Bị mìn nổ cụt hai tay và thương tật ở chân, những tưởng sự nghiệt ngã này sẽ cắt đứt con đường đến trường của Hiếu. Nhưng rồi nghị lực phi thường đã khiến cậu lại tiếp tục theo đuổi học hành chỉ với một ống nhựa dùng để viết bài.

Nghị lực vươn lên của cậu bé bị mìn nổ cụt 2 tay

Lê Đình Dũng | 21/04/2017, 17:51

Bị mìn nổ cụt hai tay và thương tật ở chân, những tưởng sự nghiệt ngã này sẽ cắt đứt con đường đến trường của Hiếu. Nhưng rồi nghị lực phi thường đã khiến cậu lại tiếp tục theo đuổi học hành chỉ với một ống nhựa dùng để viết bài.

Nỗi đau của gia đình nghèo

Phan Trọng Hiếu (SN 2004, khu 5, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) hiện là học sinh lớp 8/6 trường THCS Nguyễn Trãi, thị trấn Ái Nghĩa.

Hiếu sinh ra trong gia đình gia cảnh bậc trung ở bên dòng Vu Gia. Cha Hiếu, ông Phan Nhì kể: “Nhà có 5 đứa con thì Hiếu là con trai duy nhất, còn mấy chị gái thì đứa đã lấy chồng, đứa đang theo học ở dưới Tam Kỳ, ngoài Đà Nẵng”.

“Hai vợ chồng nghèo tảo tần với 5 sào ruộng để nuôi 5 đứa con ăn học cũng đuối. Nhưng không cho tụi nó học thì nghèo đâu lại hoàn đấy”, ông Nhì trầm ngâm.

Vậy là ngoài làm ruộng, hai vợ chồng ông tích cóp mua thêm đàn bò để làm vốn dự trữ. Hàng ngày, đàn bò được giao cho Hiếu đi chăm vào những lúc không đến trường.

Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua đến một ngày cuối tháng 11.2013 thì xảy ra cơ sự. Ông Nhì kể tiếp: “Hôm đó, mẹ nó bận việc nên bảo Hiếu lùa đàn bò ra đồng trước. Nó với mấy đứa cùng lứa trong xóm nữa đi thì gặp kíp mìn hay vỏ đạn gì đấy còn sót. Mấy đứa nó tò mò, nghịch đập làm nó phát nổ; thằng Hiếu bị cụt mất 2 tay, chân bị gãy, hai đứa bạn khác thì bị thương nhẹ hơn”.

Tai nạn đã cướp đi đôi tay của Hiếu

Sau khi xảy ra tai nạn, gia đình tìm mọi cách đưa Hiếu đến các bệnh viện lớn để chạy chữa. Các bác sĩ bệnh viện Đà Nẵng cho biết em còn quá nhỏ để phục hồi nên từ đó mang thương tật suốt đời.

“Chân trái nó bị nổ gãy, được chữa chạy nên ban đầu còn đi được một chút. Một dịp khác đi lại không cẩn thận nên bị gãy luôn phải nẹp sắt. Giờ chân nó có đến 8 cái ốc vít để cố định giúp tập đi”, ông Nhì xót xa.

Vẽ ước mơ bằng ống nhựa

Cha Hiếu kể, dù bị mìn phăng hư hại tay chân vậy nhưng an ủi nhất là cháu vẫn muốn đi học. “Nhìn con mà xót lắm chú. Nghe nó nói vậy mình không bỏ buồn mà vui lên sao được. Bằng mọi cách tui cũng phải cho con được cái ước muốn đó”.

Những ngày đầu, ông Nhì đều đặn chở Hiếu lên lớp. Không còn tay, cậu bé chỉ lên ngồi nghe giảng và nhìn ngắm bạn bè. Nỗi buồn tủi lại trào lên. Nhiều đêm trằn trọc, cuối cùng ông Nhì nghĩ ra phương pháp giúp con có thể viết chữ từ đôi tay cụt.

Vì thương con, ba của Hiếu đã sáng tạo ra bàn tay giả phục vụ viết chữ
Những nét chữ của nghị lực

“Tui lấy cái ống nhựa tròng vào vừa cùi tay cháu, sau đó khoét hai lỗ trên và dưới để nhét cây bút vào. Những ngày đầu nó tập cực lắm vì làm sao mà điều khiển được cái cánh tay để viết. Nhưng rồi hai vợ chồng động viênnên cuối cùng cháu cũng vẽ ra chữ”, ông kể.

Viết được chữ rồi, Hiếu có thể làm văn, làm toán. Còn chuyện ăn uống, Hiếu phải dùng cả 2 tay cụt của mình giữ lấy chiếc thìa để lấy đồ ăn, cầm đồ uống. Những ngày đầu, đôi chân của em chính là đôi chân của cha. Nắng hay mưa, bạn bè đều thấy cha bồng Hiếu vào lớp.

Thầy Trần Hữu Nghị, Tổng phụ trách đội trường THCS Nguyễn Trãi kể: “Gia cảnh của Hiếu nghèo nhưng nỗ lực đến trường học tập của em rất đáng khâm phục. Sau tai nạn vào năm lớp 6, em phải bảo lưu kết quả 1 năm rồi sau đó đi học trở lại. Từ đó đến nay em đến trường đều đặn dù học lực cũng trung bình, nhưng phải nói đó là một sự nỗ lực”.

Theo thầy Nghị, Hiếu là một học sinh ngoan. Sau khi em bị sự cố, nhà trường luôn tạo điều kiện hỗ trợ để em có thể theo kịp các chương trình học. Một tổ đội bạn cùng tiến được cô chủ nhiệm và đoàn đội vận động giúp đỡ Hiếu, những em có học lực khá hơn sẽ kèm cặp và bày thêm cho Hiếu, những lúc kiểm tra mà Hiếu viết không kịp thì các bạn sẽ viết giúp.

Hiếu giờ đã vượt qua được mặc cảm và là tấm gương cho bạn bè cũng trang lứa

Ở trong lớp học, Hiếu giờ đã quen với những nụ cười của các bạn. Trước đây, nhìn cảnh dị tật của Hiếu, các bạn thường cười đùa, Hiếu như muốn khóc vì cô độc và tủi hổ. “Em chỉ muốn đi học thôi. Lúc đầu thấy các bạn cười, thấy mình cụt tay em khổ lắm. Giờ quen rồi, các bạn cũng không chọc em nhiều nữa”, cậu bé cười hồn nhiên.

Hỏi về ước mơ, mắt cậu bé lóe lên, miệng thủ thỉ một điều đinh ninh mà còn e ngại: “Em muốn học vẽ”. Mẹ em, bà Nguyễn Thị Ngọc Đào cũng chung niềm trăn trở: “Nhiều đêm nằm ngủ cháu cũng tâm sự về những mệt mỏi khi mất đôi tay. Hai vợ chồng gạt nước mắt mà khuyên bảo dù gì thì con cũng phải học tiếp, chỉ có đi học mới có những cơ hội cho tương lai, kiếm cái nghề một tháng dăm ba triệu chi cũng được đặng nuôi thân khi cha mẹ luống già. Con nó nghe lời lắm, nó biết vậy nên rất chăm chỉ. Giờ chúng tôi mong sao có cách nào cháu có được một đôi tay giả hoàn thiện để đỡ đần một phần trong sinh hoạt, học tập hằng ngày”.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghị lực vươn lên của cậu bé bị mìn nổ cụt 2 tay