Các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố đã phân lập được thành phần chống lão hóa trong máu của chuột non, với con chuột sống sót lâu nhất trong nghiên cứu của họ lên tới 1.266 ngày, tương đương với 120 - 130 năm của người.
Các nhà khoa học cho biết phát hiện này có thể mang lại hy vọng trong cuộc chiến chống lại các bệnh liên quan đến tuổi tác của con người và cải thiện sức khỏe suốt đời, nhưng cũng nhấn mạnh rằng nghiên cứu chỉ là bước khởi đầu, vẫn còn nhiều câu hỏi khoa học cần được giải đáp.
Theo nghiên cứu được bình duyệt công bố trên tạp chí Nature Aging, những con chuột đực 20 tháng tuổi, với tuổi thọ điển hình là 840 ngày, được tiêm thành phần máu hàng tuần. Các nhà nghiên cứu ghi nhận mức tăng tuổi thọ 22,7% lên mức trung bình 1.031 ngày.
Nghiên cứu được bình duyệt (hay còn gọi là nghiên cứu khoa học được thẩm định bởi đồng nghiệp) là loại nghiên cứu đã được đánh giá và phê duyệt bởi các chuyên gia có trình độ trong cùng lĩnh vực. Quá trình bình duyệt là một phần quan trọng của phương pháp khoa học, giúp đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của nghiên cứu.
Zhang Chenyu, đồng trưởng nhóm nghiên cứu và các đồng nghiệp từ Trường Khoa học Đời sống tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), nói các mũi tiêm cũng cải thiện tình trạng suy giảm chức năng liên quan đến tuổi tác ở chuột già, gồm vùng hippocampus (hồi hải mã), cơ bắp, tim, tinh hoàn và xương.
Phát hiện của các nhà nghiên cứu đã gây ra lo ngại với một số bạn đọc tin tức khoa học Trung Quốc. Một người bình luận về nghiên cứu trên trang web Jinri Toutiao đặt câu hỏi: "Cần bao nhiêu máu để duy trì phương pháp điều trị kiểu này? Tôi không dám nghĩ đến điều đó".
Một người khác bình luận: "Nếu một lượng lớn các yếu tố trẻ hóa có trong máu của trẻ sơ sinh, tôi không biết có bao nhiêu bé sẽ phải gặp rủi ro".
“Mọi người hãy chăm sóc con mình thật tốt nhé! Thông tin sinh lý của trẻ em phải được giữ bí mật”, một người khác viết.
Zhang Chenyu cho biết mối lo ngại rằng máu của những người trẻ tuổi sẽ được sử dụng một cách vô đạo đức và những lo ngại về đạo đức khác được công chúng nêu ra là “quan niệm sai lầm quá đáng”. Ông nói, nếu phương pháp điều trị này được phát triển, nó sẽ được thực hiện dưới dạng thuốc, thay vì trao đổi huyết tương trực tiếp.
Chen Xi, tác giả chính của nghiên cứu, cũng đến từ Đại học Nam Kinh, cho biết: “Những gì chúng tôi đang làm là cho thấy ở cấp độ tế bào, những gì thực sự hoạt động trong máu và các yếu tố trẻ hóa mạnh mẽ nhất là gì”. Theo Chen Xi, chỉ với kiến thức này mới có thể phát triển các phương pháp điều trị đơn giản và nhắm mục tiêu.
Suy đoán rằng liệu pháp trao đổi máu có thể giúp đảo ngược quá trình lão hóa đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Một số nhà khoa học đã thử nghiệm nó dù hiệu quả của liệu pháp này đã gây tranh cãi từ lâu do thiếu bằng chứng rõ ràng.
Năm ngoái, Bryan Johnson (doanh nhân công nghệ 45 tuổi người Mỹ) đã thực hiện trao đổi huyết tương giữa ba thế hệ với người cha 70 tuổi Richard và cậu con trai 17 tuổi Talmage.
