Ngành Thuế có “giam” tiền hoàn thuế GTGT của doanh nghiệp không? Đây là câu hỏi đang nóng trên nhiều diễn đàn trong thời gian gần đây.

Ngành thuế lên tiếng về việc 'giam' tiền hoàn thuế GTGT của doanh nghiệp

Tuyết Nhung | 09/08/2023, 16:31

Ngành Thuế có “giam” tiền hoàn thuế GTGT của doanh nghiệp không? Đây là câu hỏi đang nóng trên nhiều diễn đàn trong thời gian gần đây.

Tổng cục Thuế cho biết trong 7 tháng qua, cơ quan thuế đã ban hành 9.990 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn 71.825 tỉ đồng. Điều này đã góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) quay vòng nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều phương tiện truyền thông phản ánh ý kiến của các DN cho rằng ngành Thuế chậm trễ trong khâu giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) cho một số DN, trong đó có DN lĩnh vực gỗ, tinh bột sắn. Vậy thực tế công tác hoàn thuế có thực sự chậm trễ như dư luận phản ảnh hay không?

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) Lê Thị Duyên Hải cho biết trong nhiều năm qua, ngành Thuế đã tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế cho các DN theo nguyên tắc "người nộp thuế tự tính, tự khai và tự chịu trách nhiệm". Các hồ sơ đề nghị hoàn thuế do cơ quan thuế tiếp nhận được phân loại thành 2 trường hợp: "hoàn trước - kiểm sau" và "kiểm trước - hoàn sau" theo quy định của pháp luật quản lý thuế.

Trong cả hai trường hợp này đều có quy định về thời hạn hoàn thành, tính từ khi DN trình đầy đủ các hồ sơ theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp hoàn thuế trước thì quy định là 6 ngày làm việc, còn đối với kiểm tra trước hoàn thuế, quy định là 40 ngày tính từ thời điểm người nộp thuế nộp hồ sơ hoàn thuế đầy đủ, đúng quy định cho cơ quan thuế.

Như vậy, có thể thấy vai trò rất quan trọng của chính người nộp thuế trong quá trình hoàn thuế, đó là phải hoàn chỉnh hồ sơ và hồ sơ phải hợp lệ đáp ứng đúng yêu cầu quy định của pháp luật về đề nghị hoàn thuế trước khi gửi bằng phương thức điện tử cho cơ quan thuế thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật.

62b27321-dc57-46da-bd27-202f1b4292e9.jpeg

Để xác định hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước hay kiểm tra trước hoàn, bên cạnh các hồ sơ hoàn thuế lần đầu, hồ sơ đã bị xử phạt hành vi trốn thuế trong vòng 2 năm thuộc diện kiểm tra trước hoàn, các hồ sơ còn lại, ngành Thuế căn cứ trên các hồ sơ khai thuế của DN, các thông tin về tình trạng thành lập và hoạt động sản xuất kinh doanh, lịch sử tuân thủ pháp luật thuế và các thông tin trong cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) hóa đơn điện tử (HĐĐT) của ngành Thuế.

Với việc sử dụng cơ sở dữ liệu lớn HĐĐT, qua phân tích các hoạt động mua bán hàng hóa của DN, cơ quan thuế đánh giá được rất nhanh toàn bộ các hóa đơn mua bán hàng hóa của DN hoàn thuế và các DN có liên quan theo chuỗi, trên cơ sở đó xác định tính tuân thủ và tin cậy của người nộp thuế trong sử dụng hóa đơn và kê khai nộp thuế nhằm xác định DN đó có nằm trong diện rủi ro hay không, từ đó xác định hồ sơ của người nộp thuế là hoàn thuế trước hay kiểm tra trước hoàn thuế.

Tuy nhiên, thời gian qua, hồ sơ kiểm tra trước hoàn của một số DN đã bị kéo dài thời gian so với quy định là do trong quá trình phân tích dữ liệu chuỗi hóa đơn cập nhật thực tế tại hồ sơ của DN, cơ quan thuế phát hiện DN có mua hàng hóa đầu vào, khấu trừ và đề nghị hoàn thuế của các DN mà bán cho những DN hoàn thuế này nhưng các DN đó đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, không kê khai, không nộp thuế và có những DN đã tạm ngừng hoạt động.

