Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết đã làm việc với các ngân hàng đề nghị tiếp tục giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế.

Phó thống đốc NHNN lên tiếng việc sẽ giảm lãi suất cho vay

Tuyết Nhung | 29/05/2023, 16:56

Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết đã làm việc với các ngân hàng đề nghị tiếp tục giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế.

db863ed8-502e-4648-92d7-1132c40849b2.png

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà ngày 29.5 có cuộc trao đổi với báo chí về việc điều hành chính sách lãi suất mới đây - vấn đề đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

- Trong khi ngân hàng trung ương (NHTƯ) các nước trên thế giới, nhất là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa thông báo về lộ trình chấm dứt tăng lãi suất, nhưng từ đầu năm đến nay NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Phó thống đốc có thể lý giải vì sao NHNN lại có bước điều chỉnh chính sách này?

- Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà: Trong các tháng đầu năm 2023, nhiều NHTƯ trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất và neo ở mức cao, diễn biến lạm phát vẫn khó lường. Trong nước, lạm phát mặc dù tăng nhưng có xu hướng chậm lại, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn; thanh khoản của các tổ chức tín dụng dư thừa, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế; tỷ giá diễn biến ổn định, NHNN mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đã nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất huy động.

Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 3 lần các mức lãi suất với mức giảm từ 0,5 - 1,5%/năm trong tháng 3, tháng 4 và 5.2023. Cụ thể: Giảm 1,0%/năm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, giảm 1,5%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; giảm 0,5 - 1,0%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VNĐ kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,0%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, NHNN cũng là một trong những NHTƯ đầu tiên trên thế giới điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong các tháng đầu năm 2023 nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, NHNN đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và của Chính phủ tại Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11, như khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. NHNN đã làm việc với các ngân hàng thương mại (NHTM) đề nghị tiếp tục giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh trong tháng 2 và tháng 5. Theo đó, các tổ chức tín dụng đã và đang có các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở điều hành và chỉ đạo của NHNN, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các NHTM ở mức khoảng 6,1%/năm (giảm 0,37%/năm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VNĐ phát sinh mới của các NHTM ở mức khoảng 9,07%/năm (giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022).

Thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. NHNN sẽ tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Trong bối cảnh kinh tế đang đối mặt nguy cơ suy giảm, hấp thụ vốn yếu… theo giới chuyên môn, việc đảm bảo đa mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng GDP 6,5% nhưng phải kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, đảm bảo an toàn hệ thống... tạo ra thách thức rất lớn của cơ quan điều hành nhất là trong điều kiện dư địa chính sách tiền tệ khá hạn hẹp. Có đề xuất, cơ quan quản lý cần chuyển trạng thái từ chặt chẽ, thận trọng sang nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng để đảm bảo đạt chính sách đa mục tiêu. Quan điểm của NHNN về vấn đề này ra sao, thưa ông?

- Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà: Như chia sẻ ở trên, trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn, thách thức, công tác điều hành chính sách tiền tệ. Đặc biệt là các công cụ điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng đứng trước nhiều thách thức, xử lý sao cho hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau như vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao và dai dẳng bất chấp việc các nước đã thực hiện cuộc chiến chống lạm phát rất quyết liệt; vừa đảm bảo giá trị của đồng Việt Nam trong bối cảnh nhiều đồng tiền trên thế giới biến động phức tạp mà vẫn phải giảm mặt bằng lãi suất; vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, tiếp tục các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn...

Khó khăn của nền kinh tế là khó khăn tổng thể, trong đó có thể phân ra khó khăn của doanh nghiệp và khó khăn của các ngân hàng. Nếu các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp ở mức chấp nhận được thì nền kinh tế sẽ tốt lên. Nếu ngân hàng hoãn, giãn nợ, ngân hàng nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ chuyển về phía ngân hàng, gây nguy cơ rủi ro mất an toàn hệ thống. Bài toán khó đặt ra ở đây là NHNN phải tìm được điểm hài hòa vẫn hỗ trợ cho nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, trong điều hành chính sách tiền tệ không cho phép “thử sai”. Vì vậy, trong điều hành chính sách tiền tệ cần hướng đến cân bằng các mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, hướng đến mục tiêu chung dài hạn ổn định hệ thống ngân hàng.

- Xin Phó thống đốc cho biết định hướng điều hành chính sách từ nay đến cuối năm ra sao để chính sách tiền tệ vẫn vững vàng trước những “cơn gió ngược” có thể tiếp tục xảy ra trong năm 2023, tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô?

- Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà: Những tháng còn lại của năm 2023 được dự báo tiếp tục còn nhiều thách thức với điều hành chính sách tiền tệ tới từ diễn biến phức tạp của cả kinh tế thế giới lẫn trong nước. Kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc, lạm phát dù đã có dấu hiệu qua đỉnh nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều nước, nhiều NHTƯ vẫn duy trì chính sách lãi suất cao, giá hàng hóa thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến động mạnh. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế trong nước cũng đứng trước những rủi ro ngày càng tăng khi cầu thế giới suy giảm tác động tiêu cực lên các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, áp lực lạm phát vẫn còn, các hoạt động đầu tư, tiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn. 

Theo đó, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ trong và ngoài nước, điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Cụ thể, thứ nhất, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng. Tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; điều hành công cụ dự trữ bắt buộc phù hợp với diễn biến kinh tế, tiền tệ, các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ khác để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.

Thứ nhì, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ 3, điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, can thiệp thị trường khi cần thiết, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ 4, tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng 14 - 15% cả năm 2023; chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

- Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan
Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục nâng lãi suất điều hành trong 6 tháng tới
Báo cáo của VNDIRECT dự báo NHNN có thể nâng tiếp lãi suất điều hành trong 6 tháng tới, đồng thời lãi suất huy động cũng sẽ tiếp tục tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chung cư Hà Nội 'ngáo giá' và cảnh báo nguy cơ vỡ 'bong bóng'
Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong nhiều năm gần đây.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó thống đốc NHNN lên tiếng việc sẽ giảm lãi suất cho vay