Người Trung Quốc thích mua thương hiệu ĐTDĐ nào nhất?

Người Trung Quốc thích ĐTDĐ Huawei, Vivo hay iPhone của Apple hơn?

Sơn Vân | 11/03/2023, 20:49

Người Trung Quốc thích mua thương hiệu ĐTDĐ nào nhất?

Trung Quốc là thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) lớn nhất thế giới, tiếp theo là Ấn Độ và Mỹ. Thật thú vị khi ba thị trường này có xu hướng và nhu cầu rất khác nhau.

Thị trường ĐTDĐ Trung Quốc rất phức tạp khi smartphone hàng đầu, tầm trung hay giá rẻ đều bán rất chạy. Điều này không giống như Mỹ, nơi người dân dường như ưu tiên smartphone cao cấp. Còn tại Ấn Độ, người tiêu dùng thường mua smartphone tầm trung và cấp thấp.

Trước lệnh cấm của Mỹ vào đầu năm 2019, Huawei là thương hiệu ĐTDĐ lớn nhất thế giới. Sau lệnh cấm, Huawei vẫn vượt Apple nhưng không giữ vị trí được lâu. Hiện tại, bên ngoài Trung Quốc, smartphone Huawei chiếm thị phần rất ít. Một câu hỏi phổ biến được đặt ra là người Trung Quốc thích mua thương hiệu ĐTDĐ nào nhất?

Trang GoldenTen gần đây đã công bố một số thống kê về doanh số bán hàng từ năm 2018 đến 2022. Báo cáo tiết lộ rằng Apple không  chi phối thị trường Trung Quốc như làm được tại Mỹ. Lệnh cấm với Huawei đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh ĐTDĐ của hãng này tại Trung Quốc.

Từ năm 2018 đến 2022, Huawei (gồm cả Honor) thống trị thị trường ĐTDĐ Trung Quốc với doanh số là 372,62 triệu chiếc. Huawei bán thương hiệu smartphone giá rẻ Honor vào tháng 11.2020.

Về thị phần, Huawei là vua tuyệt đối vào năm 2019 với 38%, trong khi Apple lúc đó chỉ có 9%. Sau lệnh cấm, thị phần của Huawei giảm mạnh trong năm 2020, nhưng phục hồi phần nào vào 2022.

nguoi-trung-quoc-thich-dtdd-huawei-hay-iphone-cua-apple-hon.jpg
Trước đây, ĐTDĐ Huawei là vua ở Trung Quốc nhưng iPhone đang dần chiếm ưu thế trong 2 năm qua

Thương hiệu ĐTDĐ nào đang hoạt động tốt tại Trung Quốc?

Nếu Huawei không hoạt động tốt ở Trung Quốc và Apple cũng vậy thì đó là hãng nào? Vivo, Oppo và Xiaomi là những "cậu bé vàng" mới trên thị trường ĐTDĐ Trung Quốc.

Từ năm 2020 đến 2022, Vivo đã đứng đầu thị trường ĐTDĐ Trung Quốc về doanh số. Oppo và Xiaomi theo sát với tổng doanh số lần lượt là 313,51 triệu chiếc và 217,75 triệu chiếc trong 5 năm từ 2018 đến 2022.

Với Apple, tổng doanh số iPhone từ năm 2018 đến 2022 là 203,7 triệu chiếc. Trong đó lượng iPhone xuất xưởng sẽ đạt đỉnh vào năm 2021 với 50,38 triệu chiếc.

Vì vậy sẽ rất thú vị để xem điều gì sẽ xảy ra vào năm 2023. Liệu Huawei có thể tiếp tục tăng thị phần của mình không? Vivo có thể giữ vị trí số một? Oppo, Xiaomi và Apple sẽ phản ứng như thế nào? Đây là những câu hỏi sẽ có đáp án vào cuối năm.

Tổng quan thị trường ĐTDĐ trung quốc

Trung Quốc là thị trường ĐTDĐ lớn nhất thế giới với hơn 1 tỉ người dùng, bị chi phối bởi các thương hiệu địa phương như Huawei, Xiaomi, Oppo, Vivo và Lenovo. Những thương hiệu này chiếm tổng cộng hơn 80% thị phần. Tuy nhiên, các thương hiệu quốc tế như Apple và Samsung cũng có sự hiện diện đáng kể trên thị trường này.

Những năm gần đây, các thương hiệu ĐTDĐ Trung Quốc đã nổi tiếng nhờ cung cấp nhiều sản phẩm chất lượng cao với giá cả tương đối phải chăng. Điều này đã dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các thương hiệu để giới thiệu các tính năng và cải tiến mới.

Thị trường ĐTDĐ Trung Quốc cũng được biết đến nhờ sự tập trung mạnh mẽ vào thương mại điện tử, với các nền tảng trực tuyến như Tmall của Alibaba và JD.com chiếm một phần đáng kể doanh số bán hàng. Ngoài ra, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm đến smartphone có các tính năng cao cấp như kết nối 5G, camera độ phân giải cao và thời lượng pin dài hơn.

