Lúc đứng trên đỉnh cao, Minh Nhí cho biết một đêm anh có thể nướng vài cây vàng vào vũ trường, bao lo cho đám đàn em để được tung hô, vây quanh. Khi sa cơ, bị mọi người quay lưng, Minh Nhí mới bắt đầu thay đổi...

Nghệ sĩ Minh Nhí: Hối hận thời 'đốt' sạch tiền làm 'ông vua vũ trường'

Thanh Niên | 01/06/2016, 21:29

Lúc đứng trên đỉnh cao, Minh Nhí cho biết một đêm anh có thể nướng vài cây vàng vào vũ trường, bao lo cho đám đàn em để được tung hô, vây quanh. Khi sa cơ, bị mọi người quay lưng, Minh Nhí mới bắt đầu thay đổi...

Việc làm giám khảo Cười xuyên Việt - Tiếu lâm hội đối với anhcó dễ dàng hơn so với đứng diễn trên sân khấu hài?

- Nghệ sĩ Minh Nhí: Làm giám khảo thì áp lực gấp mấy lần làm diễn viên chứ. Nếu lên sân khấu mình là diễn viên đơn thuần, chỉ sống với nhân vật của mình thôi thì để ngồi “ghế nóng” ít nhất mình phải có học thuật, có kiến thức, và phải thật công tâm. Cuộc thi Cười xuyên Việt có nhiều học trò của tôi, đến ¾ thí sinh là có học qua tôi như nhóm X Pro, C.M.V… nên mình phải nhận xét làm sao để không mang đến cảm giác thiếu công bằng với các bạn khác.

Anh từng nói cố gắng kiềm cảm xúc trên “ghế nóng” kẻo người ta bảo khóc cười là nghề của giám khảo, ý anh thế nào?

- Tôi không biết những người khác thế nào, riêng với tôi đó là những cảm xúc rất thật. Xem đến đoạn xúc động mình chết lặng rồi từ từ rơi nước mắt chứ không o ép cảm xúc được. Giám khảo thì cũng cần phải thẩm định với đôi mắt một khán giả chứ. Tôi có thể diễn trên sân khấu chứ không diễn trên ghế nóng được.

Khi tôi nhận lời ngồi ghế nóng chương trình nào đó thì tôi phải thấy mình có đủ khả năng mới nhận lời. Chấm điểm phải đặt mình vào chỗ các bạn thí sinh, đừng cho điểm quá thấp, không chà đạp thí sinh, nói những lời làm tổn thương. Nhiều người nói vì sao tôi thường cho điểm cao, muốn đóng vai “Bụt” trên “ghế nóng” để được thương? Tôi nói vậy nếu họ không thắng được đội điểm cao thì cho điểm quá thấp để làm gì? Bạn phải hiểu tâm lý những người đi thi, họ bị chê nặng có thể bị stress, buồn cả tuần luôn, thậm chí trầm cảm, không dám xuất hiện ở đâu cả.

Là một người thầy, anh dạy điều gì là quan trọng nhất cho học trò bên cạnh chuyên môn học thuật?

- Đó là không được ''chảnh chó". Trong cuộc thi Cười xuyên Việt tôi cũng có nói với các nhóm thi là nếu đứa nào được quán quân, á quân thì càng phải khiêm tốn lại và rèn luyện nhiều hơn nữa. Đừng tưởng lên đỉnh vinh quang là không chịu tìm tòi nghiên cứu thì rất mau đi xuống.

Anh có bao giờ chỉ học trò chế hay cải biên tác phẩm này nọ nhằm lấy tiếng cười khán giả theo cách “bất chấp”?

- Tôi học đúng người thầy đó là đạo diễn Nguyễn Văn Phúc, cái ông dạy tôi đầu tiên là chủ đề tư tưởng. Dù mình có diễn xàm xí thì cũng phải có nội dung truyền đạt đến khán giả, không được làm kiểu vô thưởng vô phạt. Tôi là chuyên gia diễn hài phi lý, diễn những cái ngoài đời không ai làm, mang tính bất ngờ nhưng sau đó phải bật lên chủ đề thì người ta mới chấp nhận. Xàm xí phải hợp lý, nếu làm không hợp lý thì không có hiệu quả. Ngoài ra những cái hài nhảm, hài dơ thì tôi tút lại cho các em. Tôi già rồi, lớn tuổi nên hơi khó chăng?

