Ngày 28.1 vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký phê duyệt đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Ngành giáo dục triển khai mô hình 'Giáo dục đại học số' đến năm 2030

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 31/01/2022, 06:32

Ngày 28.1 vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký phê duyệt đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Mục tiêu của đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Tại sao phải chuyển sang Đại học số

Trao đổi với phóng viên, các chuyên gia giáo dục đều lý giải đại học số là dựa trên kiến thức chuyên môn cốt lõi trong lĩnh vực, các phương pháp luận chung, có cấu hình để đáp ứng mọi nhu cầu của trường đại học. Đại học số sẽ trao quyền cho các cấp thẩm quyền, cán bộ nhân viên và sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong công việc thường ngày của họ bằng cách cung cấp các giải pháp sáng tạo. Có thể nói, một trường đại học không chỉ cung cấp giáo dục trong lớp học mà còn cung cấp học tập theo yêu cầu thông qua các phương tiện kỹ thuật số thì sẽ được gọi là Đại học số.

Theo ngành giáo dục đề ra, năm 2030 sẽ đạt 90% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu; hoàn thiện và mở rộng triển khai mô hình "Giáo dục đại học số" tới tối thiểu 50% các trường đại học công lập trong toàn quốc.

dam-2.jpg
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương cho biết, năm học mới 2021 - 2022 mọi hoạt động của trường đều diễn ra trực tuyến. Với hơn 10 nghìn sinh viên, trường đã đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền Leased Line, wifi... Trường còn đẩy mạnh tương tác trên mạng, phát huy sáng kiến của giảng viên và sinh viên. 

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi của học sinh và phụ huynh. Xu hướng sử dụng công nghệ, cụ thể là các nền tảng trực tuyến trong môi trường giáo dục tăng lên đáng kể. Ngành công nghệ giáo dục có sự phát triển vượt bậc và nhu cầu cho các giải pháp học trực tuyến cũng tăng vọt. Đây cũng chính là việc các trường đại học cần sử dụng hệ thống trực tuyến để đào tạo sinh viên từ xa trên cơ sở xây dựng đại học số hóa - tức là mọi hoạt động trong quy trình giảng dạy đều được xây dựng trên môi trường điện tử. Thậm chí, các hoạt động hỗ trợ sinh viên, các hoạt động thương mại trong trường học như dịch vụ về cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, phát triển các dịch vụ chuyển giao công nghệ cũng được thực hiện theo mô hình số hoá.

Đưa ra ý kiến của mình về việc chuyển đổi đại học số, GS, TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng hiện nay cơ sở pháp lý chung cho chuyển đổi số cần hoàn thiện hơn nữa theo các chuyên ngành cụ thể của các trường đại học. Trong giáo dục cần quy định chương trình học trực tuyến, thời lượng học, kiểm tra đánh giá trực tuyến, kiểm định chất lượng học trực tuyến, công nhận kết quả học trực tuyến (khác với học truyền thống).

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện nay Bộ đã đào tạo được 20.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số. 80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo 2021-2030 cần chú trọng tăng cường và cải thiện sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu ở các trường đại học với nhu cầu của các ngành công nghiệp cho đổi mới sáng tạo: phát triển quan hệ với các ngành công nghiệp là một trong những cách hiệu quả nhất để tăng tính thiết thực của các chương trình giáo dục đại học.

hoc-sinh-12-9.jpg
Nhiều trường đại học đã áp dụng số hóa trong dạy và học

Nhiệm vụ chính để thực hiện chuyển đổi giáo dục Đại học số

Theo đề án mà Phó thủ tướng vừa phê duyệt thì cần phải thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ chính mà ngành giáo dục cần chú trọng. Đầu tiên là nhóm có nhiệm vụ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, thứ 2 là nhóm các nhiệm vụ về phổ cập kỹ năng chuyển đổi số. Cuối cùng là nhóm có các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.

Đề án sẽ triển khai xây dựng Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) về kỹ năng số cho phép người dân truy cập miễn phí để tự học các kỹ năng số; tổ chức các chương trình đào tạo, đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan từ Trung ương đến cấp xã, trong tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và cơ quan thông tấn, báo chí. Đề án hướng đến phát triển kỹ năng số cho người dân thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ số, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại; khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập, nghiên cứu mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm và công nhận chứng chỉ đào tạo trực tuyến. Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, công nghệ số cho đội ngũ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác tham mưu chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước đến cấp xã, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Đặc biệt đề án yêu cầu triển khai chương trình STEM/STEAM trong giáo dục phổ thông. Đề án đưa ra cần lựa chọn tối thiểu 1.000 cán bộ từ các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương và một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, công nghệ số, kỹ năng tổng hợp, phân tích dữ liệu số để hỗ trợ ra quyết định phù hợp theo chuyên môn, ngành nghề, lĩnh vực. Hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở liên kết 1.000 chuyên gia chuyển đổi số với các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước làm việc trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ số để gắn kết sức mạnh tri thức, thúc đẩy chuyển đổi số.

Bên cạnh đó là xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thí điểm mô hình "Giáo dục đại học số" tại một số trường đại học phù hợp; xây dựng, ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học. Tổ chức đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên chuyên ngành công nghệ số như công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, tài chính số, kinh doanh số, truyền thông số. Đề án hướng đến xây dựng và tổ chức triển khai chương trình STEM/STEAM trong giáo dục phổ thông với lộ trình triển khai cụ thể. Trong đó, ưu tiên triển khai thí điểm ở các thành phố trực thuộc Trung ương và một số địa phương trước khi nhân rộng quy mô toàn quốc.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết trong tình hình dịch bệnh, các cơ sở đào tạo đã chủ động, có nhiều sáng tạo và đã biến thách thức trở thành cơ hội đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số. Để tăng cường các biện pháp thích nghi với dịch bệnh có thể còn kéo dài, giáo dục đại học chuyển từ đào tạo trực tiếp sang kết hợp trực tiếp với trực tuyến là kiên trì bảo đảm chất lượng, trên cơ sở đó đẩy mạnh chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện. Giáo dục đại học chuyển đổi số không chỉ để ứng phó cho mình mà còn đóng vai trò nòng cốt trong chuyển đổi số toàn ngành giáo dục, hỗ trợ giáo dục phổ thông và các địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành giáo dục triển khai mô hình 'Giáo dục đại học số' đến năm 2030