Bộ Tài chính cho rằng, việc nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm là vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Bộ Tài chính xử lý thế nào?
Gần đây có một số ngân hàng "ép" khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, tăng lãi suất, "ép" khách hàng tất toán khoản vay nếu hủy hợp đồng bảo hiểm, cung cấp thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm, chuyển từ tiền tiết kiệm tại ngân hàng của khách hàng sang mua bảo hiểm nhân thọ.
Cụ thể, nhiều người dân phản ánh việc vay ngân hàng bắt buộc phải mua kèm bảo hiểm. Đặc biệt giai đoạn gần cuối năm 2022, với lý do ngân hàng "cạn room tín dụng", nhiều khách vay cho biết bị ngân hàng ép vào đường cùng khi điều kiện cần để giải ngân là mua gói bảo hiểm tương đương 3-4% giá trị khoản vay. Thậm chí, một số khách hàng đáo hạn khoản vay cũng bị yêu cầu mua kèm bảo hiểm mới được giải ngân.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính vừa lên tiếng cho biết trong thời gian qua, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) đã phát triển nhanh chóng và có những đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam (khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ).
Tuy vậy, việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay. Theo Bộ Tài chính, hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện một số cơ chế, chính sách. Cụ thể, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH 15 đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường chất lượng của kênh phân phối này bao gồm: Bổ sung điều kiện đối với các đại lý tổ chức, theo đó, ngoài các điều kiện như trước đây, đại lý tổ chức phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự và các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ; Giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về trách nhiệm của tổ chức đại lý trong việc tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.
Các văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm (hiện đang trình Chính Phủ để xem xét, thông qua), Bộ Tài chính cũng đã bổ sung các quy định nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ hơn đối với kênh phân phối này bao gồm: Bổ sung nhóm quy định liên quan đến các điều kiện đối với đại lý bảo hiểm là ngân hàng; Bổ sung nhóm các quy định về nguyên tắc khai thác bảo hiểm qua ngân hàng đối với doanh nghiệp bảo hiểm; Bổ sung nhóm quy định về trách nhiệm của tổ chức đại lý là ngân hàng trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm; Bổ sung các yêu cầu đối với các tài liệu minh họa bán hàng và tài liệu giới thiệu sản phẩm, cần thể hiện rõ các quyền lợi bảo hiểm mà sản phẩm mang lại, tránh cách diễn đạt không rõ ràng, gây kỳ vọng sai hoặc hiểu lầm về những quyền lợi của sản phẩm bảo hiểm.
Đối với các tài liệu minh họa bán hàng của các sản phẩm bảo hiểm phân phối qua tổ chức hoạt động đại lý, tài liệu minh họa bán hàng phải có thêm những thông tin tối thiểu sau đây: Tên, địa chỉ của tổ chức; Nội dung được ủy quyền theo hợp đồng đại lý; tên, số chứng chỉ đào tạo đại lý của nhân viên trong tổ chức thực hiện hoạt động đại lý, đồng thời phải thể hiện rõ đây là sản phẩm bảo hiểm, không phải là sản phẩm của các tổ chức hoạt động đại lý.
Đã thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm
Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022 đã thực hiện thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm và đang trong quá trình hoàn thiện kết luận thanh tra. Nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong năm 2023, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp với Ngân hàng nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.
Việc thanh tra, kiểm tra dự kiến sẽ được thực hiện tại cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm. Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cơ quan này cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt tuân thủ quy định không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm phải thể hiện rõ việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để thực hiện các hoạt động, dịch vụ tài chính của tổ chức tín dụng...
Các doanh nghiệp bảo hiểm cần tăng cường các biện pháp giám sát chất lượng tư vấn bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng như: thiết lập đường dây nóng, hòm thư điện tử và công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm; Thực hiện giám sát độc lập hoạt động cung cấp thông tin và tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung ủy quyền tại hợp đồng đại lý của tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
"Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm quản lý chặt chẽ các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc hợp tác bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng. Đồng thời đảm bảo các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan, tránh hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm và sẽ phối hợp xử lý nghiêm các vi phạm của cả ngân hàng thương mại cũng như doanh nghiệp bảo hiểm nếu có. Đồng thời Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ, chủ động cung cấp thông tin theo thẩm quyền và chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Bộ sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm liên kết trái với quy định pháp luật.
Đồng thời tổ chức đường dây nóng 24/7 (số điện thoại, email) để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp và kịp thời kiểm tra xác minh thông tin để có biện pháp thanh tra, phối hợp với cơ quan công an và Cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước lên tiếng?
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, đồng thời đảm bảo việc tổ chức tín dụng tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo các tổ chức tín dụng về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm.
Trong đó yêu cầu tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật tại Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản có liên quan; Cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm... đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích đầy đủ, rõ ràng về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm; không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi "ép" khách hàng mua bảo hiểm.
Đồng thời rà soát, nghiên cứu xây dựng, cập nhật các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc để không gây áp lực đối với nhân viên/đơn vị kinh doanh trong việc giới thiệu bán các sản phẩm bảo hiểm, không để xảy ra trường hợp nhân viên, đơn vị kinh doanh "ép" khách hàng mua bảo hiểm; Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động đại lý bao hiểm.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ, đơn vị kinh doanh "ép" khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.
Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên, đơn vị kinh doanh "ép" khách hàng mua bảo hiểm và tổ chức tín dụng chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này.
Đồng thời, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) sẽ tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD. Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng đã trao đổi, làm việc, thống nhất thiết lập đường dây nóng của cả hai cơ quan để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng (trong giờ hành chính).
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết đã nhiều lần chỉ đạo tăng cường thanh tra hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty môi giới nhằm hạn chế tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm và đảm bảo tối đa quyền lợi của người mua. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng nhân viên một số ngân hàng tiếp tục giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn.
Do đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp tục yêu cầu "thanh tra các hãng bảo hiểm, gồm cả đại lý và môi giới, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm mới được vay vốn hoặc giới thiệu người gửi tiền đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái quy định".
Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cần công bố đường dây nóng (số điện thoại, email) để tiếp nhận phản ánh của người dân và doanh nghiệp về các biến tướng của thị trường. Đơn vị này phải phân công cán bộ trực 24/7 và kịp thời kiểm tra xác minh thông tin để phối hợp với cơ quan công an và thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định.
Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cũng được yêu cầu phối hợp cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước xử lý nghiêm ngân hàng để xảy ra tình trạng nhân viên ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.
Bên cạnh đó, đơn vị này cần rà soát và báo cáo đánh giá rủi ro tình hình thị trường bảo hiểm Việt Nam, thực trạng số lượng, hoạt động của các doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm, tái bảo hiểm so với quy mô thị trường và việc tuân thủ các quy định về huy động, đầu tư vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm tại một số lĩnh vực có hệ số rủi ro cao.