Theo các nhà phân tích, vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn quốc tế có thể bị lung lay khi đối tác thương mại Hàn Quốc liên kết chặt chẽ lợi ích của họ với Mỹ và Nhật Bản.

Vị thế của Trung Quốc ở chuỗi cung ứng chip suy yếu khi Hàn Quốc liên kết chặt với Nhật - Mỹ

Sơn Vân | 12/03/2023, 12:31

Theo các nhà phân tích, vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn quốc tế có thể bị lung lay khi đối tác thương mại Hàn Quốc liên kết chặt chẽ lợi ích của họ với Mỹ và Nhật Bản.

Nguy cơ đó rất lớn với Trung Quốc khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thăm Nhật Bản trong hai ngày kể từ hôm 16.3, sau thông báo của Hàn Quốc về kế hoạch giải quyết tranh chấp lâu dài với Nhật Bản về vấn đề cưỡng bức lao động thời chiến. Đây là chuyến thăm đầu tiên sau 12 năm của một nguyên thủ quốc gia Hàn Quốc tới Nhật Bản.

Tổng thống Yoon Suk-yeol dự kiến sẽ thuyết phục Nhật Bản bỏ kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu sản xuất chip sang Hàn Quốc và điều chỉnh vị thế của họ trong chuỗi cung ứng.

Theo Park Ki-soon, cố vấn cấp cao và chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại văn phòng luật Dentons Lee ở Seoul (thủ đô Hàn Quốc), sự hòa giải được mong đợi giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nhờ chuyến thăm cấp của ông Yoon Suk-yeol sẽ đẩy nhanh quá trình Trung Quốc bị gạt ra ngoài lề trong lĩnh vực sản xuất chip tiên tiến và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Park Ki-soon nhận xét: “Sản xuất chất bán dẫn toàn cầu bị chi phối bởi các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan và Đài Loan. Chuỗi cung ứng chất bán dẫn của khối này sẽ trở nên ổn định hơn, trong khi Trung Quốc sẽ bị cô lập”.

Mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản làm nổi bật áp lực ngày càng tăng của Mỹ với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Trước đó, Mỹ vào tháng 10.2022 đưa ra các bản cập nhật hạn chế hơn nữa khả năng của Trung Quốc có được chip tiên tiến và Tổng thống Joe Biden hồi tháng 8 đã ký thành luật Đạo luật CHIPS and Science (chip và khoa học) để thúc đẩy khả năng sản xuất chip trong nước.

Hàn Quốc đã trở thành một phần của liên minh Chip 4 (hay Fab 4) do chính phủ Mỹ hậu thuẫn bao gồm cả Nhật Bản và Đài Loan. Bị Bắc Kinh chỉ trích là âm mưu của Mỹ nhằm loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn, liên minh này đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng 2.

Fab là cụm từ viết tắt trong ngành để chỉ nhà máy sản xuất chip.

Vào tháng 1, Mỹ được cho đã đạt được thỏa thuận với Hà Lan và Nhật Bản nhằm hạn chế xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Dù không có thông tin chi tiết chính thức nào về hiệp ước này, chính phủ Hà Lan gần đây đã thông báo rằng các hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn sẽ được áp dụng trước mùa hè.

Bắc Kinh đặc biệt nhạy cảm về vị trí của Hàn Quốc, vì quốc gia này là chìa khóa cho nỗ lực tự cung tự cấp chất bán dẫn của Trung Quốc. Nhà sản xuất chip nhớ Samsung Electronics và SK Hynix đều có nhà máy ở Trung Quốc, giúp nước này hội nhập vào chuỗi giá trị xuyên biên giới.

Kim Dae-jong, giáo sư kinh doanh tại Đại học Sejong ở Seoul, cho biết: “Nếu quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản được bình thường hóa, điều đó sẽ giúp ích đáng kể cho việc nhập khẩu vật liệu, linh kiện và thiết bị bán dẫn của Hàn Quốc từ Nhật Bản. Thương mại đó có thể phục hồi về mức trước năm 2019”.

Tuy nhiên, việc tách khỏi Trung Quốc dự kiến sẽ dẫn đến tổn thất nặng nề cho Hàn Quốc.

20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc là chip và 60% trong số này được xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu đi theo Mỹ, Hàn Quốc có thể mất khoản đầu tư trị giá tới 50 ngàn tỉ won (37,89 tỷ USD) vào Trung Quốc”, Kim Dae-jong nói.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nhập khẩu của Trung Quốc từ Hàn Quốc đã giảm 29% trong hai tháng đầu năm 2023. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Đài Loan giảm 30,9% và nhập khẩu từ Nhật Bản giảm 23,1% trong hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ, báo hiệu sự chia tách đang tăng tốc giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

vi-the-cua-trung-quoc-o-chuoi-cung-ung-chip-suy-yeu-khi-han-quoc-lien-ket-chat-voi-nhat-my.jpg
Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc sẽ chịu áp lực ngày càng tăng của Mỹ khi Hàn Quốc và Nhật Bản thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn - Ảnh: Shutterstock

Trong khi Hàn Quốc tìm cách cho phép Samsung Electronics và SK Hynix giữ lại các cơ sở sản xuất bán dẫn của họ tại Trung Quốc, hai công ty này đã giành được một lệnh hoãn 1 năm từ các quy định kiểm soát xuất khẩu toàn diện của Mỹ được công bố vào tháng 10.2022, ngăn chặn các công ty đưa thiết bị sản xuất chip vào cơ sở sản xuất ở Trung Quốc.