Nếu những người bạn cùng thời với anh như Thành Lộc, Hồng Vân, Hữu Châu… đều đã có danh hiệu NSƯT, NSND này nọ, anh có chạnh lòng không khi mình vẫn cống hiến không ít hơn nhưng chưa được ghi nhận?

- Nếu tôi nói không buồn là nói xạo, nhưng tôi cho rằng có lẽ do tôi đã từng làm sai trong giai đoạn đi Mỹ nên tạm thời nó chưa đến được với mình. Tôi thì tôi vẫn cống hiến một cách tự nhiên, không xem nó là tất cả để mình phải dằn dặt, bi lụy và bất chấp mọi thứ để đạt được.

Cho đến giờ phút này bạn bè đồng nghiệp nhận xét tôi có “giang đi dạy”, những bạn học trò của tôi đều có cơ hội nổi tiếng. Đi đâu người ta cũng gọi tôi là thầy này thầy nọ, điều này tôi cảm thấy vui hơn vì mình được trân trọng.

Vậy việc anh đi Mỹ cách đây hơn 10 năm trước có phải là một sai lầm?

- Không, nếu quay ngược lại thời gian thì tôi chỉ muốn mình có thể viết cái đơn rõ ràng để xin nhà trường thôi. Ngày xưa mình còn nhỏ ham chơi, nghĩ mình miễn có về là được rồi, không nghĩ thủ tục xin phép giấy tờ hành chính thiếu sót lại gây ra hệ quả rắc rối như vậy. Nếu tôi biết dựa vào hoàn cảnh của mình mà xin phép thì có lẽ không nhận quyết định kỷ luật. Nhưng mà mình phải bị vấp té mình mới thấy cục đá để mà đứng lên.

Được biết chuyến đó anh qua Mỹ lấy vợ, nhưng chưa từng nghe anh chia sẻ về nửa kia với khán giả, vì sao thưa anh?

- Chuyện gia đình tôi ít chia sẻ lắm, tôi chỉ muốn khán giả quan tâm đến cuộc sống trên sân khấu. Những bạn yêu thương, khán giả ruột của tôi họ đều biết. Chuyện đời tư tôi rất dị ứng nói với đại chúng.

Ngần ấy năm lăn lộn trong nghề, theo anh một danh hài không may mắn sở hữu ngoại hình sáng có cơ hội được nổi tiếng không?

- Nhiều học trò của tôi như Thúy Nga, Việt Hương, Thu Trang khi bắt đầu vô học cũng không biết gì, không hề đẹp luôn… Tôi cùng các thầy kiểm tra qua thấy các bạn có khả năng gì đó thì tôi khuyến khích. Tôi lấy mình ra làm ví dụ luôn, nếu trời cho bạn có vẻ ngoài sáng sủa thì bạn phấn đấu một, còn bạn nào xấu xí, xấu xa như ông thầy thì phấn đấu gấp ba. Còn tôi tôi phải phấn đấu gấp năm. Ngày xưa khi bạn bè tập chương trình về hết tôi đều nán lại tự ôn luyện, tưởng tượng sân khấu lúc này người này diễn thế này thế kia để tự trau chuốt. Trời không cho thanh sắc thì mình lấy kỹ thuật biểu diễn để đánh lại. Tôi có chiêu dạy học trò là trước khi lên sân khấu phải làm cái gì đó thật ấn tượng để khi xuất hiện trước đám đông thì họ phải chú ý tới mình.

Trong số các học trò của mình, anh tâm đắc với ai nhất?

- Về nghề thì đó là “bà” Việt Hương. Con Hương ngộ lắm, chỉ cần khơi gợi là nó làm được. Một số học trò tôi phải phân tích dễ sợ, phải đứng ra thị phạm thì tụi nó mới diễn được, mà cũng diễn có duyên lắm, như Thúy Nga, Phi Dũng (Cười xuyên Việt), Xuân Nghị (Đấu trường tiếu lâm)…

Vì sao anh gắn bó với nghề giảng dạy?

