Mọi quá trình trong trồng trọt, thu hoạch, chế biến và kể cả đóng gói đều phải thực hiện theo tiêu chuẩn khoa học cùng thông tin minh bạch sẽ giúp quảng bá thương hiệu Nông sản Việt Nam.

Nông sản Việt Nam cần biến nguy cơ thành thời cơ trong đại dịch COVID-19 bằng ứng dụng khoa học

Anh Tú | 22/07/2021, 05:52

Mọi quá trình trong trồng trọt, thu hoạch, chế biến và kể cả đóng gói đều phải thực hiện theo tiêu chuẩn khoa học cùng thông tin minh bạch sẽ giúp quảng bá thương hiệu Nông sản Việt Nam.

Việt Nam là đất nước trọng nông nghiệp. Ngành nông nghiệp không chỉ giúp an ninh lương thực quốc gia mà còn là trụ cột trong xuất khẩu. Trong những năm qua, Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân nước ta đều nỗ lực hết mình để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, đặc biệt trong xuất khẩu.

Các thế mạnh trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam là gạo, điều, cà phê, hồ tiêu, chè, sắn. Việt Nam cũng không còn hài lòng với việc đẩy mạnh xuất khẩu theo sản lượng mà hướng tới chất lượng để chiếm chỗ đứng trên thị trường. Gạo 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu với mức giá cao nhất trong các nước xuất khẩu gạo truyền thống: 483 USD/tấn, trong khi giá gạo 5% tấm của Thái Lan có giá 439 USD/tấn, giảm 2 USD/tấn; gạo Pakistan: 438 USD/tấn; gạo Ấn Độ: 388 USD/tấn)…

Cũng như gạo, các nông sản truyền thống khác của Việt Nam như cà phê (xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2021 đạt 720 nghìn tấn và 1,3 tỉ USD), hạt điều (xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021 đạt 216 nghìn tấn và 1,29 tỉ USD, tăng 18,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020) hay cao su (xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021 với 548 nghìn tấn và 923 triệu USD, tăng 58,7% về khối lượng và tăng 93,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020).

Bên cạnh phát huy thế mạnh các nông sản để giữ vững thị phần thì Việt Nam cần phải tìm cách xuất khẩu những mặt hàng mới để mở rộng thị trường. Khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam có rất nhiều loại rau củ quả có thể tạo ra sức bật trong xuất khẩu.

Trước đây, các loại rau củ quả chưa phát huy được thế mạnh vì do trình độ khoa học công nghệ trong việc xử lý chế biến không đáp ứng được chuẩn thế giới nên chủ yếu mặt hàng này phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng giờ, sự quan tâm và đầu tư cho khoa học trong chế biến đã mang lại sự thay đổi.

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khẳng định : “Nhờ đẩy mạnh chế biến, rau, quả xuất khẩu tăng mạnh tại các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… đạt 1,77 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước”.

1,77 tỉ USD từ xuất khẩu rau củ quả còn nhiều hơn cả cà phê hay hạt điều nhưng vẫn chưa phát huy tiềm năng của nền nông nghiệp nước ta. Trong các thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn chiếm nhiều nhất 63,2%. Nếu muốn thúc đẩy rau củ quả thì phải hướng sang thị trường khắt khe hơn mà đỉnh cao là Nhật, Singapore và Tây Âu.

Chúng ta đã nhìn thấy điều này và chinh phục người châu Âu ngay giữa đại dịch COVID-19 với thành công của trái vải. Trong bối cảnh Bắc Giang chịu tác động nặng nề của dịch COVID hồi tháng 5 và tháng 6, việc tiêu thụ vải trong nước gặp khó khăn thì vải Bắc Giang lại ghi điểm ở châu Âu.

Tính đến nay, vải thiều Bắc Giang có mặt ở trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và riêng nửa đầu năm nay đã xuất khẩu hơn 74 ngàn tấn với giá rất tốt. Tại những thị trường khó tính, vải được giá rất cao như 58.000 đồng/kg với vải xuất khẩu đi Nhật, 120.000 đồng/kg với vải tại siêu thị tại Singapore. Đặc biệt khi ra mắt tại châu Âu, vải thiều Việt Nam 'đánh bật' vải Trung Quốc, Thái Lan với giá gần 500.000 đồng/kg trong siêu thị Hà Lan. Mỗi năm, thị trường châu Âu nhập khẩu khoảng 20.000 đến 25.000 tấn vải thiều nên tiềm năng cho trái vải rất lớn.

Thành công của trái vải Việt Nam nằm ở chỗ nhờ chính sách kinh tế đối ngoại thành công của chính phủ giúp các doanh nghiệp tận dụng những ưu đãi từ các hiệp định. Nhưng bên cạnh đó là sự nỗ lực của địa phương, của người dân trong việc phá thế khó của dịch COVID-19.

Trong bối cảnh suốt 1 năm thế giới bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, việc xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm bị kiểm duyệt khắt khe hơn. Việc Việt Nam dùng tem truy xuất nguồn gốc dán lên trái vải giúp người tiêu dùng tại Tây Âu hay Nhật có thể ngay lập tức tiếp cận được thông tin sơ bộ về nhà xuất khẩu, quy trình chế biến hay các chứng nhận chất lượng của nhà xuất khẩu, cũng như toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói đều được hiển thị rõ ràng theo trình tự thời gian. Con tem nhỏ có giá trị to lớn trong việc thuyết phục người mua bỏ tiền. Và để có con tem này thì người nông dân và cả doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đều phải thay đổi tư duy, tiếp cận và ứng dụng với khoa học công nghệ của thế giới. Mọi quá trình trong trồng trọt, thu hoạch, chế biến và kể cả đóng gói đều phải thực hiện theo tiêu chuẩn khoa học cùng thông tin minh bạch sẽ giúp quảng bá thương hiệu nông sản Việt.

"Trong cái khó, ló cái khôn" mà người Việt thường nói áp dụng rất đúng với trường hợp trái vải Việt Nam. Và Việt Nam không chỉ có trái vải ở Bắc Giang mà mỗi địa phương còn những loại rau củ quả đặc trưng có thể mang lại giá trị xuất khẩu cao khác. Đây là thời điểm nông nghiệp Việt Nam cần ứng dụng khoa học công nghệ để phá thế khó trong đại dịch COVID-19 để nâng cao vị thế, đẩy mạnh xuất khẩu.

Và kể cả khi đại dịch COVID-19 kết thúc, nông sản Việt vẫn cần tinh thần vượt khó, quán triệt tư duy khoa học để chinh phục và chiếm lĩnh các thị trường trên thế giới.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông sản Việt Nam cần biến nguy cơ thành thời cơ trong đại dịch COVID-19 bằng ứng dụng khoa học