Máy hát dĩa xuất hiện tại Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, giúp một số người có điều kiện có thể nghe nhạc hay nghe hát cải lương tại nhà mà không nhất thiết phải đi đến rạp.

Nghề sang băng thời thịnh vượng​

bai cao | 21/06/2019, 19:17

Máy hát dĩa xuất hiện tại Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, giúp một số người có điều kiện có thể nghe nhạc hay nghe hát cải lương tại nhà mà không nhất thiết phải đi đến rạp.

Mấy chục năm sau, từ khoảng thập niên 1960, miền Nam đón nhận một loại máy phát nhạc dùng băng cartridge (lớn hơn băng cassette một chút), nhưng không rõ lý do gì mà không được dùng nhiều. Sau đó, loại máy hát sử dụng băng magnetic (lúc đó chỉ gọi đơn giản là băng nhạc, phân biệt với dĩa nhạc và băng cassette, nay gọi là băng cối) được ưa chuộng, chiếm lĩnh thị trường máy nghe nhạc. Loại máy này còn gọi là đầu máy Akai vì hầu hết người chơi dùng máy hiệu Akai của Nhật.

Ngồi với nhau cùng ôn lại chuyện nghe nhạc thời trước năm 1975, anh Hữu Thạnh, một nhạc sĩ từng chơi nhạc ở phòng trà Văn Cảnh xác định thời đó người Sài Gòn vẫn thích nghe máy hát dĩa, nhất là giới chơi nhạc chuyên nghiệp (lúc đó gọi là máy dĩa, không dùng từ “đĩa” như bây giờ) nhưng máy nghe băng nhạc “cối” đã thu hết hồn vía người mê nhạc.

Lúc đó, tivi là mơ ước của mọi gia đình để có thể coi cải lương, xem ca nhạc. Nhưng chương trình truyền hình chỉ có vài giờ buổi tối trong khi máy Akai có thể nghe được bất cứ lúc nào, âm thanh qua ampli và loa hay như trong phòng trà.

Ngày chủ nhật, ngày Tết, mở máy nghe Duy Khánh, Thanh Thúy hát thì cả xóm mê chứ không chỉ một nhà. Đã vậy, các cửa hàng P.X của Mỹ đưa ra thị trường Sài Gòn nhiều loại máy, ampli, loa tha hồ chọn lựa nên ai nấy cố tậu cho mình một dàn máy.

Nghe Akai lại tiện là không nhất thiết chỉ nghe băng gốc tốn kém và có gì nghe nấy, vì lúc đó, tức từ cuối thập niên 1960, ở Sài Gòn và một số đô thị miền Nam đã nở rộ dịch vụ sang băng nhạc cho khách yêu nhạc có sẵn máy nghe nhạc ở nhà. Đó là câu chuyện bài viết này muốn đề cập.

Sản xuất băng nhạc nội địa

Nắm bắt được nhu cầu nghe nhạc trong nước, một số trung tâm ở Sài Gòn bắt tay vào sản xuất băng nhạc. Theo ký giả An Phong trên tạp chíThời Nayxuân Canh Tuất 1970, cuối thập niên 1960 ở Sài Gòn có bốn trung tâm lớn có đại lý trên toàn miền Nam, dẫn đầu là trung tâm Jo Marcel được cho là có thể so với các trung tâm ở nước ngoài (?).

Trung tâm này đi tiên phong trong việc sản xuất băng nhạc bán cho khách. Ông Jo Marcel có ưu thế so với các chủ phòng thu khác vì có phòng trà Jo Marcel ở đường Hai Bà Trưng (gần đường Thái Lập Thành), nên băng nhạc sống do cơ sở này sản xuất có giá trị riêng về tính độc đáo. Ông có studio gắn máy lạnh ở lầu hai thương xá Tam Đa. Đến đầu năm 1970, số băng gốc mà Jo Marcel phát hành là 14 cuốn, mỗi đợt băng gốc sản xuất ra khoảng 2.000 băng. Tính trung bình mỗi ngày gian hàng bán băng của ông tiêu thụ được 50 cuốn băng, giá mỗi cuốn là 2.000 đồng.