- Hồi xưa ba má rất muốn tôi làm bác sĩ, tôi lại thi rớt. Tôi từ dưới quê Sa Đéc lên Sài Gòn luyện thi, đi ngang Trường Sân khấu Điện ảnh thấy lớp học thích quá nên giấu nhà đi thi. Khi trúng tuyển giấy báo gửi thẳng về nhà, ba kêu tôi nói con thích người ta kêu con bằng thầy hay bằng thằng? Làm bác sĩ hay giáo viên thì được gọi bằng thầy, còn nghệ sĩ người ta chỉ kêu bằng thằng hoặc con. Tôi xin cho tôi cơ hội đi học một năm, nếu không được con luyện thi lại. Hết năm một tôi có tham gia diễn kịch dưới quê, nhà tôi cũng xem và cười vui vẻ nên tôi vẫn được đi học tiếp. Gần tới ngày tốt nghiệp tôi được lên tivi, phát lên gia đình ở quê coi thấy cũng ok. Ra trường thầy Nguyễn Văn Phúc hỏi tôi có muốn ở lại trường giảng dạy không, thầy sẽ hướng dẫn thêm. Tôi đi theo Công Ninh 3 năm trợ giảng thì bắt đầu dạy. Lứa học trò đầu tiên của tôi là Ngọc Trinh, Trung Lùn, Lê Quốc Nam… Cả lớp kéo về quê chơi, học trò kêu tôi là “thầy thầy” thì thấy ba tôi rất vui. Mẹ tôi nói ba tôi khoái lắm đó.

Lúc bị cấm diễn, tôi bị kỷ luật ở Trường Sân khấu Điện ảnh, tôi nghĩ sự nghiệp giảng dạy chấm dứt luôn. Thời điểm đó là giai đoạn đau đớn nhất trong cuộc đời tôi. Đám giỗ ba tôi đốt nhang tưởng tượng chắc ba buồn lắm vì con hết được kêu bằng thầy. Sau đó tôi lóe lên ý tưởng xã hội bây giờ đâu nhất thiết phải ở trong trường, ngày xưa chưa có trường thì các học trò đều đi học lò này lò nọ. Tôi nghĩ vậy nên bàn với bà Hồng Vân mở trường và được ủng hộ ngay. Gút lại, tôi nghĩ đến ba tôi, chữ thầy và chữ thằng mà đi theo nghiệp giảng dạy đến giờ.

Trong số các đồng nghiệp cùng thời, có bao giờ anh so sánh mình với các bạn, đặc biệt là Thành Lộc?

- Nếu nói về anh Thành Lộc thì dĩ nhiên anh Thành Lộc đẳng cấp hơn tôi, học thuật cao hơn, giỏi hơn tôi. Ngày xưa diễn chung ở IDECAF tôi thấy ảnh khai thác vai quá hay thì mình muốn phải tự khai thác vai của mình. Ngày xưa đi coi IDECAF vai nào cũng hay là vì khi tập trên sân khấu các đồng nghiệp ở dưới ngồi góp ý lên nên vai ai cũng hay. Bây giờ bạn trẻ chỉ lo vai của mình, ngồi dưới rảnh là bấm điện thoại, "tự sướng" chứ ít ai chịu coi rồi chỉ lên trên đóng góp. Bây giờ sân khấu chỉ còn tôi và bà Vân còn thói quen ngứa miệng góp ý. Thế hệ ngày xưa diễn sâu sắc, vững chắc, không phải là nhiều kinh nghiệm đâu, mà là họ chú tâm vào công việc. Giới trẻ giờ toàn bấm điện thoại không à.

À nói về anh Thành Lộc thì bây giờ dù không diễn chung nhưng lúc nào mình cũng biết mình thấp hơn anh ấy. Có thể hồi đó tôi không diễn cho anh Bùi Anh Tuấn, anh Thành Lộc vì sân khấu của mấy ảnh ít suất, không bảo đảm thu nhập, tôi cảm thấy không đủ sống thì xin rút trong vui vẻ ôn hòa. Qua bà Vân đêm nào cũng diễn nên thu nhập tốt hơn. Sinh nhật anh Thành Lộc tôi vẫn gọi điện qua chúc mừng, ảnh gặp tôi cũng bảo “sao bà không về diễn với tui”. Chúng tôi không có cạnh tranh ganh ghét như lời đồn.

Việc kêu nhau bằng bà có phải là sự thừa nhận về giới tính không thưa anh?

