Gần mười năm qua, Tết với nghệ sĩ Kim Cương không có gì đặc biệt ngoài một công việc duy nhất khiến bà an nhiên là được lên mộ mẹ thắp nhang, tâm sự và mừng tuổi “tri kỉ” của mình.
Ngày dài nhớ mẹ
NSND Kim Cương từng một thời được mệnh danh là kì nữ của làng sân khấu với những vở diễn để đời như Lá sầu riêng, Phụng Nghi đình, Dưới hai màu áo... hiện đang là Thường vụ của bệnh nhân nghèo và phó chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi. Nhân dịp Tết về, bà ngồi nhớ lại cái sự truân chuyên trong cuộc đời mình mà tuôn trào cảm xúc...
Tết là ngày truyền thống của cả nước, là thời gian sum họp gia đình, nhưng đối với bà ngoài chuyện ngày Tết ở nhà cùng con cháu thì bà vẫn còn nhớ mẹ mình - nghệ sĩ Bảy Nam (thời Phùng Há), bà bảo: “Nhớ lắm!”.
Bao nhiêu năm đứng trên sân khấu, bà không biết đến Tết, cũng chẳng quen ăn Tết, cứ 8 giờ sáng xách áo vào sân khấu ngồi diễn 3 suất đến 12 giờ khuya. Cái nếp ấy mấy chục năm qua đã không còn xa lạ với bà, có xa lạ chăng chỉ là những sự nhộn nhịp ở ngoài kia.
Tết với bà có chăng chỉ là những bữa cơm vội vàng được bốc số theo thứ tự mà bà bảo đó là những bữa cơm... "tù" nhiều niềm vui. Còn lại, Tết không có gì đặc biệt. Từ ngày mẹ mất đến nay, Tết với bà chỉ duy nhất một chuyện: Mùng một lên mộ thắp nhang, tâm sự và mừng tuổi mẹ rồi về là xong cái Tết.
Gần mười năm kể từ ngày mẹ mất, bà vẫn luôn chao dao khổ sở như ngày đầu tiên. Bởi mẹ đối với bà vừa là một người mẹ, vừa là một người thầy, vừa là người bạn diễn suốt mấy chục năm qua. Mẹ cũng là người tri kỉ của bà với bao chuyện vui buồn san sẻ.
Thế nên khi mẹ mất, bà hụt hẫng vô cùng. Bà như chìm trong tuyệt vọng nhớ thương. Cũng hiểu sự vô thường của cuộc sống rồi đấy nhưng bà chẳng thể giữ cho lòng mình thôi không nhớ mẹ. Sáng nay, bà lại ngồi khóc như một đứa trẻ vì nỗi trống vắng ấy theo bà suốt mười năm qua...
Buổi chiều cuối năm như dài thêm khi bà ngồi kể lại những thăng trầm đã đi qua cuộc đời mình khiến người đối diện chạnh lòng thương...
|
NSND Kim Cương thời còn trẻ với "Lá sầu riêng". |
Từ “cậu bé” đến “kì nữ” Kim Cương
“Cậu bé” Kim Cương sinh ra và lớn lên trong một gia đình bốn đời theo sân khấu. Thời ông cố, ông nội là chủ những đoàn hát lớn ở Sài Gòn. Đến thời cha mẹ chuyển sang cải lương và khi bà nối nghiệp thì chuyển sang kịch nói và điện ảnh.
Vừa lọt lòng mẹ được chín ngày, bà chính thức lên sân khấu với vở diễn Quan Âm Thị Kính. Lúc này gánh hát của cha bà được mời vào An Định Cung (Sài Gòn) để diễn trong buổi tiệc sinh nhật bà Từ Cung (mẹ ông Bảo Đại). Vì vở diễn Quan Âm Thị Kính có cảnh Thị Mầu ẵm con vào chùa nên bà mới được mẹ ẵm lên sân khấu... để diễn.
Bà đùa rằng: “Người ta ra sân khấu đầu tiên với y trang lộng lẫy, đạo cụ hoành tráng, còn bà ra sân khấu đầu tiên là một chiếc khăn lông, đạo cụ chỉ là một bình sữa”. Thế mà, bà yêu nó đến tận bây giờ. Có lẽ cái máu diễn nó ngấm sâu trong máu thịt bà khi còn đang trong bụng mẹ.