Ngoài trung tâm Jo Marcel, trung tâm Mây Hồng của nhạc sĩ Y Vân cũng là cơ sở sản xuất và phát hành băng nhạc khá lớn, gây được nhiều tiếng tăm nhờ hệ thống âm thanh ba chiều chuyển động. Nghe băng Mây Hồng, có cảm tưởng giọng hát ca sĩ di động từ loa này sang loa khác, có hồn hơn. Kế đến là Trung tâm ghi âm tân cổ nhạc Hùng Cường do nghệ sĩ Hùng Cường làm giám đốc và cơ sở thu băng Tú Quỳnh do nhạc sĩ kiêm giáo sư triết Phạm Mạnh Cương làm chủ. Điểm chung các trung tâm này đều có những người đầu tư là các nghệ sĩ.

Bùng nổ tiệm sang băng

Người nghe nhạc cần có thu nhập ổn định mới sắm được dàn máy phát và thu băng về nghe. Máy dùng nghe nhạc trong nhà phổ biến, như đã nói ở trên, là máy Akai và máy Teac 4200, cùng dàn ampli và loa Sansui (Nhật). Ngoài ra, còn có các hiệu khác, máy phát như Dokorder, Sony, Panasonic... Ampli có Marantz, Kenwood, Pioneer... Loa có Sonics, Coral, Pioneer...

Đầu thập niên 1970 là thời hoàng kim của nghề sang băng nhạc. Theo bài báo của An Phong, từ đầu năm 1969 các tiệm sang băng ở Sài Gòn mọc lên như nấm, y như trước đó có phong trào mở quán cà phê thời trang. Các tờ nhật báo và tuần báo hầu như đều có các trang quảng cáo về tiệm thu băng. Ở thương xá Tam Đa đường Công Lý có ít nhất 6 cơ sở thu băng và sản xuất băng nhạc khá lớn.

Thương xá Tax cũng có vài tiệm, chưa kể khoảng chục kiosque thu băng mọc rải rác dọc đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Tại đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ, đoạn quận 3) có tiệm Gia Long Record’s, đường Yên Đỗ (Lý Chính Thắng) có Sơn Hải Thu Băng, khu Đa Kao có Trung tâm thu băng TK, đường Nguyễn Thiện Thuật tuy ngắn nhưng có ba tiệm bậc trung là Da La, Hoa Xuân và Thời Trang. Kể cả các kiosque bán hoa trên đường Nguyễn Huệ cũng nhận thu sang băng, như kiosque Bạch Lan 5... và hàng trăm tiệm thu băng ở các con đường khác nhau.

Anh Thạnh cho biết ưu thế luôn ở các tiệm lớn vì họ dùng máy sang băng mới, đầu từ tốt. Khi đầu từ mòn dần, chất lượng kém đi thì họ bán cho các tiệm nhỏ hơn. Đó là lý do các tiệm lớn có chất lượng sang băng cao hơn và thu hút khách sành điệu hơn.

"Từ đầu năm 1969 các tiệm sang băng ở Sài Gòn mọc lên như nấm, y như trước đó có phong trào mở quán cà phê thời trang. Các tờ nhật báo và tuần báo hầu như đều có các trang quảng cáo về tiệm thu băng."

Trong các tiệm sang băng, chủ tiệm bày nhiều băng mẫu trong các tủ kính và có một chồng album ghi tên các bản nhạc cho khách lựa chọn. Tiệm nào cũng có những loại nhạc như sau: nhạc thời trang, nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc ngoại quốc và đặc biệt là “nhạc sống” (thu ở phòng trà, vũ trường). Vài tiệm lấn lướt hơn các tiệm khác, thu cả kinh Phật (kinh cầu an, kinh sám hối), và đầy đủ các bộ môn ca Bắc, hát cô đầu, ca Huế, chèo cổ, ngâm Kiều, hát chầu văn và cả các bài học Anh, Pháp, Đức, Nhật với sách dạy kèm theo. Không có tiệm thu băng nào bỏ qua tuồng cải lương và tân cổ giao duyên.