Nhiều tin xấu hơn cho Trung Quốc có thể đến vào tháng 4 khi Tổng thống Hàn Quốc có chuyến thăm tới Mỹ. Ông Yoon Suk-yeol sẽ gặp Tổng thống Biden tại Nhà Trắng trong một hội nghị thượng đỉnh song phương, dự kiến sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về quan hệ an ninh và kinh tế giữa hai nước.

Hàn Quốc hưởng lợi khi Nhật và Hà Lan cùng Mỹ hạn chế bán thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc

Hà Lan và Nhật Bản tham gia thỏa thuận cùng Mỹ hạn chế xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho Hàn Quốc. Lý do vì Hàn Quốc có thể thu hút các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn đầu tư vào nước này như một trung tâm sản xuất và phân phối thay thế.

Vào tháng 1, chính quyền Biden đã nhận được sự hỗ trợ từ Nhật Bản và Hà Lan để thắt chặt kiểm soát xuất khẩu thiết bị và công nghệ sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Đây là động thái được cho sẽ khiến các nhà cung cấp Hà Lan và Nhật Bản ngày càng khó bán hàng cho Trung Quốc.

Theo Kim Dae-jong, giáo sư kinh doanh tại Đại học Sejong ở Seoul (thủ đô Hàn Quốc), khi các công ty tìm kiếm thị trường thay thế, Hàn Quốc - hiện là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu - sẽ được hưởng lợi.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sẽ lại nới rộng khoảng cách công nghệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn vốn đang ngày càng thu hẹp. Hàn Quốc cũng có thể nhận được nhiều đầu tư nước ngoài và tăng trưởng hơn nhờ các biện pháp kiểm soát Trung Quốc của Mỹ”, Kim Dae-jong nói.

vi-the-cua-trung-quoc-o-chuoi-cung-ung-chip-suy-yeu-khi-han-quoc-lien-ket-chat-voi-nhat-my1.jpg
Ông Joe Biden, Yoon Suk-youl và Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong thăm khuôn viên của công ty ở thành phố Pyeongtaek vào ngày 20.5.2022 - Ảnh: EPA-EFE

Khi Mỹ mời Hàn Quốc tham gia Liên minh Chip 4, sáng kiến có cả Nhật Bản và Đài Loan, nhằm hạn chế vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng chip, Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi Hàn Quốc không đứng về phía Mỹ.

Một bài viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu (trực thuộc Nhân dân Nhật báo) dẫn lời Lu Chao, giáo sư tại Đại học Liêu Ninh ở miền bắc Trung Quốc, nói rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc không nên tách rời khỏi Trung Quốc.

Đã có những dấu hiệu cho thấy các công ty chip trên thế giới đang tìm cách thiết lập mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ hơn với Hàn Quốc.

Trong chuyến thăm Hà Lan vào ngày 17.2, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin đã gặp Peter Wennink, Giám đốc điều hành ASML, để thảo luận về các hợp tác tiềm năng.

ASML là công ty cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới, có trụ sở ở Hà Lan, độc quyền về các máy in thạch bản cực tím cao cấp cần thiết để sản xuất chip ở quy trình 5 nanomet.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Peter Wennink cho biết ASML muốn “mở rộng đầu tư” vào Hàn Quốc và hy vọng rằng quốc gia này có thể trở thành một trung tâm Đông Bắc Á cho ngành công nghiệp bán dẫn. Trong khi đó, Park Jin cho biết Hàn Quốc đang "tăng cường khuyến khích" để thu hút đầu tư.

Một tuần sau cuộc gặp, chính phủ Hàn Quốc đã công bố Chiến lược tăng trưởng mới 4.0, tập trung phát triển ba ngành công nghiệp tại nước này là chất bán dẫn, pin và màn hình.

Vào tháng 11.2022, ASML đã bắt đầu xây dựng các cơ sở mới ở ngoại ô Hwaseong, Seoul (thủ đô Hàn Quốc). Đây là dự án trị giá 240 tỉ won (180 triệu USD) dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024.

Nằm cách nhà máy sản xuất chip của Samsung Electronics ở thành phố Pyeongtaek khoảng 16km, dự án rộng 1,6 ha này sẽ bao gồm một trung tâm sửa chữa địa phương, trung tâm phát triển linh kiện và trung tâm đào tạo nhân viên.

Theo Kang Jun-young, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk, Hàn Quốc và Hà Lan có thể đạt được “sức mạnh tổng hợp” trong lĩnh vực bán dẫn của họ bằng cách kết hợp bí quyết công nghệ của ASML với các công ty Hàn Quốc.

