Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, TP.HCM đang gặp khó khăn trong cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, nhất là những dự án cấp bách.

Ngân sách TP.HCM chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu vốn các dự án trên địa bàn

Tú Viên | 23/04/2021, 11:22

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, TP.HCM đang gặp khó khăn trong cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, nhất là những dự án cấp bách.

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND TP.HCM đã ban hành các nghị quyết về đầu tư công. Việc thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2021 đã thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, xã hội của TP.HCM, giúp tăng trưởng kinh tế. Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, ngay sau khi HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua nghị quyết, UBND TP.HCM đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, điểm vướng mắc trong khi triển khai thực hiện là vấn đề ngân sách. Cụ thể, tổng mức đầu tư của gần 1.950 dự án lên đến hơn 302.800 tỉ đồng, trong khi khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách TP.HCM chỉ đáp ứng được 150.000 tỉ đồng (khoảng gần 50% nhu cầu vốn). Do đó, TP.HCM gặp khó khăn trong cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời cũng gặp khó khăn trong cân đối, bố trí vốn cho các dự án cấp bách.

Để triển khai đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 có hiệu quả, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu giải pháp tiếp tục chủ động rà soát, chuyển đổi các chương trình, dự án sang các hình thức đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhằm huy động thêm nguồn lực đầu tư trong xã hội. Còn việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, TP.HCM triển khai theo hướng tập trung, không dàn trải.

TP.HCM cũng trình Trung ương chấp thuận đề án Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2026-2030 để tăng thu ngân sách chuyển Trung ương và làm tiền đề để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.

Theo đề án được TP.HCM đưa ra năm ngoái, tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trên địa bàn TP giảm liên tục từ 33% giai đoạn 2000-2003 xuống còn 18% giai đoạn 2017-2021. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị đã được Bộ Chính trị giao cho TP tại Nghị quyết số 16-NQ/TW, TP.HCM phải tăng trưởng và phát triển kinh tế xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của mình, trở lại vị thế là cực tăng trưởng kinh tế, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Do vậy, việc TP đề xuất xin tăng tỷ lệ điều tiết giữ lại lên 23% giai đoạn 2022-2025; 26% giai đoạn 2026-2030 (bằng với tỷ lệ điều tiết thời kỳ ổn định ngân sách 2 giai đoạn trước liền kề 2011-2016; 2007-2010) là cần thiết và cấp bách.

Đề án cũng nêu, trong giai đoạn năm 2021-2030, TP.HCM cần nguồn kinh phí cực kỳ lớn, gần 1.000.000 tỉ đồng để đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông. Đặc biệt ưu tiên tập trung đối các công trình giao thông trọng điểm, liên kết vùng, các công trình giải quyết ùn tắc giao thông khu vực sân bay, cảng, cửa ngõ TP với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 606.000 tỉ đồng.

Ảnh hưởng từ COVID-19
Tại kỳ họp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đánh giá kinh tế TP.HCM tăng trưởng khá, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2019 tăng bình quân 7,72%, cả giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 6,43%.
Với lực lượng lao động đang làm việc chiếm 8,62% lực lượng lao động cả nước (4,7 triệu người), nhưng tỷ trọng kinh tế TP.HCM đóng góp chiếm trên 22,2% kinh tế cả nước.
TP.HCM đã thành lập TP.Thủ Đức và đẩy mạnh triển khai đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tăng trưởng kinh tế năm 2020 của TP.HCM chưa đạt kế hoạch đề ra do tác động của dịch COVID-19, dẫn đến mức tăng trưởng kinh tế cả nhiệm kỳ chưa đạt chỉ tiêu đề ra (từ 8-8,5%/năm).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân sách TP.HCM chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu vốn các dự án trên địa bàn