Doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết nếu không được tiếp cận nguồn vắc xin cho người lao động sớm thì nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến chuỗi giá trị của ngành.

Ngành tôm lo đứt chuỗi giá trị nếu không được tiếp cận vắc xin sớm

Tuyết Nhung | 22/07/2021, 14:45

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết nếu không được tiếp cận nguồn vắc xin cho người lao động sớm thì nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến chuỗi giá trị của ngành.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa cho biết nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 1,7 tỉ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chính, trừ Trung Quốc đều tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên sang tháng 7, dự kiến tốc độ tăng trưởng sẽ giảm nhẹ do tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước diễn biến phức tạp và biến chủng Delta phát triển trên thế giới.

VASEP cho biết hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang là mối lo của tất cả các nhà máy chế biến, xuất khẩu ở ĐBSCL. Mặc dù đã chuẩn bị cho kịch bản ứng phó rất kỹ càng nhưng cũng không tránh khỏi hoang mang. Trong khi đó, từ khâu nuôi trồng đến chế biến và xuất khẩu đều đang phải gấp rút chạy cho kịp các đơn hàng.

"Doanh nghiệp chế biến tôm mong mỏi và trông chờ vào sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ để được sớm nhất tiếp cận nguồn vắc xin cho người lao động. Nếu chỉ cần một khâu bị đứt gãy thì thiệt hại sẽ kéo theo chuỗi giá trị từ doanh nghiệp - người nông dân - công nhân đều bị sụp đổ", VASEP lo ngại.

Vừa qua, VASEP đã gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ kiến nghị nghị đưa lao động ngành thủy sản vào đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Hiệp hội đăng ký mua 500.000 liều vắc xin, toàn bộ chi phí sẽ do doanh nghiệp và hiệp hội tự chi trả.

Thống kê của VASEP, toàn ngành thủy sản Việt Nam có hơn 4 triệu lao động trên toàn chuỗi, riêng khu vực chế biến là hàng trăm ngàn lao động, tập trung phần lớn tại ĐBSCL, miền Nam và Nam Trung bộ. Nhiều nhà máy sử dụng từ 500 - 3.000 lao động, một số nhà máy lớn sử dụng 5.000 - 10.000 người, mật độ lao động cao.

"Nhìn vào những bài học đáng tiếc đã từng xảy ra ở một số địa phương, khu công nghiệp, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản càng nâng cao cảnh giác. Vì khi một doanh nghiệp bị giãn cách, cách ly không sản xuất từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất, kinh doanh một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn", đại diện hiệp hội nhấn mạnh.

Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản và người lao động bị mất việc làm. Nếu rủi ro, theo hiệp hội, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỉ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế cũng như uy tín ngành hàng của Việt Nam. Hơn thế nữa, toàn bộ chuỗi từ nhà máy chế biến, người lao động làm việc tại nhà máy, người nuôi, ngư dân khai thác đều bị ngừng hoạt động liên hoàn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng
2 giờ trước Sự kiện
Sáng 18.4 (mùng 10 tháng 3 âm lịch), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các bộ ngành, cơ quan trung ương, các tỉnh thành, tỉnh Phú Thọ và nhân dân về dự Lễ dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng tại khu di tích Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành tôm lo đứt chuỗi giá trị nếu không được tiếp cận vắc xin sớm