- Kêu bà là cái giỡn của người làm nghề thôi. Học trò của tôi cũng gọi nhau bà này bà nọ, nhưng đứa nào "thẳng" thì vẫn "thẳng". Tôi thấy năm 2016 rồi, mình sống sao mình đừng làm hại đến người khác thì thôi, còn giới tính thật là một chuyện khác mà. Tôi ghét nhất bị đụng tới giới tính này nọ, thí dụ tôi làm sai cứ việc lên chửi, diễn dở cứ chửi tôi, còn sống ngoài đời tôi có hại đến ai đâu sao người ta hay mang chuyện này ra thắc mắc?

Được biết anh Thành Lộc có viết tự truyện cho bản thân mình, nếu là tự truyện của anh, anh thấy cuộc đời mình có đủ chất liệu viết tự truyện không?

- Tôi thì tôi viết hai cuốn cũng không hết. Anh Lộc có con đường đi tương đối suôn sẻ, chưa bị cái gì scandal, chưa bị vấp ngã, còn tôi bị vấp bụp bụp. Cách sống ngày xưa tôi hung dữ lắm. Lúc còn trẻ tôi chảnh lắm, lên đỉnh thì “chảnh chó”. Hồi lúc tôi mới đi Mỹ về bị cấm, mọi người xa lánh, ngay cả học trò tôi cưu mang cũng quay lưng. Lúc đó tôi hận mọi người lắm, tôi nằm ở nhà một tháng hai tháng ba tháng, tôi nghĩ lúc trước học trò bu quanh mình vậy tụi nó có thương mình thật không? Sao khi mình bị vấp ngã mà không ai dang tay ra đỡ? Tôi nghiệm thấy là hình như người ta chỉ sợ trước mặt mình thôi, sau lưng người ta không ưa, cho nên mình bị cái gì người ta còn thích nữa.

Sau khi có giấy phép trở lại, tôi điều chỉnh tính khí của mình, làm từ từ chứ không có làm ngay. Bây giờ mọi người nể tôi chứ không còn sợ như trước, tôi cảm thấy rất vui. Bà Hồng Vân là người làm cho tôi nhận ra điều đó. Bà Vân từng góp ý với tôi: “Minh à, Minh đừng làm cục đá nữa. Nếu Minh lấy đá chọi trứng thì người yếu hơn Minh là trứng thì nó bể, nhưng đó là cục đá to thì Minh bể, Minh tổn thương. Sao Minh không làm làn nước để len lỏi qua những tảng đá, cỡ gì cũng vượt qua được. Có những cái Minh xử lý nóng nảy sao Minh không làm nó nhẹ nhàng, uyển chuyển hơn?”. Tôi về suy nghĩ mấy ngày luôn. Sau đó thì có chuyện bực mình tôi không chửi rủa, không nóng tính nữa mà tìm cách giải thích nhỏ nhẹ, ai không nghe thì thôi. Họ quay lưng lại thì tôi cũng không chửi thề, vẫn niềm nở với mọi người, ai mình không thích chơi thì mình lịch sự chào xã giao rồi nhẹ nhàng từ chối.

Người ta nhận thấy mình ôn hòa hơn, dễ thương thì họ tìm cách họ quay lại với mình. Sau lưng mình người ta bớt nói xấu đi. Tôi mang câu chuyện này để dạy học trò, răn đe chúng. Không ai đứng trên đỉnh hoài đâu. Ai cũng có cái đỉnh của mình như Trấn Thành, Hoài Linh hiện giờ, đứng lâu trên đỉnh thì tới lúc phải nhường cho đứa khác, hoặc mình qua đời. Làm sao khi mình xuống người ta vẫn nhắc đến. Vì sao cô Thanh Nga mất trẻ nhưng người ta đều nhớ là vậy.

Tôi nói thầy đã bị rồi, các con sống làm sao mà khi té mọi người xúm lại quan tâm, còn mình té mà đứng sau nói đáng, nói vừa là phải coi lại. Tôi dạy đạo đức cho các học trò, có bạn làm được có bạn không thể hiện được. Cái này các bạn sẽ trả về sau.

Thấy anh có vẻ thoải mái và thong dong giữa showiz, có phải qua những biến cố anh đã trưởng thành và thay đổi?