Anh Thạnh nhớ lúc đó, giới chơi khiêu vũ khá đông, nhạc khiêu vũ tiệm tự chọn, thu từng bài để hình thành những băng riêng cho khách chọn lựa. Những dĩa nhạc ngoại quốc quá ăn khách nhưng không đủ dĩa nhập về để bán thì sẽ được sang băng, như ban nhạc Santana ở Mỹ xuất hiện tại đại hội nhạc trẻ Woodstock 1969 do tay guitar lão luyện Carlos Santana cùng các thành viên khác là Gus Rodriguez (bass guitar), Rod Harper (trống) biểu diễn. Sinh viên học sinh thích nghe nhạc phản chiến, nhất là từ 1972 với nhạc Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đức Quang, và một số khác thích nhạc Phạm Duy và ban nhạc Phượng Hoàng, ban nhạc trẻ lừng lẫy do hai nhạc sĩ Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang thành lập với phong cách Việt hóa pop rock.

Số đông người nghe nhạc thích nghe nhạc Phạm Mạnh Cương với đa số là tình ca. Giới trung niên thích nhạc Đỗ Lễ, nhờ có chương trình riêng trên tivi nên mức độ phổ biến cao. Nhạc Lam Phương với phong cách sáng tác trữ tình và đa dạng rất thu hút số đông người nghe, một phần cũng nhờ phổ biến trên chương trình kịch mang tên vợ ông - Túy Hồng. Và có một tỷ lệ nhỏ thính giả thích nhạc cổ điển như của các nhà soạn nhạc Tchaikovski, Mozart. Khi nhạc “sến”, nhạc lính lên ngôi, tỷ lệ băng bán ra nhiều hơn trước.

Đến đầu thập niên 1970, máy và băng cassette xuất hiện với băng nhỏ gọn. Tuy vậy, nhiều người vẫn chuộng nghe băng cối và dĩa nhạc. Muốn máy và băng cassette được chú ý hơn, người ta đã tặng cho khách đến xem phim một cuốn băng cassette khi chiếu bộ phim Love Story ở Sài Gòn.

Sang băng - nghề kiếm cơm ngon

Theo ký giả An Phong, phần lớn các tiệm do các bà các cô trông coi. Trước đó, khi tiệm sang băng mới ra, có hiện tượng khách hàng chạy theo tiệm sang băng. Khách đến sang băng chỉ có quyền lựa chọn một mặt băng thu sẵn. Chủ tiệm cho là như vậy đỡ mất công và đỡ tốn thời giờ, cứ để sẵn một chồng băng theo thứ tự và khách chọn rồi bấm nút. Chủ tiệm cho biết mỗi tháng thu chục cuốn là dư sở hụi.

Đến thời điểm đó, công thu một cuộn băng 1.800 ft, tốc độ 7 ½ chừng 300 đồng (thu mono 3 ¾ giá 600 đồng), công thu bài học Anh văn bộEnglish for todaytùy theo cuốn, cuốn 1 và cuốn 2 giá 300 đồng, cuốn 3 giá 400 đồng. Một bản tân nhạc giá 15 đồng. Nhạc ngoại quốc 25 đồng. Nhạc tiền chiến mắc nhất 30 đồng. Vì kiếm tiền dễ lại nhàn hạ nên tiệm thu băng mở ra rất nhiều ở Sài Gòn. Chỉ trong năm 1969 đọc trên mặt báo thấy xuất hiện tới 20 tiệm thu băng mới. Sang năm 1970, một chuyên viên trong lĩnh vực này ở đường Gia Long đánh giá có khoảng 100 tiệm mở ra.

Anh Thạnh cho biết sau đó, các tiệm có thu băng cho khách nhưng giá gấp đôi khi thu từng bài mà khách chọn sẵn.

Muốn có tiệm thu băng, phải có tiền mua máy móc. Các tiệm ở Sài Gòn thời đó đều dùng hai loại máy Akai và Teac. Nếu băng nhạc của khách muốn thu nhiều tiếng trầm thì dùng Teac vì Akai thâu tiếng bổng rất khá nhưng thu tiếng trầm thì thua Teac một bậc. Phải có ít nhất 8 máy thu.