Khi Hà Lan quyết định tham gia cùng Mỹ kiểm soát chip với Trung Quốc, đầu tư của họ vào Hàn Quốc cũng sẽ tự nhiên tăng lên”, Kang Jun-young nói.

Các cường quốc sản xuất chip khác cũng đang đổ tiền vào Hàn Quốc. Công ty Tokyo Electron (Nhật Bản) cho biết sẽ chi 110 tỉ won trong năm 2023 để mở rộng trung tâm nghiên cứu và phát triển cũng như các cơ sở phòng sạch ở thành phố Hwaseong (Hàn Quốc).

Applied Materials (có trụ sở tại bang California, Mỹ) gần đây đã công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu thiết bị chip nhớ tại Hàn Quốc để phục vụ tốt hơn cho Samsung Electronics và SK Hynix, hai nhà sản xuất chip hàng đầu nước này.

Theo Park Gwang-sun, Giám đốc điều hành các hoạt động tại Hàn Quốc của Applied Materials, công ty Mỹ đang tìm kiếm một địa điểm để đặt trung tâm.

Park Ki-soon, cố vấn cấp cao của công ty luật Dentons Lee có chuyên môn về kinh tế Trung Quốc, nhận định Hàn Quốc sẽ vẫn là một trong những đối tác xuất khẩu lớn nhất của ASML, bởi bất kỳ thiết bị tiên tiến nào họ mua trong tương lai sẽ chủ yếu được sử dụng trong nước thay vì được chuyển đến nhà máy tại Trung Quốc.

Sau khi chính quyền Biden thắt chặt kiểm soát xuất khẩu với công nghệ sản xuất và thiết kế chip tiên tiến sang Trung Quốc vào tháng 10.2022, các nhà sản xuất chip Hàn Quốc đã phải xin gia hạn một năm để tiếp tục nhập khẩu thiết bị cần thiết cho các cơ sở hiện có của họ ở Trung Quốc. Chưa rõ liệu các công ty có thể nộp đơn xin gia hạn thêm hay không.

Trong tương lai, bất kỳ sự hợp tác nào giữa các hãng sản xuất chip Hàn Quốc và các nhà cung cấp máy móc nước ngoài đều có khả năng mang lại đầu tư trực tiếp vào Hàn Quốc thay vì Trung Quốc, theo Giáo sư Kim Dae-jong.

Tôi nghĩ việc kiểm soát chip của Mỹ sẽ có lợi hơn cho Hàn Quốc. Đầu tư của ASML đặc biệt sẽ có lợi cho ngành công nghiệp chip Hàn Quốc”, ông nói.

Liên minh bán dẫn Fab 4 gồm Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp video đầu tiên của các quan chức cấp cao tập trung vào khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

Vào tháng 9.2022, Mỹ đã triệu tập cuộc họp đầu tiên của nhóm làm việc để thảo luận về cách củng cố chuỗi cung ứng chất bán dẫn, sau cuộc khủng hoảng chip toàn cầu do đại dịch gây ra.

Sự thiếu hụt chất bán dẫn buộc một số nhà sản xuất ô tô phải ngừng sản xuất, khiến Đài Loan (trung tâm sản xuất chip thế giới) trở thành tâm điểm chú ý và việc quản lý chuỗi cung ứng trở thành ưu tiên lớn hơn của các chính phủ trên thế giới.

Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cho biết: "Nhóm làm việc về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng chất bán dẫn Mỹ-Đông Á (hay Fab 4) sau nhiều tháng phối hợp đã tổ chức cuộc họp video đầu tiên của các quan chức cấp cao từ nhóm hôm 16.2.

Trọng tâm các cuộc thảo luận của bộ tứ tham gia tại cuộc họp chủ yếu là về cách duy trì khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng chất bán dẫn và khám phá các hướng hợp tác có thể có trong tương lai của tất cả các bên.

Là một thành viên quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chúng tôi cũng đóng vai trò then chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đồng thời có quan hệ kinh tế và thương mại sâu rộng với các nước trong khu vực".

Cơ quan Ngoại giao Đài Loan không nêu chi tiết các quan chức nào tham gia cuộc họp.

Nhà lãnh đạo Đài Loan – Thái Anh Văn nói rằng đảo này cam kết đảm bảo các đối tác của mình có nguồn cung cấp chất bán dẫn đáng tin cậy, mà bà gọi là "chip dân chủ", đồng thời kêu gọi các đồng minh tăng cường hợp tác trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.

Các thành viên của nhóm có TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan), Samsung Electronics và SK Hynix (hai gã khổng lồ chip nhớ Hàn Quốc), các nhà cung cấp thiết bị và vật liệu bán dẫn chính của Nhật Bản.

Bài liên quan
5 nhà cung cấp được hãng chip Trung Quốc đặt niềm tin sau khi Hà Lan - Nhật bắt tay với Mỹ
SMEE là một trong những nhà cung cấp thiết bị quan trọng nhất cho các hãng sản xuất chip Trung Quốc sau lệnh trừng phạt của Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vị thế của Trung Quốc ở chuỗi cung ứng chip suy yếu khi Hàn Quốc liên kết chặt với Nhật - Mỹ