Bà lớn lên trong đoàn hát, cho đến khi biết nói là đã biết diễn. Vì quen với sân khấu từ thời nằm nôi nên bà không còn sợ sệt hay nhút nhát. Suốt quãng thời thơ ấu bà đã sống một cách bay bổng, giang hồ theo kiểu rày đây mai đó và nổi tiếng với vở Na Tra lóc thịt cùng những vai có võ. Ngày nhỏ bà thường mặc đồ con trai, nên đi từ bắc vào nam, bất cứ ở đâu người ta cũng bảo phải có “cậu bé” Kim Cương người ta mới coi.
Năm 7 tuổi, cha của bà mất, giặc giã tới nên gia đình quyết định di tản. Loạn lạc một thời gian thì Má Năm của bà là nghệ sĩ Năm Phỉ mới tìm cách đưa đoàn hát về lại Sài Gòn. Trong một lần họp mặt gia đình để củng cố lại đoàn hát thì mẹ bà là nghệ sĩ Bảy Nam quyết định không cho Kim Cương theo nghề hát. Và để tránh những ảnh hưởng của nghề này, người mẹ đã gửi bà vào trường nội trú. Từ một đứa bé sống tự do, bay bổng, được nghe hát sướng... bà phải vào một nơi có kỉ cương nghiêm nghị nên tính cách cũng thay đổi, bà nghịch phá nhưng đầy khổ sở vì cả một thời gian dài “bị nhốt”trong trường nội trú.
Rồi sự học của bà cũng thăng trầm theo sự “lên xuống” của đoàn hát. Mẹ thì muốn bà học một trường nề nếp, có danh tiếng nên một thời gian bà được vào học ở trường Pháp (một trường của tầng lớp “quý tộc”) nhưng rồi sau đó, vì gánh hát ế hát, mẹ bà không có tiền nên bà đã được chuyển từ trường đẳng cấp xuống.. trung cấp, và sau cùng là vào trường mồ côi (Cha Tam - Sài Gòn). Cho đến khi tròn 15 tuổi, bà mới bắt đầu ổn định tinh thần và chấp nhận cuộc sống hiện tại của mình – đó là cuộc sống của một nữ sinh nội trú.
16 tuổi,một lần nữa Kim Cương trở lại sân khấu theo sự sắp xếp của gia đình. Dự định chỉ về nhà đi hát một thời gian rồi quay lại trường học, nhưng không biết rủi hay may cho bà mà khi trở lại sân khấu, sự nổi tiếng cũng đi theo bà từ đó. Trở lại sân khấu lần này Kim Cương đã đảm đương nhiều vai trò như vừa làm diễn viên, vừa viết kịch bản, vừa làm đạo diễn lại còn nhận một trọng trách lớn lao là làm trưởng đoàn. Thế nên người ta gọi bà là “kì nữ”. Dính tên “kì nữ”, từ đó, dù không muốn bà cũng phải cố gắng để gánh vác gánh hát của Má Năm.
Vì bà nghĩ trách nhiệm của người nghệ sĩ không phải mua vui, bán buồn cho thiên hạ, mà còn phải có trách nhiệm đối với xã hội, đối với cuộc sống. Thế nên bà cho ra đời đoàn kịch Kim Cương. Đây là một trong những đoàn kịch đầu tiên của Sài Gòn.
Với bà: “Một người làm văn hóa mà dở là chết một thế hệ” nên bà hiểu được không có gì dễ dàng đi vào lòng người bằng văn nghệ mà nhất là trình diễn sân khấu. Diễn một vở kịch như Lá sầu riêng, bà cũng khiến khán giả cảm thấy yêu mẹ mình, hay diễn Bông hồng cài áo, bà cũng được khán giả nắm tay và nói rằng nhờ bà mà họ yêu mẹ nhiều hơn...
|
Kim Cương làm chương trình về Mẹ. |
Lúc này, đoàn kịch ra đời nhưng lại không có người biên kịch, nên bà kiêm luôn công việc này. Với bà, một người sáng tác được những tác phẩm cũng giống như cha mẹ sinh được những đứa con, chỉ có thể là thương nhiều hoặc thương ít nhưng phải dành tình thương cho nó.
Hai vở diễn để đời của bà là Lá sầu riêng và Dưới hai màu áo. Bà được phong là “Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam” do Trung tâm Kỷ lục sách Việt Nam xác nhận. Ban đầu bà viết và sợ bị “dở” nên lấy ẩn danh là Hoàng Dũng, sau đó được nhiều người yêu thích mới lấy luôn tên mình là Kim Cương.