- Giờ tôi sống thoải mái lắm, ai muốn làm gì làm tôi không xía vô, tự nhiên thấy mình không còn đau đầu nữa. Tôi nghĩ mình qua thời đỉnh cao, cũng có tuổi nhưng vẫn được mời làm giám khảo, mời đóng phim ảnh, sitcom... Dù không được săn đón như Trấn Thành, Thu Trang, Việt Hương nhưng tôi hài lòng rồi.

Xin được hỏi thời đỉnh cao anh kiếm tiền thế nào?

- Nếu thời điểm đó vàng 4 triệu thì một ngày ít nhất tôi làm 10 triệu, trung bình nhé, giai đoạn những năm 90 mấy. Tôi làm nhiều nhưng không giữ được và vì hồi đó mê chơi ở vũ trường lắm, người ta nói tôi là “ông vua vũ trường” mà. Diễn xong đi ăn mập thây là tôi vô vũ trường, lê từ cái này qua cái khác. Hồi xưa một ngày làm muời mấy triệu ngày nào cũng vô đó. Tôi vô uống coca thôi, tôi không uống rượu nhưng kêu rượu cho bầy đàn, tôi thích được ca ngợi, thích được tung hô đi đâu cũng có bầy đàn. Khi tôi đi Mỹ về toàn bộ biến mất, mấy đứa mình cưu mang biến mất luôn.

Giờ nghĩ lại tôi thấy tiếc quá. Ngày xưa tôi có sức mua nhà gấp mười lần bây giờ mà không biết giữ. Tôi lúc đó quay một chập hài được 2 triệu, kiểu hài nhép miệng, bà Hồng Vân cao hơn là 2,5 triệu, tôi thì bằng chú Sáu Bảo Quốc. Bà Vân bả làm bả mua đất mua nhà, mua của mua nả, còn ông Minh Nhí làm ra tiền là xài hết. Thời đó người ta ở xung quanh biết tôi làm có tiền kêu bán nhà cho mình. Tôi đủ tiền nhưng “chảnh chó” không mua, có bao nhiêu tiền thì phung phí trả cho đám lâu la trong vũ trường, có đêm trả 5 triệu có đêm đi làm về ''banh'' hết mười mấy triệu.

Giờ anh còn đi vũ trường không?

- Giờ không ai rủ tôi bước chân vô vũ trường được nữa, cũng không ai dụ tôi uống được một giọt bia rượu nào. Ngày xưa còn trẻ còn khỏe, nếu giờ mà sống như lúc trước ăn chơi thâu đêm chắc tôi chết lâu rồi.

Giai đoạn tôi bị cấm diễn 6 tháng tôi trở nên nghèo lắm, xe hơi cũng bán, nhà cũng bán đi một phần, đó là thời điểm tôi mới biết đi đến chùa. Có một sư thầy nghe tôi chia sẻ liền nói với tôi thế này: “Cái gì của con thì sẽ là của con. Nếu con có duyên làm nghệ sĩ nó sẽ quay lại. Còn hết duyên cứ giành giật cuối cùng cũng không là của mình, đừng bị dằn vặt quá”. Giờ tôi bị bể show nhiều lắm, nhưng tôi nghĩ nó không phải là của mình thì vui vẻ đi về.

Anh có bao giờ muốn lăng xê trở lại thời hoàng kim?

- Giờ mà lăng xê gì, lăn lên bàn thờ thì có. Nhiều người nói tôi làm clip quăng lên YouTube lấy view, tôi nói làm vậy chi, người ta cười mình. Sợ nhất đám đồng nghiệp Hồng Vân, Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy nó cười, mình đâu có cần phải làm những cái trò như mấy đứa nhỏ đâu.

Rồi người ta xúi tôi làm liveshow. Trừ khi tôi thấy hết duyên với nghề mới làm một cái để kết, mà không bao giờ hết duyên đâu trừ khi tôi chết thôi vì tôi yêu nghề lắm. Nếu làm vì tiền thì tôi đâu có cần tiền, làm liveshow thì phải đánh dấu cái gì đó, còn để đánh bóng tên tuổi thì thôi. Giờ có đánh cỡ nào sao hot bằng Trường Giang, Trấn Thành hay mấy con học trò mình Việt Hương, Thúy Nga? Miễn mình còn xuất hiện, đám hot này gặp mình còn kêu thầy thầy là được.

