Nói tới nghệ thuật sân khấu, trước hết là phải nói tới nghệ thuật diễn viên, bởi lẽ một vở hát bội hay cải lương sau khi được sáng tác, phải nhờ có ca, diễn của các diễn viên mới có được sức sống, khán giả mới thưởng thức được nội dung tuồng tích, các nhân vật trong vở tuồng mới bộc lộ hết sức thuyết phục, làm cho tác phẩm có một tuổi thọ dài lâu, được mọi người yêu thích. Tranh cảnh, trang trí, ánh sáng, nhạc điệu, tất cả các bộ môn nghệ thuật đó đều phải hỗ trợ cho nghệ thuật di

Ngũ đại gia của sân khấu cải lương xưa - Kỳ 1

Một Thế Giới | 14/06/2015, 10:20

Nói tới nghệ thuật sân khấu, trước hết là phải nói tới nghệ thuật diễn viên, bởi lẽ một vở hát bội hay cải lương sau khi được sáng tác, phải nhờ có ca, diễn của các diễn viên mới có được sức sống, khán giả mới thưởng thức được nội dung tuồng tích, các nhân vật trong vở tuồng mới bộc lộ hết sức thuyết phục, làm cho tác phẩm có một tuổi thọ dài lâu, được mọi người yêu thích. Tranh cảnh, trang trí, ánh sáng, nhạc điệu, tất cả các bộ môn nghệ thuật đó đều phải hỗ trợ cho nghệ thuật di