"Có những DN đang nằm trong diện nghi án điều tra về hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, trong đó có những trường hợp do cơ quan công an thông báo với cơ quan thuế trong quá trình điều tra các vụ án kinh tế hoặc mua bán hóa đơn bất hợp pháp", Vụ trưởng Lê Thị Duyên Hải cho biết. 

Đối với các DN xuất khẩu dăm gỗ, Tổng cục Thuế có những văn bản chỉ đạo các cơ quan thuế khi tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, phải xác minh các nguồn gốc gỗ mua vào. Đây là một bước cần thiết để góp phần cùng DN và các đầu mối thu gom thực hiện đúng yêu cầu về công tác kê khai để thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước ngay từ khâu đầu vào.

Trước khi tiến hành các biện pháp xác minh, cơ quan thuế các cấp thực hiện phân tích rủi ro đối với các DN bán hàng cho DN xuất khẩu gỗ. Theo đó, trong việc xác định rõ nguồn gốc gỗ, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế phân tích, đánh giá hồ sơ theo từng lô hàng để phát hiện ra lô hàng có dấu hiệu bất thường, thực hiện kiểm tra, xác minh chọn mẫu.

Theo báo cáo từ ngành Thuế, sau khi xác minh hồ sơ đến đối tượng là các hộ trồng rừng, cơ quan thuế đã phát hiện có những hộ cá nhân có tên trong hồ sơ kê khai nhưng thực tế lại không được giao đất rừng, không bán gỗ cho các đầu mối thu gom hoặc DN thương mại.

Với những DN có các dấu hiệu rủi ro, ngành Thuế đã triển khai rà soát toàn bộ các hoạt động mua bán hàng hóa để đảm bảo mua bán hàng hóa có thật hay không thông qua việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm tránh những rủi ro thất thoát ngân sách Nhà nước.

Trước thực trạng trên, Vụ trưởng Lê Thị Duyên Hải cho biết Tổng cục Thuế đang rà soát để báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền các quy định tại Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, thuế suất và các điều kiện về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu; rà soát quy định về thủ tục hoàn thuế tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.

Song song đó, để kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho DN, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế tiếp tục tăng cường tổ chức đối thoại với Hiệp hội, DN có hồ sơ hoàn thuế GTGT tồn đọng kéo dài để làm rõ vướng mắc, chủ động xử lý, giải quyết các vướng mắc trong thẩm quyền. Trường hợp vướng mắc vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Tổng cục Thuế để được kịp thời hướng dẫn.

Cơ quan thuế địa phương căn cứ yêu cầu nhiệm vụ về hoàn thuế triển khai thành lập bộ phận hoặc tổ công tác tập trung tăng cường công tác xử lý đối với hồ sơ hoàn thuế, phân loại, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế.

Tăng cường công tác tuyên truyền về hồ sơ, thủ tục hoàn thuế để DN chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ; chủ động rà soát lại tính chính xác và hợp pháp đối với những hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã gửi cho cơ quan thuế, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận hồ sơ.

Tập trung triển khai công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn đối với quyết định hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn, trục lợi trong hoàn thuế nhằm chiếm đoạt ngân sách Nhà nước, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước, đặc biệt là các quốc gia có chung đường biên giới có hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam để tham vấn, xác minh về hoàn thuế GTGT để bảo đảm các quy định về đối tượng, điều kiện, hồ sơ, thủ tục hoàn thuế GTGT được thống nhất, chặt chẽ; giúp việc hoàn thuế GTGT được kịp thời, nhanh chóng; tránh tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi, gian lận trong hoàn thuế gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Bài liên quan
Philippines sẽ hoàn thuế cho khách du lịch nước ngoài
Hãng thông tấn Philippines Information Agency (PIA) ngày 29.1 đưa tin, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr vừa thông qua chương trình hoàn thuế giá trị gia tăng cho du khách nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
3 giờ trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành thuế lên tiếng về việc 'giam' tiền hoàn thuế GTGT của doanh nghiệp