Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật theo đề án 1816 cho 32 tỉnh, thành phía nam của Bệnh viện răng hàm mặt Trung ương TP.HCM giai đoạn 2015-2020 vào chiều qua (25.6).

Ngành răng hàm mặt Việt Nam đã ‘hút’được bệnh nhân nước ngoài

26/06/2020, 12:32

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật theo đề án 1816 cho 32 tỉnh, thành phía nam của Bệnh viện răng hàm mặt Trung ương TP.HCM giai đoạn 2015-2020 vào chiều qua (25.6).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ tại hội nghị - Ảnh: PV

Theo Bệnh viện răng hàm mặt Trương ương TP.HCM, trong 5 năm (2015-2020) thực hiện chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật chuyên ngành răng hàm mặt cho các bệnh viện tuyến dưới của 32 tỉnh, thành phía nam, bệnh viện này đã tổ chức được 27 lớp đào tạo theo chuyên đề và chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ và điều dưỡng khoa răng hàm mặt cho các bệnh viện tuyến dưới.

Bác sĩ Lê Trung Chánh- Giám đốc Bệnh viện răng hàm mặt Trung ương TP.HCM, cho biết trong giai đoạn từ 2015 - 2020, bệnh viện này đã chuyển giao kỹ thuật cho 14 tỉnh, thành, với 85 y bác sĩ, 482 buổi chuyển giao kỹ thuật, góp phần làm giảm tỷ lệ chuyển tuyến không phù hợp khoảng 40% so với trước đây. Hiện nay, hầu hết các khoa răng hàm mặt thuộc các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh ở 32 tỉnh thành phía nam đã nỗ lực để thực hiện đầy đủ các kỹ thuật theo phân tuyến kỹ thuật.

Trong đó, bệnh viện đã tập trung chuyển giao cho tuyến dưới, phát triển các kỹ thuật thuộc lĩnh vực phẫu thuật hàm mặt (loại hình điều trị mà các phòng khám nha khoa tư nhân không làm được) để giải quyết các trường hợp chấn thương, bệnh lý hàm mặt, dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Phát huy sự phối hợp liên chuyên khoa trong bệnh viện đa khoa, đặc biệt là với khoa ngoại thần kinh, ung bướu, tạo hình…để phối hợp phẫu thuật cho người bệnh hiệu quả hơn, giúp người bệnh có thể được điều trị chất lượng ngay tại địa phương mà không phải chuyển lên tuyến trung ương, giảm chi phí, khó khăn, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trung ương, góp phần mang đến sự hài lòng cho người bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá chuyên ngành răng hàm mặt là một trong những mũi nhọn, có nhiều bước tiến vững mạnh, liên tục cập nhật, tiếp cận, ứng dụng, triển khai và làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, đổi mới đào tạo y khoa, phòng chống dịch bệnh…

Đối với Bệnh viện răng hàm mặt Trung ương TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao việc bệnh viện này triển khai nhiều kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế lần đầu tiên tại Việt Nam như: quy trình điều trị toàn diện cho trẻ em bị dị tật bẩm sinh khe hở môi – vòm miệng, thay khớp thái dương hàm nhân tạo hai bên… Thông qua công tác chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo Đề án 1816, nhiều kỹ thuật (kể cả kỹ thuật khó) đã được bệnh viện chuyển giao đến các bệnh viện tuyến tỉnh, mang lại lợi ích to lớn, đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Hiện nay, ngành răng hàm mặt Việt đã thành công trong việc “giữ chân” người bệnh điều trị trong nước thay vì ra nước ngoài điều trị rất tốn kém như trước đây. Đặc biệt, ngành răng hàm mặt của chúng ta đã “ hút” được một lượng lớn bệnh nhân nước ngoài, Việt Kiều đến Việt Nam chữa bệnh… Với các chương trình, đề án hợp tác, phối hợp với các tổ chức nha khoa, các chuyên gia quốc tế, ngành răng hàm mặt đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành y tế Việt Nam nói riêng và sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, nâng cao vai trò và vị thế của y tế Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Sơn chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã chỉ đạo 2 bệnh viện răng hàm mặt Trung ương Hà Nội và TP.HCM bên cạnh việc đẩy mạnh việc tiếp tục thực hiện Đề án 1816 cần khẩn trương, tập trung mọi nguồn lực, nghiên cứu triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025, cần tập trung cải tạo nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, chọn lựa các chuyên khoa có nhiều người bênh sử dụng khám, chữa bệnh từ xa, đặc biệt các chuyên khoa có tình trạng quá tải trên cơ sở thống kê mô hình bệnh tật chuyên khoa.

Cả 2 bệnh viện phải nêu cao trách nhiệm, dành một thời gian nhất định trong ngày để hỗ trợ một bệnh viện tuyến dưới về chuyên môn và xây dựng một ứng dụng kho dữ liệu lâm sàng để các bệnh viện khác có thể đăng nhập vào ứng dụng để tham khảo nội dung hội chẩn, giúp cán bộ tuyến dưới tiếp thu đầy đủ kiến thức lẫn thực tiễn. Đồng thời triển khai mạnh mẽ các hình thức đào tạo trực tuyến, khám, tư vấn sức khoẻ trực tuyến cho người dân. Từ đó, người bệnh vùng sâu, vùng xa có thể đến khám trực tuyến tại cơ sở, giảm chi phí, khó khăn, bất tiện, giảm quá tải cho tuyến trên.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành răng hàm mặt Việt Nam đã ‘hút’được bệnh nhân nước ngoài