Thị trường ĐTDĐ Trung Quốc có tính cạnh tranh cao và phát triển nhanh chóng, với các thương hiệu địa phương tiếp tục thống trị, trong khi các thương hiệu quốc tế nỗ lực tạo dựng chỗ đứng.

Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai mạng 5G và nhu cầu về smartphone hỗ trợ 5G ngày càng tăng. Trên thực tế, người ta ước tính rằng hơn một nửa số ĐTDĐ được bán ở Trung Quốc vào năm 2021 hỗ trợ 5G. Dù một số thương hiệu địa phương lâu đời thống trị thị trường ĐTDĐ Trung Quốc, một số cái tên mới nổi như Realme, Poco và Honor đang trở nên phổ biến với người tiêu dùng Trung Quốc.

Doanh số smartphone 2022 ở Trung Quốc thấp nhất trong 10 năm

Công ty nghiên cứu thị trường IDC (Singapore) cho biết doanh số smartphone của Trung Quốc vào 2022 đã giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm lớn nhất của lĩnh vực này trong một thập kỷ do người tiêu dùng chi tiêu thận trọng.

Tổng doanh số smartphone của Trung Quốc vào năm 2022 là 286 triệu chiếc, giảm từ 329 triệu trong 2021, thấp nhất kể từ 2013. Điều đó đồng nghĩa doanh số smartphone hàng năm ở Trung Quốc lần đầu tiên giảm xuống dưới 300 triệu chiếc kể từ 2013, IDC cho biết trong một báo cáo.

Vivo là thương hiệu bán chạy nhất Trung Quốc trong năm 2022, với thị phần 18,6%. Tuy nhiên, tổng số doanh số của Vivo đã giảm 25,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Honor được xếp hạng là thương hiệu điện thoại bán chạy thứ hai ở Trung Quốc với doanh số tăng hơn 34%, dù có xuất phát điểm thấp.

Apple là thương hiệu điện thoại bán chạy thứ ba ở Trung Quốc vào năm 2022 cùng với Oppo.

Doanh số smartphone tổng thể của Apple đã giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng nhìn chung vượt trội trong thời kỳ suy thoái của thị trường.

Là thương hiệu điện thoại bán chạy nhất Trung Quốc trong khoảng thời gian ba tháng quý 4/2022, doanh số hàng năm của iPhone vẫn giảm do các vấn đề về chuỗi cung ứng gây ra bởi tình trạng bất ổn của công nhân tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới do Foxconn điều hành ở thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam), theo các nhà nghiên cứu.

Các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt ở Trung Quốc, vốn bùng phát mạnh vào mùa xuân năm 2022 trên một số thành phố, đã đè nặng lên nền kinh tế nước này, vốn đã tụt dốc xuống một trong những mức tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ vào năm ngoái.

Sự sụt giảm doanh số smarphone ở Trung Quốc năm 2022 phản ánh hiệu suất của ngành trên toàn cầu. Theo IDC, vào năm 2022, doanh số smartphone toàn cầu là 1,2 tỉ, mức thấp nhất kể từ 2013 và giảm hơn 11% so với cùng kỳ 2021.

iPhone thống trị ở Trung Quốc trong quý 4/2022

Hãng nghiên cứu Counterpoint Research cho biết Apple chiếm gần 24% doanh số smartphone của Trung Quốc trong quý 4/2022 và là nhà cung cấp smarphone hàng đầu ở nước này.

Theo Counterpoint Research, Apple lần đầu tiên trở thành nhà cung cấp smarphone lớn thứ hai ở Trung Quốc trong năm. Công ty có trụ sở ở thành phố Cupertino, bang California, Mỹ bị sụt giảm doanh số smartphone so với năm 2021, nhưng nhỏ hơn so với các đối thủ Trung Quốc như Vivo, Oppo và Xiaomi.

Thị trường smartphone toàn cầu đã bị tổn thương do suy thoái kinh tế bởi lạm phát và lãi suất gia tăng. Chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, với thị trường Trung Quốc ghi nhận mức giảm hai con số tại một số thời điểm trong năm 2022.

Số liệu từ công ty nghiên cứu và tư vấn IDC vừa công bố cho thấy tất cả thương hiệu smartphone lớn đều đang lùi một bước lớn, với các nhà bán lẻ cung cấp máy thông qua việc tích trữ hàng tồn kho thay vì nhận các lô hàng mới.

Apple nhận thấy nhu cầu với dòng iPhone 14 thấp hơn so với dự kiến vào đầu năm 2023. Các mẫu iPhone 14 Pro vẫn có nhu cầu cao, nhưng việc giao hàng gặp khó khăn do phong tỏa và các cuộc biểu tình đòi quyền lợi của công nhân tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu.

Apple vượt qua sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc để giành lại vị trí số 1 trong bảng xếp hạng nhà cung cấp smartphone toàn cầu trong quý 4/2022, khi doanh số chung của ngành năm 2022 giảm 11% do nhu cầu từ người tiêu dùng yếu.

Theo báo cáo doanh số smartphone được công ty nghiên cứu Canalys, Apple đã đạt thị phần hàng quý cao nhất từ trước đến nay ở mức 25%. Tuy nhiên, tổng doanh số smartphone toàn cầu đã giảm 17% trong quý 4/2022 so với cùng kỳ năm 2021.

