vừa qua, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỉ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ.

Bài liên quan
Lãi suất cho vay lại sắp giảm
Các tổ chức tín dụng đang có biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần để nền kinh tế phục hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng 6 tháng đầu năm: Mặt bằng lãi vay đã giảm tới 3%/năm