Theo tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các nguyên nhân chính dẫn tới tự tử và tự hại ở người trẻ chủ yếu đến từ căng thẳng và áp lực học tập.
Hiện nay, sức khỏe tinh thần đang là một vấn đề nhức nhối không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Theo nghiên cứu, tính riêng năm 2021, hơn 30 triệu người Việt Nam đang trải qua vấn đề sức khỏe tinh thần.
Số lượng người tự sát vượt mốc 800.000 và chiếm tới 14% nguyên nhân tử vong trên toàn thế giới. Trong đó, tính riêng ở Việt Nam là 14.000 ca.
Tự tử cũng là nguyên nhân tử vong cao thứ hai tính ở lứa tuổi từ 15-29, chỉ sau tai nạn giao thông.
Theo tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các nguyên nhân chính dẫn tới tự tử và tự hại ở người trẻ chủ yếu đến từ căng thẳng và áp lực học tập. Ngoài ra, mâu thuẫn trong các mối quan hệ với người thân, bạn bè cũng có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm, lo âu. Rối loạn căng thẳng sau sang chấn do bị bạo lực hay xâm hại cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên.
Tính trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng đài 111 đã tiếp nhận gần 50 cuộc gọi tư vấn liên quan tới tự tử và tự hại của trẻ em và can thiệp tới 6 ca có ý định tự tử, tăng 1 ca so với cùng kỳ năm 2022.
Nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sức khỏe tinh thần cũng như ngăn ngừa hành vi tự tử và tự hại trong cộng đồng thanh thiếu niên, Breaking the Silence - một cuộc thi dành cho sinh viên và học sinh THPT đã được Hopeful Horizon tổ chức, phát động từ tháng 7.2023.
Sau 3 tháng triển khai, cuộc thi thu hút được gần 90 trường THPT và đại học trên toàn quốc, với hơn 140.000 lượt quan tâm cũng như thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội Facebook và Tiktok. Ngoài ra, cuộc thi cũng có hơn 15 đơn vị tài trợ cùng sự hỗ trợ của hơn 20 nghệ sĩ, các chuyên gia tâm lý từ các tổ chức và đoàn hội uy tín tư vấn trong suốt quá trình tổ chức.
Ban giám khảo Break The Silence đã tìm được 3 dự án xuất sắc nhất gồm: Dự án Tầng thượng trên không (giải nhất) - cẩm nang do nhóm các chuyên gia và sinh viên lĩnh vực tâm lý xây dựng nhằm cung cấp kiến thức, hỗ trợ và định hướng cho học sinh trung học phổ thông trong việc nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần.
Dự án Fansi (giải nhì) nhằm giáo dục kiến thức sơ cấp cứu cho người có hành vi tự hại cũng như nâng cao nhận thức về hành vi tự hại cho cộng đồng người trẻ.
Dự án Website (giải ba) nhằm xây dựng những biện pháp trị liệu tâm lý bằng phương pháp viết và thiền được phát triển với mục đích giúp đỡ những người đang gặp khó khăn trong vấn đề tâm lý đặc biệt là người trẻ qua phương pháp tự chữa lành.
Ngoài ra, Dự án Plan – Do – Check – Act được giải Lan tỏa. Đây là một nền tảng website được nhóm tác giả phát triển với mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề nhạy cảm như tự hại và tự tử trong giới trẻ hiện nay.
Website là một nền tảng an toàn để các bạn trẻ có thể chia sẻ cảm xúc và câu chuyện của mình, đồng thời tương tác với cộng đồng thông qua sự quản lý của quản trị viên để tránh trường hợp mất kiểm soát do tâm lý tiêu cực.
Hopeful Horizon là dự án phi lợi nhuận được khởi xướng bởi SoftenMind và WisdomViet với mục tiêu nâng cao nhận thức và ngăn ngừa hành vi tự tử và tự hại ở thanh thiếu niên Việt Nam.
Tới đây, Hopful Horizon sẽ phối hợp với đại sứ của chương trình là ca sĩ, nhạc sĩ Kai Đinh cùng Thành đoàn TP.HCM để tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tại các trường cấp 3 cũng như đại học trên địa bàn thành phố; các chiến dịch trên mạng xã hội với những từ khóa như #Bankhongcodon (Bạn không cô đơn) và #Hopeseeder (Hope Seeder – Gieo mầm hy vọng cho những bạn trẻ có chấn thương tâm lý).
Đồng thời, dự án cũng mở ra cổng thông tin về sức khỏe tinh thần dành cho giới trẻ https://hopefulhorizon.softenm... để có thể hỗ trợ kịp thời hơn cho thanh thiếu niên hiện nay.