Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định ngành ngân hàng sẽ thực hiện thông thoáng hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn không hạ tiêu chuẩn cho vay, không để nợ xấu tái diễn và an toàn cho toàn hệ thống.

Ngân hàng quyết không giấu nợ, hạ tiêu chuẩn cho vay

30/05/2020, 06:52

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định ngành ngân hàng sẽ thực hiện thông thoáng hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn không hạ tiêu chuẩn cho vay, không để nợ xấu tái diễn và an toàn cho toàn hệ thống.

Ngân hàng sẽ không hạ tiêu chuẩn cho vay - Ảnh: Internet

Thông tin này được ông Đào Minh Tú cho biết tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại TP.HCM diễn ra ngày 29.5 nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức.

Tại hội nghị, ông Tú nhận định những chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong khắc phục khó khăn của doanh nghiệp bị tác động dịch COVID-19 được thực hiện rất sớm. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định để hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp về thời hạn giãn, hoãn các khoản nợ, khoản lãi đến hạn hay việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay mới…

Tuy nhiên, quá trình cho vay vẫn phải tuân thủ quy định. Ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn để cho vay và kiểm soát để tránh trục lợi bởi đã là chính sách thì phải có điều kiện áp dụng. "Quan điểm là ngành ngân hàng sẽ thực hiện thông thoáng hơn nữa nhưng vẫn bảo đảm hành lang pháp lý, không để nợ xấu tái diễn và an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Chúng ta không phải chỉ quan tâm đến những doanh nghiệp khó khăn, yếu kém mà cả doanh nghiệp khỏe có khả năng bứt phá để phát triển cũng cần sớm được hỗ trợ”, ông Tú nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại bởi dịch COVID-19 gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trong đó, khó khăn chủ yếu là việc đảm bảo đủ hồ sơ pháp lý để hỗ trợ cho doanh nghiệp như chứng minh thiệt hại, xác định đúng đối tượng, điều kiện để hỗ trợ, đặc biệt là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mặt khác, cơ sở để đối chiếu, thẩm định không được rõ ràng do các tài liệu chứng minh thông thường được cung cấp từ một phía, rất khó để có các tài liệu xác nhận của cơ quan Nhà nước, kiểm toán, khách hàng đối tác. Điều này ảnh hưởng đến quá trình xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua. Trong khi đó, nhu cầu về tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp là cấp bách, nhất là các lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19 như du lịch, nhà hàng, dịch vụ và hộ kinh doanh.

Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng chính sách hỗ trợ từ ngân hàng đã rất rõ ràng nhưng việc triển khai vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, các ngân hàng phải minh bạch và đơn giản thủ tục vì nếu thủ tục rườm rà thì doanh nghiệp sẽ “chết” trước khi được cứu.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM nói rằng doanh nghiệp mong muốn ngân hàng và các tổ chức tín dụng mở rộng diện hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm tiếp cận vay mới. Đồng thời, ngân hàng cần giảm lãi suất vay và đơn giản hóa thủ tục để có thể đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế của thành phố.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy sau hơn 2 tháng triển khai quyết liệt, tính đến 25.5, tất cả các tổ chức tín dụng, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ. Các tổ chức này đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỉ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320.000 khách hàng với dư nợ gần 1,14 triệu tỉ đồng.

Các tổ chức tín dụng cũng cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23.1 đến nay đạt trên 767.000 tỉ đồng cho hơn 196.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch. Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 150.000 khách hàng với dư nợ trên 3.800 tỉ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỉ đồng, cho vay mới đối với hơn 680.000 khách hàng với dư nợ hơn 25.000 tỉ đồng.

Riêng trên địa bàn TP.HCM, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 158.726 khách hàng với dư nợ 48.325 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 17.448 khách hàng với dư nợ 45.096 tỉ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23.1 đến nay đạt 166.082 tỉ đồng cho 43.487 khách hàng.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng quyết không giấu nợ, hạ tiêu chuẩn cho vay