Ông Fidel Ramos khi còn là tổng thống Philippines đã từng hát karaoke với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. Nay, liệu ông sẽ thành công trong chuyến đi khôi phục quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc sau phán quyết của Tòa Trọng tài?
Đó là câu hỏi của Giáo sư Richard Javad Heydarian đặt ra theo báo Huffington Post. Giáo sư là cố vấn chính trị và là tác giả cuốn sách “Chiến trường mới của châu Á: Mỹ- Trung và cuộc tranh giành phía tây Thái Bình Dương”.
Hãng thông tấn Philippine News đưa tin ngày 8.8, cựu Tổng thống Fidel Ramos đã lên đường sang Hong Kong để khởi động tiếp xúc với phía Trung Quốc với tư cách là đặc phái viên của Philippines được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ định.
Người phát ngôn Ernesto Abella của tổng thống Philippines từng cho biết Tổng thống Duterte đã giao việc nói chuyện trực tiếp với Trung Quốc cho ông Ramos “vì ông ấy biết cách đối thoại với Trung Quốc”.
Người phát ngôn giải thích Tổng thống Duterte mong muốn ông Ramos “bắt đầu đối thoại bằng những chuyện hai bên đồng ý chứ không nhất thiết từ quan điểm khác biệt”.
Giáo sư Aileen Baviera chuyên nghiên cứu châu Á ở Đại học Philippines nói với Tân Hoa Xã: Cựu Tổng thống Fidel Ramos hiện đúng là người thích hợp để nói chuyện với Trung Quốc.
Giáo sư nhận xét: “Tôi không nghĩ ông Duterte cử ông Ramos đi đàm phán chỉ để phá băng. Tôi nghĩ là để tiếp xúc, thông báo thái độ chung của chính phủ Duterte. Ông Ramos vẫn còn giữ quan hệ cấp cao với Trung Quốc và là người không đồng ý chuyện cựu Tổng thống Benigno Aquino kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài hồi năm 2013”.
Ông Ramos là tác giả “chủ nghĩa đa phương song hành”
Đây là chuyến đi Bắc Kinh đầu tiên của cựu Tổng thống Fidel Ramos ở vai trò đặc phái viên.
Giáo sư Richard Javad Heydarian nhận định chuyến đi của ông Ramos nhằm mục đích tái khởi động các cuộc đàm phán cấp cao với hy vọng phục hồi quan hệ bình thường hóa giữa Philippines với Trung Quốc.
Lúc làm tổng thống Philippines (từ 1992 đến 1998), ông Ramos đã duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc cả đến khi ông mãn nhiệm kỳ.
Lúc đó, ông Ramos nhận ra không nên để tranh chấp vùng biển làm hỏng quan hệ song phương với Trung Quốc trong khi Trung Quốc bùng nổ phát triển trở thành đối tác kinh tế chủ lực của nhiều quốc gia châu Á. .
Vì thế, ông Ramos từng có chiến lược riêng về tranh chấp Biển Đông, gọi là “chủ nghĩa đa phương song hành”:
Một là ông lập tức khởi động đối thoại cấp cao nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Hai là ông không chọn chiến tranh để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng sự hiện diện ở những vùng biển Philipines đòi chủ quyền, hoặc gần các thực thể trên quần đảo Trường Sa.
Cựu Tổng thống Fidel Ramos tham dự cuộc họp báo trước khi bay sang Hong Kong ngày 8.8 - Ảnh: AP
Năm 1996, Chủ tịch Giang Trạch Dân sang thăm Philippines để bàn cách xử lý tranh chấp lãnh thổ và duy trì quan hệ song phương Trung Quốc-Philippines.
Trong chuyến thăm này, ông Giang Trạch Dân chinh phục thiện cảm của Tổng thống Fidel Ramos bằng cách nhảy điệu cha cha cha và hát ca khúc “Love me Tender” của nam danh ca Mỹ Elvis Presley.
Tuy nhiên, Tổng thống Ramos không bị sức hấp dẫn của Giang Trạch Dân “hớp hồn”. Ông thúc đẩy quan hệ ngoại giao khu vực, tiếp đó là ASEAN gây sức ép nhằm buộc Trung Quốc phải ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, thời bà Gloria Arroyo làm tổng thống Philippines.
Điều đó có nghĩa những người kế nhiệm ông Ramos hưởng lợi từ nỗ lực ngoại giao của ông Ramos.
Khi ấy, Mỹ bị buộc rút quân khỏi các căn cứ ở Philipines. Ý thức được khoảng trống quyền lực này, ông Ramos cũng tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ bằng cách giám sát đàm phán rồi thông qua Thỏa thuận Các chuyến thăm quân sự (VFA).
Thỏa thuận này không chỉ giúp kéo giảm sự hiện diện quân sự Mỹ ở khu vực mà còn tạo điều kiện cho Mỹ hỗ trợ quân sự Philippines nhiều hơn.
Tổng thống Ramos còn giám sát thông qua và thực hiện Luật Hiện đại hóa quân đội Philippines nhằm bảo đảm Philippines đạt gần tới mục tiêu tự phòng thủ.
Suốt 20 năm từ năm 1995 đến 2012, Philippines và Trung Quốc đã có thể mở rộng quan hệ song phương đồng thời “làm lạnh” tranh chấp lãnh hải.
Sau đó, vụ va chạm giữa tàu chiến Trung Quốc với Philipines xảy ra, rồi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough dẫn đến sự kiện Philippines kiên Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực năm 2013.
Trung Trực (theo Huffington Post)