Tôi tham gia Siêu nhí tranh tài chỗ Việt Hương làm MC. Việt Hương có là gì với mọi người thì quay qua mình vẫn thầy thầy là được rồi. Đừng có nghĩ làm thầy tao phải nổi hơn mày. Nhiều người khích nói tôi giờ thua kém học trò, tôi nói thua thì đã sao, tôi chỉ thua tiền nó thôi à chứ học thuật thì chưa chắc à. Ngày xưa mấy đứa học trò đứa nào cũng xin tiền thầy hết đó. Chừng nào giờ nó dám mở miệng nói không phải học trò của Minh Nhí thì mình mới buồn. Mình được mọi người tôn trọng cũng nhờ đám học trò được nhiều người yêu thích. Ngày xưa tôi sợ một mình, không có người vây quanh tôi giống bơ vơ, giờ tôi một mình thấy cũng bình thường, có công việc là vui rồi.

Hoạt động lâu trong showbiz, anh có thấy nó có nhiễu nhương?

- Nói ra thì mích lòng người ta. Nhưng tôi nói thế này, giờ có sự kiện gì đặc biệt quan trọng không thể thiếu mình thì tôi xuất hiện, còn thấy đàn đúm vui chơi thì tôi không xuất hiện nữa. Giới nghệ sĩ hay có tật đàn đúm rủ đi ăn ngồi nói người này người kia, nhân vật nào mình thích thì đưa lên trời, không thích thì đạp xuống. Hồi xưa tôi cũng từng như vậy mà.
Tôi tới tuổi này cũng chưa chắc đâu, sơ suất là dính sự cố liền, lúc đó mình nói ai? Không ai hay mà đứng trên đỉnh hoài nên đừng có chảnh. Có giai đoạn tôi đứng trên đó, trước khi đi Mỹ là tôi ở đó đó. Tôi ở quán cà phê hay tới sân khấu một chút là họ kéo một rừng, đu đeo hỏi thích ăn gì chiều chuộng o bế. Lúc đó tôi như bị mù hay bị trời che mắt không coi ai ra gì. Giờ tôi dạy lại học trò mình là có làm quán quân thì đừng ''chảnh chó" nha mấy ông nội, đời còn dài lắm tụi con, không phải vậy là trên nóc nhà đâu.

Xin được hỏi anh lấy vợ ở Mỹ vậy anh đã định cư ở đó?

- Tôi không định cư bên đó đâu, trong lòng tôi vẫn ở Việt Nam thôi. Có bao giờ tôi giới thiệu là danh hài hải ngoại không, ai giới thiệu vậy là tôi giận. Tôi lấy lương là lương nghệ sĩ Việt Nam, ai muốn lấy lương hải ngoại thì tùy. Đất tôi là ở đây. Tôi phải về Mỹ một năm ít nhất bốn lần vì gia đình vợ ở bển. Công việc ở đây nhiều tôi về đó định cư làm gì?

Nhiều nghệ sĩ Việt nuôi giấc mơ Mỹ, anh có vợ Mỹ nhưng nuôi mộng Việt. Vì sao?

- Tôi có nhà bên Mỹ nhưng chưa làm thủ tục định cư. Tôi vẫn là người Việt Nam, xài passport Việt Nam, có hộ khẩu, CMND nè. Bây giờ đúng là người ta vẫn còn giấc mơ Mỹ, nhưng showbiz bên đó bây giờ không còn như xưa. Đợt vừa rồi tôi ở Mỹ đúng ra diễn 5 show thì bị hủy 3 show vì bầu show không bán được vé, đành phải đi về. Tôi nói mấy anh chị, bạn bè đồng nghiệp về Việt Nam diễn là đúng. Vừa rồi tôi qua Mỹ vẫn khuyến khích mọi người đây là mảnh đất của mình, có rất nhiều chương trình. Người ta nói chưa quen thì mình bảo rồi sẽ quen. Mấy anh chị đang tính về hết, ca sĩ Như Quỳnh cũng đang xin về đấy.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Mai Ngọc/Thanh Niên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
44 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ sĩ Minh Nhí: Hối hận thời 'đốt' sạch tiền làm 'ông vua vũ trường'