Đối với khoản thu từ tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, Thủ tướng quyết định là khoản thu phân chia điều tiết về ngân sách trung ương 70%, ngân sách địa phương 30%.

Ngân sách địa phương hưởng 30% tiền phạt vi phạm giao thông

Một Thế Giới | 15/12/2015, 08:45

Đối với khoản thu từ tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, Thủ tướng quyết định là khoản thu phân chia điều tiết về ngân sách trung ương 70%, ngân sách địa phương 30%.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định số 2100/QĐ-TTg về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài Chính thu hồi vốn ngân sách nhà nước đã ứng trước cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các địa phương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2016.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao cho Bộ này thu hồi kinh phí sự nghiệp ngân sách nhà nước đã ứng trước cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các địa phương.

Đáng lưu ý, tại điều 5 của Quyết định này có đề cập đến việc điều chỉnh tiền lương năm 2016.

Cụ thể, từ ngày 1.1.2016, thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu đạt mức lương cơ sở. Người hưởng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh tăng 8% (đã thực hiện từ năm 2015).

Từ ngày 1.5.2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, bảo đảm mức lương của người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức hiện hưởng.

Cũng tại điều này, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương sắp xếp các nhiệm vụ chi để cân đối nguồn thực hiện nguồn điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2016.

Thủ tướng lưu ý, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương trong năm 2016 từ một phần số thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngoài lương và có tính chất lương của các cơ quan, đơn vị; 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất).

Thứ hai là thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ngoài tiết kiệm 10% chi thường xuyên, thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) ngay từ khâu dự toán và giữ lại phần tiết kiệm ở các cấp ngân sách để bố trí chi thực hiện cải cách tiền lương.

Cuối cùng là đối với một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn, sau khi thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương như trên mà vẫn thiếu nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2016, giao Bộ Tài chính thẩm định nhu cầu và nguồn cải cách tiền lương, thông báo số cần bổ sung từ ngân sách trung ương cho địa phương để thực hiện điều chỉnh tiền lương, phụ cấp trong năm 2016; đồng thời tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ...
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng quyết định tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý tiền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%. 
Riêng khoản thu từ tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, Thủ tướng quyết định là khoản thu phân chia điều tiết về ngân sách trung ương 70%, ngân sách địa phương 30%. 
Kinh phí đảm bảo hoạt động của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ thu xử phạt vi phạm hành chính do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành. 
Tuệ Minh
Bài liên quan
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải trình cụ thể về chính sách đột phá tiền lương giáo viên
Sáng 20.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) có giải trình cụ thể về ý kiến đại biểu nêu ra liên quan chính sách đột phá về tiền lương, phụ cấp của nhà giáo tại dự luật.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân sách địa phương hưởng 30% tiền phạt vi phạm giao thông