Apple, công ty có giá trị nhất thế giới đã đạt được kỳ tích đó trong bối cảnh nhu cầu smartphone trên toàn thế giới đang giảm và các vấn đề sản xuất xảy ra ở nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.

Theo Canalys, Samsung Electronics đứng thứ hai quý 4 sau Apple với 20% thị phần, nhưng dẫn đầu ngành về tổng doanh số smartphone vào năm 2022 với 22% thị phần. Các gã khổng lồ smartphone Trung Quốc là Xiaomi, Oppo và Vivo lần lượt lọt vào top 5 bảng xếp hạng nhà cung cấp hàng đầu trong quý 4/2022 với thị phần lần lượt là 11%, 10% và 8%.

Tuy nhiên, dữ liệu lô hàng smartphone toàn cầu của Canalys phản ánh một năm 2022 “cực kỳ khó khăn” với tất cả nhà cung cấp. Cụ thể là tổng doanh số smartphone giảm 11% xuống dưới 1,2 tỉ chiếc vào năm 2022, so với cùng kỳ 2021.

Runar Bjørhovde, nhà phân tích nghiên cứu của Canalys, cho biết: “Các nhà cung cấp smartphone đã phải vật lộn trong môi trường kinh tế vĩ mô khó khăn trong suốt năm 2022”. Ông mô tả quý vừa qua là “hiệu suất hàng năm và quý 4 tồi tệ nhất trong một thập kỷ” của ngành công nghiệp smartphone.

Theo Runar Bjørhovde, các kênh phân phối “rất thận trọng trong việc tiếp nhận hàng tồn kho mới”, điều này góp phần khiến lượng smartphone xuất xưởng trong quý 4/2022 thấp. Ông cho biết mùa bán hàng cuối năm đã giúp giảm lượng smartphone tồn kho nhờ vào các ưu đãi khuyến mại mạnh mẽ từ các nhà cung cấp và các kênh.

Tại Trung Quốc, thị trường smartphone lớn nhất thế giới, các nhà cung cấp lớn như Apple và Xiaomi đã tiến hành cuộc chiến giá cả để giúp thúc đẩy nhu cầu trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân (11.11) hàng năm.

Canalys dự báo thị trường smartphone toàn cầu sẽ tăng trưởng không đổi trong năm 2023, với các điều kiện dự kiến sẽ tiếp tục khó khăn.

Nhà phân tích nghiên cứu Le Xuan Chiew của Canalys nhận định: “Các nhà cung cấp sẽ tiếp cận năm 2023 một cách thận trọng, ưu tiên lợi nhuận và bảo vệ thị phần. Các nhà cung cấp đang cắt giảm chi phí để thích ứng với thực tế thị trường mới”.

Được Canalys xếp thứ tư về doanh số smartphone toàn cầu năm 2022, Xiaomi hồi tháng 12 chứng kiến sự ra đi của ba lãnh đạo cấp cao, gồm cả Chủ tịch Wang Xiang, khi công ty tiến hành một đợt sa thải mới. Theo truyền thông Trung Quốc, thương hiệu điện thoại chơi game Black Shark của Xiaomi cũng sa thải hầu hết nhân viên và không thực hiện các khoản thanh toán thôi việc.

Vào tháng 11.2022, Apple đã tạm dừng tuyển dụng nhiều công việc bên ngoài R&D (nghiên cứu và phát triển), một bước leo thang trong kế hoạch giảm ngân sách hiện có cho năm 2023, theo Bloomberg trích dẫn những người có kiến ​​thức về vấn đề này.

“Dù áp lực lạm phát sẽ dần giảm bớt, tác động của việc tăng lãi suất, suy thoái kinh tế và thị trường lao động ngày càng gặp khó khăn sẽ hạn chế tiềm năng của thị trường smartphone. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến các thị trường smartphone đã bão hòa, từ trung cấp đến cao cấp, chẳng hạn như Tây Âu và Bắc Mỹ”, Le Xuan Chiew nói.

Le Xuan Chiew cho biết việc mở cửa trở lại của Trung Quốc dự kiến sẽ cải thiện niềm tin từ người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước, nhưng chỉ ra rằng các chính sách kích thích kinh tế của chính phủ “chỉ có thể có tác dụng sau 6 đến 9 tháng”. Điều đó đồng nghĩa nhu cầu smartphone tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới “sẽ vẫn còn nhiều thách thức trong ngắn hạn”.

Bài liên quan
Huawei phô trương thanh thế ở MWC trước nguy cơ bị Mỹ trừng phạt nặng hơn
Huawei cố gắng phô trương thanh thế tại hội nghị thường niên lớn nhất ngành công nghiệp di động vào tuần này để chứng minh với thế giới rằng họ đang phát triển mạnh, bất chấp các lệnh trừng phạt từ Mỹ và lo ngại về an ninh gia tăng trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
10 giờ trước Sự kiện
Sáng 19.11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Trung Quốc thích ĐTDĐ Huawei, Vivo hay iPhone của Apple hơn?