Ngày nước thế giới 22.3 năm nay được Liên Hợp Quốc phát động ̣với chủ đề “Accelerating Change” - Thúc đẩy sự thay đổi.
Chủ đề này nhấn mạnh vai trò của nước là nền tảng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống và là cốt lõi của sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia; đồng thời hướng đến giải quyết cuộc khủng hoảng về nước và vệ sinh môi trường trên toàn cầu.
Qua đó, LHQ kêu gọi cộng đồng cùng thực hiện các chương trình hành động bảo vệ tài nguyên nước để tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hằng ngày.
Trong Báo cáo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam của UNICEF (năm 2022) có đề cập tới các mục tiêu liên quan đến nước sạch. Cụ thể là mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đạt được sự tiếp cận phổ cập, công bằng với nguồn nước uống an toàn và trong khả năng chi trả cho tất cả mọi người.
Đến năm 2030, đạt được sự tiếp cận với điều kiện vệ sinh đầy đủ và công bằng cho tất cả mọi người, xóa bỏ việc phóng uế bừa bãi, đặc biệt quan tâm tới nhu cầu của phụ nữ, trẻ em gái và những người trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương.
Theo đó, báo cáo của UNICEF cho thấy việc sử dụng các nguồn nước và công trình vệ sinh được cải thiện đã tăng lên đáng kể trong những năm qua. Đến năm 2020, khoảng 98% dân số sử dụng các nguồn nước được cải thiện và 92% sử dụng các công trình vệ sinh được cải thiện.
Đầu năm 2023, Chương trình giám sát chung của WHO và UNICEF công bố báo cáo cho từng quốc gia về 2 chỉ tiêu phát triển bền vững. Đối với Việt Nam, số liệu của Điều tra phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020 - 2021 được sử dụng để tính toán. Theo đó, 57,9% người dân Việt Nam sử dụng nước uống được quản lý an toàn; 43,9% người dân sử dụng công trình vệ sinh được quản lý an toàn.
Để đẩy nhanh tiến độ đạt được mục tiêu phát triển bền vững nguồn nước sạch và vệ sinh, báo cáo của UNICEF nhấn mạnh tới việc cần thúc đẩy tiếp cận và sử dụng bền vững hệ thống cấp nước, vệ sinh được cải thiện ở các xã, trường học và trung tâm y tế.
Cần thiết lập quan hệ đối tác công - tư đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nước và vệ sinh an toàn để cải thiện tính sẵn có, cũng như khả năng chi trả của các thiết bị lọc nước gia đình, công cụ rửa tay và xây dựng nhà tiêu…
Hưởng ứng chuỗi sự kiện Ngày nước thế giới năm 2023 và căn cứ điều kiện tình hình thực tế hiện nay, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã đề nghị các bộ ban ngành, đoàn thể trung ương, UBND các tỉnh thành quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chủ đề.
Trong đó, cần đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư, khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước. Thúc đẩy và thu hút các dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống dân sinh.
Tăng cường nâng cao nhận thức và hành động thiết thực của cộng đồng trong xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm, dự báo tác động góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng cường các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước, sinh kế người dân, quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên…