Trước việc giá thịt heo trong nước liên tục tăng và duy trì ở mức quá cao trong thời gian dài, lượng thịt heo nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Brazil, Nga… gia tăng đáng kể và giá ngày càng rẻ.

Thịt heo ngoại ngày càng rẻ, người tiêu dùng thêm nhiều lựa chọn

29/05/2020, 06:14

Trước việc giá thịt heo trong nước liên tục tăng và duy trì ở mức quá cao trong thời gian dài, lượng thịt heo nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Brazil, Nga… gia tăng đáng kể và giá ngày càng rẻ.

Thịt heo nhập khẩu sẽ ngày càng rẻ do giảm thuế - Ảnh: Internet

Nhiều ngày nay, giá thịt heo tại các chợ dân sinh liên tục tăng và vẫn ở mức cao chưa từng thấy. Cụ thể, thịt heo ba rọi rút sườn đang có giá 215.0000 đồng/kg, nạc dăm 160.000 đồng/kg, thịt vai 130.000 đồng/kg, thịt đùi 150.000 đồng/kg, sườn non 240.000 - 260.000 đồng/kg, giò heo 140.0000 đồng/kg, cốt lết 150.000 đồng/kg, ba rọi 180.000 - 190.000 đồng/kg, nạc vai 170.000 đồng/kg…

Trong bối cảnh nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu, thịt heo nhập khẩu với giá "mềm" hơn một nửa là lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Điều này đã khiến lượng thịt heo nhập khẩu liên tục gia tăng.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho thấy nhập khẩu thịt heo trong 4 tháng đầu năm tăng gấp 4 lần so cùng kỳ năm ngoái. Hết tháng 4, cả nước nhập khẩu gần 55.000 tấn thịt heo, chủ yếu từ Canada, Brazil, Đức, Ba Lan, Mỹ và Liên bang Nga.

Chỉ tính riêng khối lượng thịt heo nhập khẩu từ Liên bang Nga, chỉ sau hơn 3 tháng nhưng Việt Nam đã nhập khoảng 2.400 tấn, trong đó chủ yếu từ Tập đoàn Miratorg với 2.010 tấn. Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết thị trường Nga sẽ cung cấp khoảng 4.000 - 5.000 tấn thịt heo mỗi tháng cho Việt Nam qua tập đoàn Miratorg. Theo kế hoạch, năm nay nhập khẩu thịt heo từ Nga có thể đạt 50.000 tấn.

Hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam, trong đó có 19 quốc gia với 788 doanh nghiệp được xuất khẩu thịt heo và sản phẩm thịt heo vào Việt Nam.

Đáng chú ý, giá thịt heo nhập khẩu từ các quốc gia này về tới cảng Việt Nam trung bình chỉ khoảng 2,55 USD/kg, tương đương 60.000 đồng/kg, tùy loại sản phẩm. Như vậy, so với giá bán trong nước thì mức giá này đang hết sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng Giám đốc Công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết dù thịt heo nhập khẩu về nhiều nhưng công ty chỉ dùng cho chế biến. Nếu khách sỉ có nhu cầu, Vissan vẫn bán thịt heo đông lạnh. Đến nay, phần lớn người tiêu dùng vẫn thích hàng tươi sống hơn. Đây là vấn đề tâm lý, thói quen tiêu dùng chứ không phải vấn đề chất lượng.

Ông Phú nói rằng để gia tăng thêm nguồn cung thịt heo, ngoài kiến nghị các chính sách hỗ trợ tái đàn heo trong nước, các Bộ ngành cũng cần hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm những nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu. Đặc biệt là cần có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt heo; trong đó có chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo từ Mỹ.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính cũng vừa trình Chính phủ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu mặt hàng thịt heo đông lạnh thuộc phân nhóm 0203.2x (gồm các mã HS 0203.21.00; 0203.22.00; 0203.29.00) từ mức 15% xuống 10% và áp dụng đến hết năm 2020, từ 1.1.2021 quay trở lại mức thuế suất 15%.

Theo Bộ Tài chính, việc giảm mức thuế này nhằm góp phần bình ổn giá thịt heo, đảm bảo đời sống nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt heo luôn ở mức cao, nguyên nhân do nguồn cung thấp hơn cầu do dịch tả heo châu Phi gây ra, ngoài ra còn có các yếu tố khác như tâm lý găm hàng, tích trữ đẩy giá lên cao, cơ cấu giá thịt bất hợp lý…

Lý giải thời hạn đề xuất giảm chỉ kéo dài đến hết năm 2020, Bộ Tài chính cho biết theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, hiện trong nước đã thực hiện tái đàn heo, tốc độ tăng đàn bình quân 3 tháng đầu năm 2020 là 6,2%, dự kiến cuối quý 2, đầu quý 3 có khả năng cân bằng được cung cầu thịt heo. Do vậy, mức thuế suất cần điều chỉnh lại từ 1.1.2021 về mức hiện hành 15% là hợp lý để hỗ trợ sản xuất chăn nuôi trong nước ổn định phát triển.

Với mức thuế suất mới, dự kiến giá nhập khẩu giảm nên có thể gia tăng lượng thịt heo nhập khẩu từ Mỹ cũng như các thị trường khác vào Việt Nam. Việc này có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước nhưng người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thịt heo ngoại ngày càng rẻ, người tiêu dùng thêm nhiều lựa chọn