Bộ GD-ĐT đang thực hiện giảm chỉ tiêu đào tạo khối ngành sư phạm nhằm ngăn chặn tình trạng thừa giáo viên nhưng xem ra chỉ là giải pháp tạm thời.

Ngành sư phạm thừa hàng chục ngàn giáo viên do đào tạo không gắn với nhu cầu

Một Thế Giới | 06/01/2015, 06:33

Bộ GD-ĐT đang thực hiện giảm chỉ tiêu đào tạo khối ngành sư phạm nhằm ngăn chặn tình trạng thừa giáo viên nhưng xem ra chỉ là giải pháp tạm thời.

Thiếu sự kết nối giữa nơi sử dụng và đào tạo

Hiện nay, cả nước có tới 144 trường có ngành sư phạm, 13 trường chuyên đào tạo ngành sư phạm. Thực tế cho thấy hầu như các tỉnh, thành phố trong cả nước đều có trường đào tạo giáo viên (GV) từ bậc tiểu học đến bậc THCS. Những năm gần đây, các trường này không ngừng mở rộng, phát triển cả về quy mô, số lượng đến hình thức đào tạo, số sinh viên tốt nghiệp ra trường có nhu cầu làm việc trong ngành ngày một đông thêm. Thế nhưng, ở hầu hết các địa phương, các trường trung học bậc phổ thông đều đang trong tình trạng bão hòa, thậm chí dư thừa GV.

Mối liên hệ giữa các sở GD-ĐT với trường CĐ sư phạm của địa phương lâu nay chưa chặt chẽ, mới chỉ đơn thuần về chuyên môn. Vấn đề chỉ tiêu của trường do Sở Kế hoạch – Đầu tư và UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, Sở GD-ĐT gần như đứng ngoài cuộc. Chính việc “chặt khúc” trong quản lý (các trường CĐ do UBND TP quản lý) đã khiến cho việc phối hợp thiếu đồng bộ.

Việc kết nối giữa trường sư phạm và nơi có nhu cầu GV rất yếu nên sự lệch pha giữa đào tạo và sử dụng vẫn còn khoảng cách lớn.

Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trên thực tế, Bộ đang giao nhiệm vụ giảm chỉ tiêu ngành sư phạm. Ví dụ 2 trường DDH sư phạm lớn trên cả nước giảm 5% chỉ tiêu trong khi các trường khác giảm 10%. Nhưng thực tế hiện nay chưa có kết nối giữa nhu cầu của các trường phổ thông (nơi sử dụng GV) và các trường ĐH, CĐ (nơi đào tạo). “Quan trọng là tính ra bằng được số lượng GV cần cho tỉnh, cho vùng, cho cả nước. Khi đó sẽ làm lại hệ thống đào tạo GV trên cả nước. Phải có quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm và trường được đào tạo GV. Trường nào đào tạo không tốt nên mạnh dạn cắt giảm chỉ tiêu, giao việc khác. Đó mới là việc làm căn cơ”, ông Hồng nói.

Chỉ dạy theo nguyện vọng người học

Đại diện các trường có ngành sư phạm thừa nhận hiện nay đào tạo chủ yếu theo nguyện vọng của người học chứ không biết đến cụ thể nhu cầu nhân lực ngành học này ở các địa phương.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tây Nguyên chia sẻ: “Tôi biết nhu cầu tuyển dụng sự phạm hiện nay rất ít, đặc biệt các tỉnh Tây Nguyên càng khó khăn. Mỗi năm chỉ tuyển một vài vị trí cho ngành sư phạm nhưng số lượng nộp hồ sơ nhiều gấp vài ba chục lần. Đến thời điểm này, chúng tôi cũng không có thông tin nào về ngành học vào bậc đào tạo cụ thể nào đang thiếu GV”. Ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, nhận định: “Lâu nay, các trường sư phạm đào tạo theo khả năng của trường và nguyện vọng của người học, chứ không đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng thực tế. Đó chính là lý do khiến cung luôn vượt cầu, sinh viên tốt nghiệp ra trường dư thừa, thất nghiệp”.

Tương tự, thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cũng cho hay trường hầu như không có thông tin nào từ các sở GD-ĐT, ngoài TP.HCM, về nhu cầu nhân lực sư phạm, người chọn lựa theo học ngành này chỉ theo nhu cầu riêng của bản thân.

Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng nói: “Trường vẫn gửi danh sách sinh viên sắp tốt nghiệp về các tỉnh nhưng chỉ với mục đích giới thiệu, còn việc tuyển dụng bao nhiêu lại là chuyện của các sở. Trước đây những người theo học sư phạm sẽ được phân công nhiệm sở về địa phương, nhưng thực tế hiện nay nguyên tắc này không còn tồn tại”.

Ông Lâm Văn Quản, nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp – DDH sở GD-ĐT TP.HCM, hiện là Hiệu trưởng trường CĐ Kinh tế TP.HCM, cho biết các năm qua TP>HCM liên tục thiếu GV tiểu học, mầm non, vì vậy Sở vừa quyết định giao Trường ĐH Sài Gòn chủ trì đề án phát triển GV mầm non để đến năm 2016 không còn diễn ra tình trạng này. Vì thế, theo ông Quản, hiện nay chỉ tiêu khối ngành sư phạm vẫn do Bộ chi phối. Trong khi đó, các trường thành lập đều xuất phát từ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, thừa thiếu GV ra sao chỉ có địa phương nắm rõ nhất. “Vấn đề này cần phải điều chỉnh”, ông Quản nói.

Theo T.Nguyễn – H.Ánh – Đ.Nguyên – M.Quyên / Thanh niên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành sư phạm thừa hàng chục ngàn giáo viên do đào tạo không gắn với nhu cầu