Mỗi khi nghe đến cái tên wagashi, lúc nào trong tôi cũng tràn ngập sự thanh tĩnh và bình yên. Tôi ao ước được một lần ngồi giữa vườn nhà của người bản xứ nào đó, nhấm nháp wagashi cùng một cốc trà xanh nóng, thả mình theo sự biến chuyển khôn lường của đất trời và thời gian.
Thán phục sự quyết tâm của nhân vật Asuka – cô gái sinh ra trong gia đình có truyền thống làm món bánh wagashi ở Nhật, tôi cũng dần mê mẩn trước màu sắc và dáng vẻ hài hòa của món bánh ngọt này. Là tên gọi chung của hàng trăm món bánh khác nhau, hầu hết nguyên liệu chính của wasaghi là bột nếp, nhân đậu đỏ, tảo biển, đường mía… Có lẽ do thành phần chủ yếu từ thực vật nên hương vị của wagashi thường thơm mát, thích hợp để dùng cùng trà xanh trong các buổi tiệc trà đạo.
Ý nghĩa văn hóa
Hanabiramochi tượng trưng cho cánh hoa mùa xuân |
Mizu yokan là món thạch làm từ đậu đỏ, dùng lạnh. |
Hishi mochi là món bánh truyền thống trong ngày lễ Hina Matsuri |
Sự trải nghiệm của năm giác quan
Người Nhật quan niệm khi thưởng thức wagashi, bạn phải dùng đến cả năm giác quan mới cảm nhận hết sự thanh khiết và tinh túy của chiếc bánh.
Thị giác: Được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp súc tích mà ý vị mênh mang của những áng thơ văn, tranh vẽ hay họa tiết Nhật Bản, hình dáng và màu sắc của từng chiếc bánh là một bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên xứ sở phù tang.
Vị giác: Qua từng miếng bánh, người dùng có thể cảm nhận trọn vẹn hương vị đặc trưng, tươi mới, béo bùi của các loại đậu và ngũ cốc bổ dưỡng.
Xúc giác: Mỗi loại wagashi tạo nên sự mềm mại, ẩm ướt hoặc giòn tan khác nhau khi cầm trên tay, khi cắt bánh mời khách hoặc khi thưởng thức.
Khứu giác: Các nguyên liệu tự nhiên góp phần tạo cho wagashi mùi thơm thoang thoảng, ngọt lành mà không làm mất đi nét thi vị của thức uống đi kèm.
Thính giác: Nếu am hiểu tiếng Nhật, có lẽ vừa ăn, bạn sẽ vừa tấm tắc sao người xưa có thể nghĩ ra những cái tên trang nhã, đầy chất thơ như thế cho từng loại wagashi. Những tên gọi nên thơ đó có thể được trích ra từ các bài thơ kinh điển hoặc gợi mở về một mùa nào đó trong năm.