Số lượng bao nhiêu cũng được mua hết với giá từ 70-90.000 đồng/kg trái mây tươi, đã thu hút ngày một đông người dân ở các huyện miền núi Quảng Ngãi lùng tìm hái về để bán.
Chị Võ Thị Nguyên, một thương lái ở xã Trà Bình, huyện Trà Bồng bày tỏ: "Nếu làm siêng đi sâu vào các bản thì mỗi ngày mua được 20-40kg, hôm vô mánh thì 50-60 kg. Toàn bộ số mây mua được đem bán lại cho các đại lý lớn trong vùng. Không biết cụ thể thế nào, chỉ nghe nói trái mây này được chở ra cửa khẩu để xuất bán sang Trung Quốc để làm cườm đeo tay mà thôi".
Băng rừng tìm trái mây
Cứ vào tầm 14-16 giờ hàng ngày, dọc trục giao thông nối 2 huyện Trà Bồng đi Tây Trà có khá nhiều thương lái đỗ xe máy đứng chờ ở các ngã rẽ dẫn vào rừng, hoặc chạy chậm dọc theo tuyến đường này để mua trái mây do người dân đi tìm hái về.
Bên lề đường, đoạn đi qua xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, chỉ sau ít phút mặc cả, chị Nguyễn Thị Bi (38 tuổi, thương lái ở thị trấn Trà Xuân) cũng đã mua được toàn bộ số trái mây gần 5kg của 2 anh Hồ Văn Trim (34 tuổi) và Hồ Văn Sin (29 tuổi, ở xã Trà Lâm) đã hái được trong ngày.
|
Một thương lái đang thu mua trái mây của người dân |
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trim bộc bạch: "Trái mây có thể hái quanh năm và được thu mua từ lâu nay rồi, thế nhưng giá chỉ từ 30-40.000 đồng/kg. Tuy nhiên thời gian gần đây không chỉ nhiều người đi hỏi mua hơn, mà giá cũng tăng lên 70-90.000 đồng/kg, gấp đôi so với trước đó".
Còn anh Sin cho biết: "Khoảng chục năm về trước thì rất nhiều, chỉ cần vào các khu vực rừng ở gần hái khoảng hơn 1 buổi mỗi người cũng được gần cả chục kg trái. Thế nhưng gần đây khi cây keo được giá nên người dân phá rừng để trồng cây này, cho nên rừng bị thu hẹp phải đi xa, vào núi cao mới có. Theo đó số lượng trái hái được cũng giảm hẳn. Gặp chỗ mây nhiều thì hái được 5-6 kg trái/ngày/người, còn bình thường thì 3-4 kg/ngày/người".
Nguy cơ bị tận diệt
Với giá mua khá cao như hiện nay, nên thu nhập hàng ngày từ đi hái trái mây của người dân thiểu số các huyện miền núi Tây Trà, Trà Bồng, Ba Tơ... để bán cao hơn gấp 2-4 lần so với tiền công đi làm thuê. Chính vì vậy số lượng người tham gia đi săn tìm trái mây để hái bán ngày một nhiều.
Chị Võ Thị Nguyên, một thương lái ở xã Trà Bình, huyện Trà Bồng bày tỏ: "Nếu làm siêng đi sâu vào các bản thì mỗi ngày mua được 20-40kg, hôm vô mánh thì 50-60 kg. Toàn bộ số mây mua được đem bán lại cho các đại lý lớn trong vùng. Không biết cụ thể thế nào, chỉ nghe nói trái mây này được chở ra cửa khẩu để xuất bán sang Trung Quốc để làm cườm đeo tay mà thôi".
Cùng với nạn chặt phá rừng ồ ạt để lấy đất trồng keo, thì việc săn lùng trái mây, mà đặc biệt là hình thức chặt, đốn hạ cả cây để hái trái đã làm số lượng cây mây rừng ngày một ít dần.
Ông Trần Ngọc Thương, Phó giám đốc sở NN&PTNT tỉnh cho biết: "Trái mây rừng tuy không thuộc dạng cấm khai thác, thế nhưng phải có sự đồng ý của chủ rừng và cho phép của cấp thẩm quyền, cơ quan chức năng huyện, tỉnh. Theo đó đối với cá nhân khi khai thác thì phải có sự cho phép UBND huyện; còn tổ chức là do cấp thẩm quyền của tỉnh cấp phép.
"Việc khai thác phải tuân thủ theo qui định, không gây ảnh hưởng chung đến môi trường tự nhiên và sự phát triển của rừng: Không được đốn chặt bừa bãi cả cây để thu hái trái....Vì vậy sở sẽ chỉ đạo cho lực lượng kiểm lâm các huyện miền núi phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho người dân; đồng thời tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ hơn việc khai thác trái mây rừng", ông Thương nói.
Minh Phú/ Công an TP.HCM