Hiện nay, những công việc liên quan đến ngành logistics thường có mức lương rất “khủng”. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tìm kiếm nhân lực chất lượng cao thì lại rất khó do lao động trong ngành logistics rất yếu về kiến thức chuyên môn và tiếng Anh chuyên ngành.

Ngành logistics trả lương hàng ngàn đô vẫn mỏi mắt tìm người được việc

08/07/2020, 05:55

Hiện nay, những công việc liên quan đến ngành logistics thường có mức lương rất “khủng”. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tìm kiếm nhân lực chất lượng cao thì lại rất khó do lao động trong ngành logistics rất yếu về kiến thức chuyên môn và tiếng Anh chuyên ngành.

Nhân sự ngành logistics hiện nay vừa thiếu vừa yếu - Ảnh: Internet

>>Vì sao ngành học logistics được nhiều người quan tâm?

>>Đưa logistics thành mạch máu phát triển cơ thể nền kinh tế

>>Đào tạo nguồn nhân lực logistics là trọng trách của các trường kinh tế

>>GS Đặng Đình Đào: Chính sách, hạ tầng... yếu kém làm đội giá logistics lên cao

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa, dịch vụ logistics ngày càng giữ vai trò đặc biệt quan trọng và không thể thiếu của hoạt động chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, trong đó nguồn nhân lực là vấn đề nan giải nhất. Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành này càng hiện rõ khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Viện Nghiên cứu - Phát triển Việt Nam cho biết trong 3 năm tới, các doanh nghiệp dịch vụ logistics sẽ cần thêm khoảng 18.000 lao động; còn các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ cần trên một triệu người có chuyên môn về logistics. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần hơn 200.000 người có kỹ năng cho ngành này. Trong khi đó, hiện nay, nguồn cung cấp lao động cho ngành dịch vụ logistics chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế.

Do thiếu hụt về nhân sự nên logistics đang là một trong những ngành có mức lương rất hấp dẫn so với mặt bằng chung. Theo khảo sát của Một Thế Giới trên các trang tuyển dụng việc làm, những công việc liên quan đến ngành logistics thường có mức lương rất “khủng”.

Cụ thể, mức lương khởi điểm của một nhân viên logistics vào khoảng 6 - 7 triệu đồng đồng/tháng; còn nhân viên giám sát logistics khoảng 1.000 - 1.500 USD/tháng (từ 23 triệu - 35 triệu đồng).

Trong khi đó, mức lương trung bình của vị trí quản lý logistics thường từ 2.000 -4.000 USD/tháng (46 - 93 triệu đồng). Mức lương này có thể chênh lệch tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp nhưng mức cao nhất mà người ở vị trí này nhận được có thể lên đến 4.000 USD, thậm chí hơn 5.000 (115 triệu đồng).

Với vị trí giám đốc logistics, mức lương thường rơi từ là 4.000 – 6.000 USD/tháng (93 – 139 triệu đồng). Đặc biệt, vị trí giám đốc chuỗi cung ứng sẽ có mức lương cao nhất, từ 5.000 - 7.000 USD/tháng (115 - 163 triệu đồng/tháng).

Mặc dù vậy, giám đốc nhân sự một công ty logistics có trụ sở ở quận Tân Bình nói rằng để tìm kiếm nhân lực chất lượng có thể đảm đương các vị trí chuyên môn, quản lý quan trọng khó vô cùng. Khó khăn lớn nhất là lao động trong ngành dịch vụ logistics rất yếu về kiến thức chuyên môn và tiếng Anh chuyên ngành.

“Hầu hết chúng tôi khi tuyển người đều phải đào tạo lại rồi mới sử dụng. Phần lớn kiến thức mà những người làm logistics hiện nay có được là từ thực tiễn khi làm đại lý hoặc đối tác cho các công ty nước ngoài chuyên làm trong ngành dịch vụ này”, vị này nói.

Theo điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển của Trường đại học Kinh tế quốc dân, hiện nay nhân lực của các công ty logistics chủ yếu được đào tạo thông qua công việc hằng ngày chiếm tới 80,26%; tiếp đó là 23,6% lao động tham gia các khóa đào tạo trong nước; 6,9% thuê các chuyên gia nước ngoài đào tạo và chỉ có 3,9% tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu - Phát triển TP.HCM về chất lượng nhân lực logistics cũng cho thấy có đến 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên.

Như vậy, có thể thấy rằng ở Việt Nam, nhân lực cho ngành logistics được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản là quá ít so với tốc độ phát triển của ngành. Trên thực tế, tổng giám đốc điều hành (CEO) của các công ty logistics lớn của Việt Nam dù khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này, song đa số đều không được đào tạo chuyên ngành logistics một cách bài bản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho trình độ, năng lực phát triển logistics của Việt Nam vẫn còn tụt hậu xa so với thế giới.

>>Vì sao ngành học logistics được nhiều người quan tâm?

>>Đưa logistics thành mạch máu phát triển cơ thể nền kinh tế

>>Đào tạo nguồn nhân lực logistics là trọng trách của các trường kinh tế

>>GS Đặng Đình Đào: Chính sách, hạ tầng... yếu kém làm đội giá logistics lên cao

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành logistics trả lương hàng ngàn đô vẫn mỏi mắt tìm người được việc