Về băng, nên dùng băng Scotch. Sau khi có trong tay băng mẫu từ các trung tâm lớn, các quán làm băng “tài liệu” cho tiệm mình bằng cách đi một vòng các tiệm sang băng xem khách hàng đa số thích loại gì mới đầu tư xào nấu các băng mẫu, cắt đầu cắt đuôi, lọc bài dở, thêm bài hay.

Băng “tài liệu” phải hay thì băng sang cho khách mới hay được. Rồi còn phải lo mua dĩa nhạc gốc, trung bình mỗi tiệm phải có khoảng một ngàn bản nhạc dĩa, 100 tuồng cải lương và đầy đủ các bài học Anh, Pháp, Đức, Nhật. Dĩa xài mau hỏng nên khi thu phải xài băng.

Muốn chắc ăn, dĩa nhạc ngoại quốc mua về sang hết qua băng rồi bán lại để lấy lại vốn. Vốn để mua máy, băng, dĩa mẫu và quảng cáo từ khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu đồng trang bị cho một tiệm cỡ trung. Các trung tâm lớn có thể lên tới 5 triệu đồng.

Băng mẫu của từng tiệm tùy theo gout khách hàng, có băng mẫu thời trang được các sến nương ưa thích thì giới trẻ có học chê. Băng nhạc thời trang, tân cổ giao duyên, vọng cổ thì giới bình dân ưa thích. Bài báo của An Phong phân loại người nghe nhạc, bổ sung ý kiến cho anh Hữu Thạnh nói trên, là giới trẻ thích nhạc sống, vũ trường và nhạc Khánh Ly, Lệ Thu ca. Lớn tuổi thì thích nhạc tiền chiến, Thái Thanh hay Kim Tước ca. Giới học thức cao thích nghe nhạc ngoại quốc.

Những tiệm ở trung tâm Sài Gòn được giới trẻ lui tới nhiều hơn người lớn tuổi và ngược lại ở tiệm xa trung tâm thành phố. Khách nào không xài máy stereo, băng của họ dễ thu không đòi hỏi nhiều về chất lượng âm thanh. Giới trẻ xuề xòa, dễ bỏ qua lỗi kỹ thuật hơn giới lớn tuổi thì ca khúc nào phải đúng ca sĩ đó hát mới chấp nhận.

Giới thu băng thời đó đánh giá cao sự lợi hại của việc quảng cáo tiệm thu. Khách ở tỉnh về Sài Gòn thường dựa vào quảng cáo trên báo để tìm chỗ thu băng. Tất nhiên là quảng cáo phải đi với kỹ thuật thu tốt thì khách mới quay lại lần sau.

Không lâu trước năm 1975 và sau đó, máy và băng cassette đã được dùng nhiều hơn. Một anh bạn kể là khoảng từ năm 1984 đến 1988, dân Sài Gòn thường ghé studio của ca nhạc sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh tại chung cư Phạm Thế Hiển, quận 8, để chiêm ngưỡng thần tượng một thời của mình và nhờ thu băng cassette, nhằm thỏa mãn nhu cầu nghe nhạc trữ tình của dân Sài Gòn cũ, trong số đó có không ít khách hàng từ miền ngoài vào.

Sau đó, thu nhập của các cửa hàng thu băng đến từ việc sang băng cassette ngoại ngữ, đặc biệt là bộStreamline Englishcủa nhà xuất bản Oxford (được xem là “thánh kinh” của người dạy và học Anh ngữ giai đoạn này). Giai đoạn đầu thập niên 1990, các tiệm thu băng vidéo phát triển, cách tổ chức cũng na ná như các tiệm sang băng nhạc “cối” ngày xưa.

Đến đầu thập niên 2000, giới chơi âm thanh phục hồi thú chơi dĩa nhạc và băng cối. Cho đến tận bây giờ, một số người nghe nhạc sành điệu vẫn thích nghe loại băng này, không phải chỉ vì chạy theo xu hướng hoài cổ mà vì chất lượng âm thanh của loại nhạc phát ra từ loại máy và băng này vẫn đạt mức cao và có sắc thái riêng.

Phạm Công Luận, Người Đô Thi.Ảnh:TL

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghề sang băng thời thịnh vượng​