Nghề biển ở Cà Mau gần đây có nhiều khởi sắc, bình quân sau mỗi chuyến biển dài từ 5 – 7 ngày sẽ cho ngư dân khoản thu nhập gần 90 triệu đồng.
Theo nhiều ngư dân hành nghề đánh bắt, khai thác thủy sản, hoạt động đánh bắt hải sản gần đây có những tín hiệu lạc quan. Tuy không trúng đậm như thời gian trước, nhưng thời tiết thuận lợi, nhiều tàu thuyền đã vươn khơi đánh bắt, mỗi chuyến đi biển kéo dài khoảng 1 tuần cho ngư dân khoản thu nhập khá. Điều này đã tiếp thêm động lực để ngư dân mở rộng ngư trường đánh bắt.
Vừa cho tàu cá dừng khu vực biển đảo Hòn Khoai để chờ chọn vị trí thả lưới, ông Võ Văn Dúng ngư dân hành nghề lưới ghẹ ngụ ấp Ô Rô, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) chia sẻ, những chuyến biển gần đây giúp cuộc sống gia đình ông ổn định hơn. “Chuyến biển vừa rồi kéo dài 7 ngày, khi vào bờ tôi bán hải sản được gần 90 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí và chia cho bạn tàu, tôi còn lãi khoảng 30 triệu đồng. Chuyến nào cũng được như vậy thì đời sống của ngư dân chúng tôi đỡ vất vả hơn. Đó là động lực để chúng tôi vươn khơi bám biển”, ông Dúng nói.
Trước đây, ông Dúng hành nghề đánh lưới cá thu, gần đây lượng cá thu không còn nhiều nên ông đã chuyển sang nghề lưới ghẹ. "So với 4 năm trước, thì giờ sản lượng đánh bắt đã giảm đi nhiều. Ngày trước trúng mùa thấy ham lắm. Hiện nay, đang vào mùa đánh bắt, hy vọng sắp tới sẽ có được những mẻ lưới bội thu", ông Dúng cho biết.
Ông Lâm Sĩ Em, Phó chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc thông tin, nghề biển dạo gần đây có những tín hiệu vui, những chuyến biển từ 7 - 10 ngày mang về cho ngư dân có khoản thu nhập khá. “Sản lượng đánh bắt hải sản hiện nay chưa cao so với trước đây nhưng nhìn chung đời sống của bà con ngư dân tương đối ổn định”, ông Sĩ Em thông tin.
Nói về chiến lược phát triển kinh tế biển, ông Sĩ Em cho hay địa phương đang triển khai thực hiện đề án chuyển đổi ngành nghề trong khai thác, nâng cao chất lượng thủy sản. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân đối với những phương tiện không đủ điều kiện thì chuyển đổi ngành nghề; tăng cường khai thác, đánh bắt ở vùng khơi.
“Đối với việc chuyển đổi ngành nghề, hiện thị trấn Rạch Gốc đã chuyển được 16 trường hợp. Đa số những hộ này chuyển sang mua bán nhỏ, dịch vụ xe ôm công nghệ (Grab), chăn nuôi…, và được địa phương hỗ trợ vay vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển kinh tế, từng bước giúp bà con giải quyết được các khó khăn, hướng tới ổn định cuộc sống. Sau khi chuyển đổi ngành nghề, cuộc sống của những hộ này khởi sắc hơn vì có khoản thu nhập đều đặn chứ không phụ thuộc vào thời tiết và con nước như trước”, ông Sĩ Em cho biết.
Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh cũng đưa ra những tín hiệu lạc quan về hoạt động đánh bắt khai thác biển của địa phương. Toàn huyện hiện có 1.086 tàu thuyền với 4.339 thuyền viên hành nghề khai thác, đánh bắt biển. Trong đó, tàu cá dài dưới 12m là 504 chiếc, tàu từ 12 - 15m là 333 chiếc, từ 15m trở lên là 249 chiếc. “Sản lượng khai thác biển của ngư dân địa phương gần đây rất khả quan, tình hình kinh tế biển phát triển tương đối tốt, từ đó đời sống của bà con ngư dân được nâng lên rõ rết”, ông Thịnh nói.