12 doanh nghiệp ngành thép tiếp tục có kiến nghị lần 2 liên quan đến đề nghị áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc.
Lượng nhập khẩu tăng từ Trung Quốc vì cung nội địa không đủ cầu
Mới đây, 2 "ông lớn" ngành thép là Formosa và Hòa Phát nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, đe dọa sản xuất trong nước.
Ngược lại với 2 doanh nghiệp trên, 12 doanh nghiệp ngành thép tiếp tục có công văn phản đối điều này. So với công văn lần 1, số lượng doanh nghiệp tham gia phản đối khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC đã tăng thêm 3 doanh nghiệp.
Dẫn thông tin từ báo chí, công văn của 12 doanh nghiệp này cho biết có một số lý do được đưa ra để khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thứ nhất là lượng nhập khẩu HRC tăng mạnh, thứ hai là giá bán HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý 1/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý 4/2023 có dấu hiệu bán phá giá.
Thậm chí, Tập đoàn Hoà Phát còn nêu "một số hãng thép Trung Quốc đang chấp nhận bán lỗ, cạnh tranh không lành mạnh để tiêu thụ được sản phẩm tại Việt Nam".
Thông qua công văn này, tập thể 12 doanh nghiệp khẳng định rằng 3 lý do nêu trên là không có cơ sở pháp lý cũng như không phù hợp với diễn biến thực tế thị trường để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các doanh nghiệp phản biện rằng theo quy định của Luật Quản lý Ngoại Thương 2017 thì lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh không phải là điều kiện để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá.
Theo đó, biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi thỏa mãn đủ 3 điều kiện: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể; ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá ở điều kiện 1 với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước quy định ở điều kiện 2.
"Lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng là điều tất yếu vì cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu", công văn nêu.
Các doanh nghiệp dẫn số liệu từ Hải quan và Hiệp hội Thép Việt Nam năm 2022 và 2023 cho thấy, tổng nhu cầu HRC tại Việt Nam lần lượt là 11.525.018 tấn và 11.593.973 tấn, biến động không đáng kể.
Tuy nhiên, lượng HRC mà Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam tại thị trường nội địa trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 4.887.820 tấn và 3.402.704 tấn, giảm mạnh 1.485.116 tấn trong năm 2023.
Trong khi tổng nhu cầu HRC tại Việt Nam qua 2 năm 2022 và 2023 gần như không đổi, cung HRC nội địa giảm 1.485.116 tấn, thì lượng HRC nhập khẩu bắt buộc phải tăng tương ứng với lượng giảm của cung HRC nội địa để đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam.
Như vậy, mức tăng 1.554.071 tấn của HRC nhập khẩu trong năm 2023 là điều tất yếu để đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam.
Tiếp theo, lượng nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 3.948.383 tấn và 2.784.724 tấn, giảm 1.163.659 tấn. Do đó, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam bắt buộc phải tăng cường nhập khẩu HRC từ Trung Quốc để bù đắp. Hệ quả tất yếu là lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc năm 2023 đã tăng 2.717.730 tấn so với năm 2022.
"HRC từ Trung Quốc sản xuất có chất lượng tốt, giá bán hợp lý, nên lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc tăng nhiều hơn so với các quốc gia khác là phù hợp", các doanh nghiệp cho hay.
Giá bán giảm và bán phá giá là khái niệm khác nhau
Các doanh nghiệp cũng bác bỏ việc giá bán HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý 1/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý 4/2023 có dấu hiệu bán phá giá, bởi "giá bán giảm" và "bán phá giá" là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Theo đó, giá bán HRC trên thế giới chịu ảnh hưởng chính bởi chi phí sản xuất HRC của từng quốc gia và quan hệ cung cầu HRC tại từng thời điểm.
Chi phí nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí sản xuất HRC. Nguyên liệu chính để sản xuất HRC là quặng sắt và than cốc. Giá quặng sắt và than cốc biến động hàng ngày theo quan hệ cung cầu trên thị trường, chưa kể các chi phí khác. Do đó, chi phí sản xuất HRC của mỗi quốc gia sẽ khác nhau và vận động hoàn toàn khách quan theo cơ chế thị trường.
Thêm nữa, quan hệ cung cầu HRC trên thế giới cũng thay đổi hàng ngày. Việc tăng cung hoặc giảm cung, hoặc tăng cầu, hoặc giảm cầu HRC tại từng thời điểm đều sẽ làm tăng hoặc giảm giá bán HRC trên thế giới.
"Đây là vận động hoàn toàn khách quan theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường, dẫn đến giá HRC thế giới biến động hàng ngày. Diễn biến giá HRC của Trung Quốc hoàn toàn phù hợp với diễn biến giá bán HRC của thị trường thế giới", các doanh nghiệp nêu.
Như vậy, 12 doanh nghiệp này cho rằng giá bán HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/ tấn vào quý 1/2023 xuống còn 557 USD/ tấn trong quý 4/2023 là hoàn toàn phù hợp với xu hướng giảm giá HRC của thế giới.
Đối với khái niệm bán phá giá, nhóm doanh nghiệp cho rằng trong trường hợp biên phá giá lớn hơn 2%, hàng hóa nhập khẩu được xác định là có bán phá giá và ngược lại, biên phá giá nhỏ hơn hoặc bằng 2% thì không có hành vi bán phá giá.
"Trong điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, cơ quan điều tra sẽ tiến hành so sánh giá các doanh nghiệp Trung Quốc bán sản phẩm HRC tại thị trường Trung Quốc với giá các doanh nghiệp Trung Quốc bán sản phẩm HRC tại thị trường Việt Nam để tính toán biên phá giá. Do đó, lý do giá bán HRC của Trung Quốc giảm không phải là dấu hiệu bán phá giá", công văn nêu.
Các doanh nghiệp này cũng nhấn mạnh rằng Tập đoàn Hoà Phát nói một số doanh nghiệp Trung Quốc bán HRC vào Việt Nam dưới giá thành, chấp nhận bán lỗ để bán được hàng… là phỏng đoán, không có căn cứ chứng minh.
"Không thể có một doanh nghiệp Việt Nam nào có thể tiếp cận với hồ sơ kế toán của các doanh nghiệp Trung Quốc để biết chi phí sản xuất HRC của các doanh nghiệp Trung Quốc là bao nhiêu, bởi đây là các thông tin bảo mật của từng doanh nghiệp. Do đó, đây chỉ là phỏng đoán không có căn cứ để cố chứng minh Hòa Phát đang bị cạnh tranh không lành mạnh bởi HRC nhập khẩu từ Trung Quốc", công văn nêu.
Đại diện Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 19.3, Cục đã nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ của các doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước.
Sau khi xem xét hồ sơ yêu cầu điều tra của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, căn cứ quy định tại Điều 28 và Điều 30 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ Thương mại đã có thông báo đề nghị các doanh nghiệp nộp hồ sơ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hồ sơ để làm rõ các nội dung, thông tin có liên quan đến cáo buộc về hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước theo đúng quy định.