Bà nói: “Bà ngoại (tức mẹ bà) cũng nghèo như những nghệ sĩ khác lúc bấy giờ, nên không để lại gì, ngoài những kỉ niệm quý giá với Lá sầu riêng và Dưới hai màu áo”. Ở Lá sầu riêng bà hạnh phúc vì được sống trong lòng khán giả đến giờ này. Động cơ để người ta nhớ nhiều về bà có lẽ là vì chạm đến tình mẹ con. Và đó cũng là lí do vì sao bà viết nhiều về mẹ và hầu như tác phẩm nào cũng thành công. Với bà, trên thế gian này không có tình nào đẹp và thiêng liêng như tình mẹ. Tình nào rồi cũng chóng phai, đổi trao, duy chỉ có tình mẹ là một cái tình cho đi mà không bao giờ nghĩ phải đòi lại...
“Dứt áo” huy hoàng, tìm đến thiện nguyện
Dấn thân vào nghiệp diễn sau hơn bốn mươi năm, lăn lộn với sân khấu, bà hưởng đủ điều: vinh quang, hạnh phúc, đau thương, vật vã. Cũng từ đó, bà mới hiểu vì sao gia đình không muốn bà phải nối nghiệp cầm ca.
Bà bảo danh vọng của một người nghệ sĩ lớn lắm, nó được đánh đổi bằng một giá rất đắt. Và bao nhiêu “bầm dập” của cuộc đời những người nghệ sĩ như bà phải gánh chịu hết. Đã mang danh một người nghệ sĩ là sống hơn một nửa cuộc đời cho người khác và phải chịu không biết bao nhiêu dư luận. “Có những lúc người ta cho những điều đẹp đẽ mà những người như tui không đáng được hưởng, nhưng rồi những khi họ đặt điều oan ức, tụi tui cũng không đáng bị như vậy...” – bà cay đắng.
Trời phú cho người nghệ sĩ có một trái tim nhạy cảm, họ dễ vui, dễ buồn, dễ xúc động để làm nên những điều mà không phải ai cũng làm được. Hơn bốn mươi năm qua, những vui buồn, những kỉ niệm gắn với sân khấu không khiến bà nguôi ngoai. Nghệ sĩ Kim Cương nhớ như in những câu chuyện trên sân khấu do bất ngờ mà khiến khán giả cười ngã nghiêng... Nhưng cũng không làm sao quên được những tháng ngày mặn đắng nước mắt.
Đối với một người nghệ sĩ, chuyện buồn vui là không thể kể hết, nhưng ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc đời bà khi chứng kiến một câu chuyện bạc bẽo. Đó cũng là lúc bà bắt đầu cảm thấy sửng sốt với vô thường và cảm nhận rõ mồn một cái chữ “bạc” của cuộc đời.
Bà kể đó là cái ngày cha mất. Cũng lâu lắm rồi bà không còn muốn nhớ đến câu chuyện này. Khi đó bà chỉ mới lên 7 tuổi, đoàn hát của bà đang hát ở Phan Thiết, khán giả coi chật rạp, ông chủ thu được rất nhiều tiền nên mừng rỡ, săn đón, mời mọc cha bà ở lại. Thấy vậy, bà cũng “lên oai” lắm vì được mọi người chiều chuộng.
Rồi một tháng sau, đoàn lại vào Phan Thiết hát lần nữa, lúc đó cha bà lâm bệnh nặng. Mẹ bà lo lắng vì ở Phan Thiết không đủ thuốc, mới “gồng gánh” một chiếc xe bò để mong tìm được một người bác sĩ giỏi chữa trị cho ba bà. Thời điểm này giặc giã khó khăn, lại tứ cố vô thân không biết đâu mà lần, mẹ bà sực nhớ ra và trở lại rạp hát mà cách đây một tháng gia đình bà còn huy hoàng ở đó. Ông gác gian cho cha bà một cái giường đặt ở góc nhỏ bên cạnh sân khấu để nằm. Nhưng rồi chủ rạp hay được giận dữ không cho nằm, vì sợ rằng cha bà sẽ chết trong rạp hát thì mất hên nên đành đoạn đuổi đi không một chút tiếc thương.
Và câu nói của ông chủ rạp hát khiến bà uất nghẹn mãi: “Làm thế nào cũng phải ra khỏi đây, có chết thì chết ngoài đường chứ không được chết trong rạp của tui”. Bà nhớ hoài hình ảnh mẹ bà quỳ dưới chân ông chủ rạp lạy và xin cho chồng mình được chết trong một mái nhà hơn là lạnh lẽo ở ngoài kia. Vì gia đình bà đã mang đến cho ông biết bao bạc tiền từ khán giả nên mẹ bà mới dám nhờ cậy, nhưng ông nhất quyết không đồng ý, cuối cùng vẫn phải mang cha bà đi vào sáng hôm sau.
