Mặc dù ngay khi bùng phát dịch 2019-nCoV, các cơ quan y tế và các công ty dược phẩm, bao gồm Moderna, Novavax và Inovio, đã bắt tay vào việc triển khai phát triển vắc xin nhưng qua kinh nghiệm bào chế vắc xin ngừa Ebola, Zika và SARS… các chuyên gia cho rằng phải mất từ 1-3 năm nữa mới có thể có vắc xin ngừa vi rút corona mới.
Theo Business Insider, trong khi coronavirus mới bí ẩn có tên 2019-nCoV đang lây lan ngày càng nhanh hơn trên khắp Trung Quốc và các quốc gia khác thì với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, các cơ quan y tế và các công ty dược phẩm, bao gồm Moderna, Novavax và Inovio, đang triển khai phát triển vắc xin.
Tuy nhiên, với hệ thống tổ chức nghiên cứu hiện tại, có thể mất nhiều năm nữa mới đạt được mục đích. Một số chuyên gia tuyên bố rằng trong vòng 3 tháng các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên về vắc xin chống lại căn bệnh nguy hiểm sẽ bắt đầu, nhưng kinh nghiệm của những năm trước không mang lại sự lạc quan.
Chẳng hạn, vắc xin Ebola được tạo ra chỉ sau 20 năm nghiên cứu. Và đến nay vắc xin chống lại vi rút Zika hoặc SARS vẫn chưa có.
Đấy là chưa kể đến thời gian cần thiết để thiết lập sản xuất và phân phối. Theo dự báo lạc quan của giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIH s National Institute of Allergy and Infectious Diseases), tiến sĩ Anthony Fauci, phiên bản đầu tiên của vắc xin có thể sẽ xuất hiện trong vòng vài tháng và các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu tiên sẽ diễn ra trước đầu mùa hè. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong quá khứ gần đây không làm tăng sự lạc quan: vắc xin cho các bệnh nguy hiểm khác được tạo ra chậm hơn nhiều. Ví dụ, vắc xin Ebola đầu tiên chỉ mới được phê duyệt gần đây, sau 20 năm nghiên cứu và 4 năm thử nghiệm lâm sàng. Vi rút Zika, bắt đầu lan truyền nhanh chóng trên toàn thế giới vào năm 2015, mà đến này vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa: thuốc vẫn chỉ đang được thử nghiệm.
Kinh nghiệm chống lại SARS, giống như 2019-nCoV hiện tại, có nguồn gốc từ Trung Quốc và được gây ra bởi coronavirus, cũng không khiến các chuyên gia thêm sự lạc quan. Hơn 15 năm đã trôi qua kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhưng vắc xin chưa được phát triển. Tuy nhiên, trong trường hợp SARS, nguyên nhân chậm trễ một phần là do những nỗ lực của các cơ quan y tế cho phép ngăn chặn sự lây lan của vi rút và nhu cầu phòng ngừa đã không cần thiết.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng để tạo ra một loại vắc xin hoàn chỉnh, cần có một nguồn tài trợ kể cả sau khi kết thúc giai đoạn cấp tính của dịch. Đây chính là điều đã xảy ra với một trong những nhóm phát triển thuốc chống lại SARS. Khi những lo ngại về căn bệnh này lắng xuống, các nhân viên đã được chuyển sang dự án phát triển vắc xin phòng ngừa hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Chính vì thể mà vắc xin ngừa SARS vẫn chưa được phát triển.
Một vấn đề khác là tình trạng thiếu thông tin chính xác về nhiều khía cạnh của căn bệnh mới, bao gồm cả thời gian ủ bệnh. Với tất cả những khó khăn, khung thời gian thực tế hơn để tạo và bắt đầu sử dụng vắc xin chống lại vi rút 2019-nCoV Trung Quốc là 1-3 năm.
Vũ Trung Hương