Theo quy định, nếu ngân hàng xác định việc mất tiền trong tài khoản là hoàn toàn do lỗi từ phía ngân hàng thì phải chủ động bồi thường cho khách hàng. Thế nhưng trên thực tiễn, các ngân hàng thường có xu hướng đổ lỗi cho khách hàng hoặc nhân viên.

'Ngân hàng thường đổ lỗi cho nhân viên, khách hàng khi mất tiền'

Phan Diệu | 28/02/2018, 09:23

Theo quy định, nếu ngân hàng xác định việc mất tiền trong tài khoản là hoàn toàn do lỗi từ phía ngân hàng thì phải chủ động bồi thường cho khách hàng. Thế nhưng trên thực tiễn, các ngân hàng thường có xu hướng đổ lỗi cho khách hàng hoặc nhân viên.

Trên đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại tọa đàm “Làm sao để tiền gửi ở ngân hàng được an toàn?” do báo Trí thức trẻ tổ chức chiều 27.2.

Cần chọn lựa kỹ khi gửi tiền vào ngân hàng

Theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, hiện nay, khách hàng rất dễ để quản lý tiền trong tài khoản mình. Bởi lẽ, với trình độ công nghệ thông tin phát triển, đa số ngân hàng đều đang sử dụng dịch vụ SMS. Mỗi lần chuyển tiền thanh toán hay gửi tiền, hệ thống SMS sẽ cập nhật trên hệ thống thanh toán đó.

“Chúng tôi kiến nghị người dân nên sử dụng dịch vụ này hoặc internet banking nếu thường xuyên làm trên máy tính. Ngoài ra, có thể yêu cầu ngân hàng gửi sao kê tài khoản, nhìn vào đó có thể biết ngay trong 1 tháng vừa qua cái nào đúng là mình giao dịch. Thông thường, các ngân hàng sẽ gửi sao kê qua email”, ông Lực khuyến cáo.

Ông Lực cũng cho rằng, khách hàng cần phải có lựa chọn khi gửi tiền vào tổ chức tín dụng. Do lãi suất huy động gần như nhau nên khách hàng cần quan tâm đến ngân hàng có uy tín, bề dày kịch sử, thương hiệu.

Mặt khác, cần quan tâm đến quá trình hoạt động ngân hàngtrong thời gian vừa qua có tốt hay không và chọn ngân hàng có chất lượng dịch vụ tiện lợi, nhanh chóng, chuyên nghiệp. Song song đó là quan tâm đến cả giá cả, lãi suất và chi phí.

Đồng quan điểm, TS. Đặng Anh Tuấn - Viện phó Viện Ngân hàng Tài chính(Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng khuyên khách hàng nên chọn ngân hàng khi cần có thể rút tiền ra nhanh chóng, an toàn cả gốc và lãi.

“Khách hàng nên chọn ngân hàng mà mình cảm thấy yên tâm khi gửi tiền vào đó. Chọn ngân hàng có uy tín, có lịch sử quản lý ngân hàng an toàn, không có các vụ tranh chấp, sai phạm về quản lý tiền gửi”, ông Tuấn nói.

Các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm - Ảnh: CafeF

Lỗi ngân hàng, ngân hàng cần bồi thường

Trong khi đó, bàn đến quy trình làm sổ tiết kiệm, LS. Chu Mạnh Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội nói rằngkhi đi gửi tiền, nếu khách hàng không đọc hết được thì phải tập trung vào một số thông tin có trong sổ tiết kiệm. Đơn cử như số tiền bao nhiêu, thời hạn gửi, lãi suất và đặc biệt là các con dấu, chữ ký hợp pháp của giao dịch viên, thủ quỹ… của ngân hàng. Đôi khi, khách hàng cần chú ý tới hình thức của các giấy tờ.

Trường hợp khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng mà sau đó phát hiện ra số tiền trong tài khoản tiết kiệm của mình đã bị mất nhưng không phải do mình rút tiền thì việc đầu tiên, người gửi tiết kiệm nên thông báo và đến làm việc trực tiếp với ngân hàng. Việc này để xác định chính xác nguyên nhân số tiền không còn trong tài khoản trong khi sổ tiết kiệm vẫn còn.

“Sau quá trình xác minh, ngân hàng xác định việc mất tiền trong tài khoản là hoàn toàn do lỗi từ phía ngân hàng thì theo tôi, các ngân hàng có uy tín nên chủ động bồi thường cho khách hàng. Thế nhưng, trên thực tiễn, các ngân hàng có xu hướng đổ lỗi cho khách hàng hoặc nhân viên. Khi ngân hàng và khách hàng không thỏa thuận được thì dựa vào các chi tiết phát sinh có thể xử lý như sau.

Theo quy định tại quy chế về tiền gửi tiết kiệm quy định về trách nhiệm của tổ chức nhận tiền tiết kiệm, tổ chức nhận tiền gửi phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng đối với tiền gửi tiết kiệm do lỗi của tổ chức nhận tiền tiết kiệm. Trong trường hợp này, ngân hàng sẽ trực tiếp thực hiện việc chi trả, bồi thường thiệt hại cho người gửi tiền.

Trong quá trình xác minh thấy rằng phía người gửi tiền có lỗi dẫn đến việc mất tiền trong tài khoản thì tùy trường hợp cụ thể, ngân hàng sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật. Vì quy chế gửi tiền tiết kiệm cũng quy định về quyền của tổ chức nhận tiền tiết kiệm là được quyền từ chối việc chi trả tiền gửi tiết kiệm đối với thẻ tiết kiệm đã bị lợi dụng nhưng không phải do lỗi của tổ chức nhận tiền tiết kiệm.

Trong trường hợp giữa ngân hàng và người gửi tiền không thống nhất được về cách giải quyết thì các bên có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền. Theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự, thời hạn giải quyết một vụ kiện dân sự từ khi thụ lý đến khi xét xử có thể kéo dài khoảng 10-12 tháng. Sau khi án dân sự xử xong, các bên không đồng ý thì phúc thẩm, vụ việc có thể kéo dài nhiều năm tùy theo vụ án.

Trong trường hợp vụ việc có dấu hiệu hình sự như lừa đảo, tham ô, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì các bên có thể gửi đơn đến cơ quan công an để xem xét giải quyết. Nếu vụ việc có dấu hiệu tội phạm, thì sẽ được giải quyết theo trình tự tố tụng hình sự, qua các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử”, LS. Cường thông tin.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Ngân hàng thường đổ lỗi cho nhân viên, khách hàng khi mất tiền'