Chính vì vậy, khi tôi hồi tưởng lại những chặng đường phát triển của nghệ thuật sân khấu cải lương, tôi theo dấu vết phát triển của những đại gia đình có nhiều đời theo nghề hát, từ đời ông cố tới ông nội, đời cha, con, cháu, chắt…, tôi lần được ra đầu mối của cả một quá trình thay da đổi thịt, những bước đầu sơ khởi từ “ca ra bộ” đến nghệ thuật sân khấu cải lương như hiện nay.
Những bước ngoặt ra đời của cải lương
Hồi năm 1967, Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế, trụ sở số 131 – 133 đường Cô Bắc, Sài Gòn có tổ chức một cuộc hội thảo đề tài “Kỷ niệm 50 năm sân khấu cải lương”. Tham dự buổi hội thảo có các ông: học giả kiêm nhà khảo cổ Vương Hồng Sển, cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, ông Thanh Trung Trần Văn Khải, nhà nghiên cứu hát bội Đốc phủ Đỗ Văn Rỡ; các ký giả kịch trường như Trần Tấn Quốc (người sáng lập Giải Thanh Tâm, tặng huy chương vàng cho diễn viên ca, diễn hay nhứt trong năm), Nguyễn Ang Ca, Tô Yến Châu, Phùng Mậu, Lê Hiền, Phong Vân, Ngọc Linh, Hồng Sơn, Hoài Ngọc; các soạn giả các đoàn hát đang diễn ở Sài Gòn và các nghệ sĩ tài danh Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Duy Lân, Ba Thâu, Năm Lâu, Hai Nữ, Kim Cúc, Kim Chưởng, Minh Tơ, Thành Tôn, Chín Viễn, Tám Vân, Thành Được, Hữu Phước, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Hoàng Giang, Thanh Nga, Bích Sơn, Ngọc Hương, Kim Giác, Kim Hoàng, Như Mai. Ban Thư ký đoàn là: Thu An, Ngọc Văn, Nguyễn Phương, Ngọc Linh và Kiên Giang.
 Soạn giả Duy Lân kiêm giáo sư phân khoa kịch nghệ trường Quốc gia Âm nhạc viết bản tham luận về “Lịch sử 50 năm sân khấu cải lương”, được cử tọa buổi hội thảo tán thành. Theo Duy Lân, sân khấu cải lương đã được hình thành như sau: 
- Năm 1910, ở Mỹ Tho có Ban tài tử của ông Nguyễn Tống Triều hay Tư Triều (đờn kìm), Chín Quán (đờn độc huyền), Mười Lý (thổi tiêu), Bảy Võ (đờn cò), cô Hai Nhiểu (đờn tranh) và cô Ba Đắc (ca). Bài ca được hoan nghênh nhứt lúc đó là bản Tứ Đại Oán “Bùi Kiệm – Nguyệt Nga”, cô Ba Đắc vừa ca vừa ra bộ rất vui, nên khán giả khen thưởng nhiều.
- Năm 1911, ông Trần Chánh Chiếu, chủ của Minh Tân khách sạn, ngang ga xe lửa Mỹ Tho mời Ban tài tử Tư Triều đến đờn ca ở Minh Tân khách sạn nên thu hút được đông đảo khách hàng. 
Chủ rạp chiếu bóng Casino ở sau chợ Mỹ Tho thấy vậy mới mời Ban ca tài tử nầy trình diễn mỗi tối thứ tư và thứ bảy trước khi chiếu phim. Người đàn và người ca ngồi trên bộ ván bày trên sân khấu, sau đó dẹp vô rồi chiếu phim. 
Những nhóm đờn ca tài tử ra đời sớm nhất
Nhà hàng Cửu Long Giang, sau chợ Sài Gòn, đường Espagne (sau gọi là đường Lê Thánh Tôn) cũng mời Ban tài tử Tư Triều đờn ca. “Ca ra bộ” được hoan nghênh nhiệt liệt ở Sài Gòn nên lục tỉnh cũng đua nhau noi theo. 
cai luong, san khau dien anh, san khau cai luong
Ban tài tử Nguyễn Tống Triều dự hội chợ các nước thuộc địa ở Marseille, Pháp, năm 1906 - Ảnh: tư liệu - Khoảng năm 1910, ở Mỹ Tho (Tiền Giang) có ban tài tử của Nguyễn Tống Triều, người xứ Cái Thia, rất nổi tiếng.
- Năm 1916, thầy André Lê Văn Thận, cò tàu ở Sađéc thành lập gánh xiếc có phụ diễn vài màn ca ra bộ, và mời ông Mạnh Tư Trương Duy Toản làm soạn giả viết tuồng cho gánh hát của ông. Tuồng hát thời kỳ nầy chỉ là những bài ca ra bộ được kết nối nhau theo lối kể chuyện. Bài ca thứ nhứt, bài Tứ Đại Oán, Bùi Kiệm thi rớt trở về; bài thứ 2, Bình Bán Vắn, Bùi Kiệm và Bùi Ông cãi nhau về việc thi không đậu, bài thứ 3 trở lại bài Tứ Đại Oán lớp Xang dài, Bùi Kiệm ghẹo Nguyệt Nga. 
- Năm 1917, ông Pierre Châu Văn Tú, chủ rạp hát thầy Năm Tú sang lại gánh hát của ông André Thận, lập gánh hát thầy Tú, có tranh cảnh, y trang, dàn nhạc cổ và nhạc Tây. Soạn giả Mạnh Tư Trương Duy Toản được mời về viết tuồng cho gánh hát thầy Năm Tú. Các vở tuồng nổi tiếng lúc ấy là Hạnh Nguyên cống Hồ, Trang Tử cổ bồn ca. Gánh hát thầy Năm Tú diễn thường trực tại rạp hát thầy Năm Tú ở sau chợ Mỹ Tho, thứ bảy lên hát ở Sài Gòn, rạp Eden. Về sau, hát thứ bảy và chúa nhựt tại rạp Moderne (tức là rạp Long Phụng sau nầy). 
Nhóm tài tử miền Tây ở Bạc Liêu có ông bầu hát bội Bầu An tục gọi là Phó tổng An, cha của nhạc sĩ Lê Tài Khị mà sau nầy giới sân khấu cải lương tôn vinh là Hậu Tổ của cải lương. Con ông Khị là nhạc sĩ Ba Chột (Lê Văn Chột) và con rể Trịnh Thiên Tư là hai nhạc sĩ có công lớn trong việc ghi chép lại các bản cổ nhạc giúp cho việc truyền dạy cổ nhạc có nề nếp quy củ hơn. Ông Trịnh Thiên Tư lại sáng tác các bài ca cổ nhạc để diễn giải lịch sử Việt Nam từ đời Hồng Bàng đến lịch sử cận kim. Môn đệ của ông Hai Khị và ông Ba Chột có nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ của bản vọng cổ, có ông Trần Văn Trung tức soạn giả Mộng Vân, cha đẻ của các loại tuồng kiếm hiệp La Mã, người đã sáng tác các bài bản ngắn rất phổ biến như: Sương Chiều, Tú Anh, Phong Ba Đình, Tô Võ, Giang Tô Điểu Ngữ… 
Nhóm ca tài tử miền Đông đứng đầu là nhạc sư Ba Đợi (Nguyễn Quang Đại) có các môn đệ như giáo Thinh, Tư Nghị, Cao Huỳnh Cư, Cao Hoài Sang và những môn đệ kế tiếp như Chín Kỳ, Hai Phát, Tư Huyện, Hai Biểu, Sáu Quý, Bảy Hàm, Văn Vĩ, Tư Còn… (còn tiếp)
Nguyễn Phương / Duyên Dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngũ đại gia của sân khấu cải lương xưa - Kỳ 1