Talmage đã lấy một nửa lít máu của mình và tách thành nhiều phần trước khi huyết tương được truyền lại vào cha anh. Richard sau đó đã nhận được huyết tương của Bryan Johnson.
Năm 2019, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra cảnh báo an toàn về việc truyền huyết tương từ những người hiến tặng trẻ tuổi để ngăn ngừa các tình trạng như lão hóa hoặc mất trí nhớ, cho biết không có lợi ích lâm sàng nào được chứng minh.
Nhóm nghiên cứu Trung Quốc nói dù nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào các đặc tính chống lão hóa tiềm năng của các yếu tố protein hòa tan trong máu người trẻ, nhưng “cơ chế chính xác đằng sau những tác động này vẫn chưa được hiểu đầy đủ”.
Các tác giả cho biết nghiên cứu được thực hiện sau hơn 7 năm quan sát và thu thập dữ liệu từ hàng trăm con chuột, đã làm sáng tỏ sự hấp dẫn lâu đời này.
Theo các nhà nghiên cứu, các túi ngoại bào nhỏ (sEV) - được giải phóng tích cực từ hầu hết loại tế bào và tìm thấy trong nhiều loại dịch cơ thể, gồm cả máu - đóng vai trò quan trọng trong việc đảo ngược những thay đổi thoái hóa liên quan đến tuổi tác ở loài gặm nhấm già.
Các sEV được hiểu rộng rãi là có chức năng vận chuyển axit nucleic và protein giữa những tế bào, làm trung gian trao đổi thông tin. Theo các nhà khoa học, bằng cách nhận ra và khai thác cơ chế này, họ đã quan sát thấy thời gian sống sót lâu hơn so với các nghiên cứu khác trên động vật.
Một nghiên cứu trước đây đã báo cáo rằng nicotinamide đường uống đã tăng tuổi thọ trung bình của chuột thêm 4,2% lên 875 ngày, trong khi chế độ ăn hạn chế calo tăng tuổi thọ trung bình của chuột lên 16,4%.
Nicotinamide là một dạng vitamin B3, có trong thực phẩm, được sử dụng như thuốc và chất bổ sung cho chế độ ăn uống.
“Tuổi thọ tăng 22,7% là một trong những kỷ lục dài nhất trên thế giới”, Chen Xi nói và cho biết thêm rằng những con chuột trong nghiên cứu mới nhất vẫn tương đối khỏe mạnh vào cuối đời.
Các nhà nghiên cứu đã chấm điểm những con chuột trên một chỉ số suy nhược gồm hàng tá biểu hiện, gồm cả kỹ năng vận động và tình trạng da.
Sau bốn tháng điều trị, nhóm thử nghiệm cho thấy hiệu suất tốt hơn, chẳng hạn về mặt trao đổi chất, so với nhóm chuột đối chứng ở cùng độ tuổi.
Chen Xi cho biết nghiên cứu trên là điểm khởi đầu, vẫn còn nhiều câu hỏi khoa học cần được giải đáp trước khi phát hiện này có thể được thử nghiệm lâm sàng và phát triển thành phương pháp điều trị, chẳng hạn loại tế bào nào tạo ra sEV mà họ đã xác định được.
Ông nói các thử nghiệm cũng cần phải được thực hiện trên các loài linh trưởng lớn gần gũi hơn với con người trước khi tiến hành bất kỳ phương pháp điều trị tiềm năng nào.
Ngoài những tuyên bố gây chú ý về việc kéo dài tuổi thọ và đảo ngược quá trình lão hóa, Zhang Chenyu cho biết các nhà nghiên cứu thực sự quan tâm hơn đến việc làm thế nào mọi người có thể khỏe mạnh hơn khi tuổi thọ tăng lên.
Khi xã hội già hóa, các nhà sinh vật học như Zhang Chenyu hy vọng có thể xác định và can thiệp vào các yếu tố đẩy nhanh quá trình lão hóa của con người, để một người 80 tuổi có thể khỏe mạnh như 50 tuổi, ông nói.