Đêm ấy, mới sáu tuổi thôi, nhưng bà chạnh lòng ngồi nhìn hàng ghế khán giả lúc này đang im lìm, bà thầm nghĩ mới đây bao nhiêu người hâm mộ, vỗ tay cho cha mình, vậy mà chỉ cách một tháng sau thôi, cha bà xin được chết trong một góc nhỏ của sân khấu nhưng vẫn không được chấp nhận. May sao, những người ở chùa Phật học (Phan Thiết) nghe thấy hoàn cảnh của cha bà mới đến rước về. Vào chùa được ba ngày sau thì cha bà tắt hơi. Đó là ấn tượng đầu tiên về sự bạc bẽo, vô thường của cuộc đời đã ám ảnh bà mãi tận bây giờ.
|
Kim Cương trong một chương trình thiện nguyện cuối năm. |
Mang lời ca tiếng hát của mình làm vui cho mọi người. Nhưng mấy ai biết nỗi khổ của người nghệ sĩ phải được giấu kín trong lòng. Rồi trong những phút yếu lòng đau khổ bà tìm đến Phật pháp. Là một người sống hết mình, nên khi yêu cũng hết mình, hát hết mình và tự tử cũng... hết mình nên bà có những câu chuyện đầy bi hài không kể hết.
Mấy ai biết bà đã từng nhiều lần có ý định tự giận... vì tình, nhưng may sao nơi Phật đường đã dạy bà học được chữ “Buông”. Bà hiểu được cuộc đời có sanh thì phải có diệt, có hợp rồi sẽ có tan, cái quy luật của đất trời ấy không thể nào chống đối. Thế nên từ ấy bà đã sống một cách tri túc, có nghĩa là chấp nhận những gì đã qua và bằng lòng với những gì mình có.
Nhắc đến câu chuyện thiện nguyện của bà mới biết rằng khi một người nghệ sĩ rời sân khấu, họ hụt hẫng đến nhường nào. Hụt hẫng vì vật chất đã đành, nhưng cái hụt hẫng lớn nhất là tinh thần vì đã quen với tiếng vỗ tay, ánh đèn sân khấu... và bà cũng không ngoại lệ để thoát khỏi cảnh ấy, cũng dằn vặt, thương tiếc, cũng nhớ bạn diễn, nhớ cả tiếng hát của mình và đâu dễ gì dứt một cái đam mê cả đời cống hiến. Rồi ngậm ngùi khi phải ngồi nhìn khán giả vỗ tay hoan nghênh cái nhân vật, cái vai diễn đã từng được mình thể hiện thành công.
|
Bật khóc khi nhắc đến những "xác con tằm" không chết được... |
Mười bảy năm qua, may mắn cho bà khi rời sân khấu đã vội tìm vui trong những việc từ thiện. Và rồi, nhìn người khác hạnh phúc bà thấy an ủi phần nào để nỗi trống vắng sân khấu cũng từ đây mà khỏa lấp.
Bà bảo "những cái xác con tằm không chết được" giờ ngồi ủ rũ trong sớm chiều hiu quạnh như nghệ sĩ Long Hải, Mai Lan, Thương Tín... khiến bà đau đáu xót xa. Bởi với bà, cuộc đời nghệ sĩ như con tằm rút ruột nhả tơ, nhưng con tằm hết tơ sẽ chết, còn những người nghệ sĩ như bà thì dù đã cống hiến hết mình vẫn chưa được chết mà phải sống với những khắc khoải tiếc thương. Thế nên cái ước nguyện lớn nhất của bà là mong sao năm nào các nghệ sĩ ở tuổi xế chiều cũng được các bạn trẻ “xướng” tên trên sân khấu để họ an lòng.
Có lẽ cũng nhờ trái tim của người nghệ sĩ nhạy cảm, dễ cảm thông với nỗi đau của người khác nên bà đã làm được nhiều chuyện ý nghĩa. Với bà tiền không bao nhiêu cho đủ, chủ yếu là cái tình dành cho họ. Bà quan niệm: “Cách cho quý hơn của cho” - cho sao để người ta không thấy mặc cảm, để người ta hiểu rằng mình chia sớt chứ không phải bố thí.
Nghệ sĩ Kim Cương bảo, đến bây giờ - những năm tháng cuối đời, bà mới thấy bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Có một người con trai và con dâu hiếu thảo cùng những đứa cháu nội ngoan hiền, dễ thương...
Oanh Thủy - Ảnh: TL