Năm 2011, công việc xây dựng một đập lớn ở bang Kachin của Myanmar đã bị dừng lại sau các cuộc biểu tình lớn. Trung Quốc đang vận động mạnh để công việc tiếp tục, nhưng theo BBC, người dân địa phương vẫn không tin rằng họ sẽ thấy lợi ích từ nó.

Người dân Myanmar đóng góp tiền để hủy dự án đập của Trung Quốc

28/07/2019, 09:04

Năm 2011, công việc xây dựng một đập lớn ở bang Kachin của Myanmar đã bị dừng lại sau các cuộc biểu tình lớn. Trung Quốc đang vận động mạnh để công việc tiếp tục, nhưng theo BBC, người dân địa phương vẫn không tin rằng họ sẽ thấy lợi ích từ nó.

Dân Myanmar biểu tình phản đối đập của Trung Quốc - Ảnh: BBC

"Tôi luôn khóc mỗi khi nói về con đập", bà Jar Lie nói. Tám năm trước, bà đã bị buộc phải từ bỏ 40 hecta đất nông nghiệp và di chuyển đến một ngôi làng tái định cư ở Aung Myin Tha, cách đó khoảng 6 dặm (9km).

Vùng đất cũ của bà giờ đã được quy hoạch làm... đáy hồ chứa nước của con đập Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD, tại nguồn của sông Irrawaddy. Ngôi làng mới của bà cũng có một khu chợ, một bệnh viện, những con đường nhỏ và một trường học, tất cả đều do công ty xây dựng con đập là Tập đoàn Đầu tư điện lực nhà nước Bắc Kinh (SPIC) xây cất. Nhưng Jar Lie nói rằng gia đình không có đất canh tác, cuộc sống ở đây rất khó khăn. "Chúng tôi trước đây có thể ăn những gì mình trồng được; không cần phải mua bất cứ thứ gì cả. Còn giờ đây không có đất canh tác, chúng tôi không thể làm gì, chúng tôi cũng không biết cách kiếm tiền. Tôi rất mệt mỏi khi ở đây".

Myitsone là đập lớn nhất trong số 7 đập mà SPIC đang hứa hẹn sẽ xây dựng trong khu vực, để giúp Myanmar phát triển nhanh chóng với nguồn điện thiết yếu. Theo một số ước tính, dự án sẽ tự tạo ra năng lượng nhiều hơn sản lượng của toàn bộ quốc gia hiện nay.

Hợp đồng đầy đủ mà chính phủ quân sự cũ ký với SPIC chưa bao giờ được công bố. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi hồi tháng 5, cựu quan chức của Điện lực nhà nước Myanmar, U Maw Thar Htwe, đã xác nhận phần cộm nhất của thỏa thuận là 90% điện năng từ Myitsone tạo ra sẽ chạy về Trung Quốc.

Theo U Maw Thar Htwe, chính phủ Myanmar sẽ chỉ nhận được 10% lợi tức của con đập nhưng bắt đầu nhận sau 2 thập niên hoạt động.

Con đập sẽ giết chết dòng sông

Ngay từ đầu đã có những câu hỏi về lợi ích mà con đập thực sự sẽ phục vụ. Sông Irrawaddy thường được mô tả là huyết mạch của Myanmar và khu vực Myitsone được cho là cái nôi của người Kachin. Kể từ năm 1962, quân nổi dậy dân tộc Kachin đã chiến đấu với quân đội Miến Điện để tranh quyền kiểm soát khu vực giàu tài nguyên này.

Đây là một trong những cuộc nội chiến kéo dài nhất thế giới và các nhà lãnh đạo đòi độc lập của Kachin đã xem con đập là mối đe dọa trực tiếp đối với người dân và sinh kế của họ.

Con đập, một trong những con đập lớn nhất trong khu vực, sẽ khiến hàng nghìn người nữa phải di cư - và các nhà môi trường cảnh báo nó sẽ làm ngập một khu vực có diện tích bằng Singapore.

Con đập ngay sát biên giới Myanmar-Trung Quốc - Ảnh: BBC

Tiến sĩ Myint Zaw nói: "Chúng tôi sẽ mất khu vực đầu nguồn quan trọng của dòng sông Irrawaddy và làm ngập những khu rừng cuối cùng còn lại của chúng tôi - khu rừng nguyên sinh với độ đa dạng sinh học phong phú".

"Con đập rất có thể sẽ giết chết dòng sông", ông Zaw cảnh báo. "Nó sẽ có tác động tới dòng rất lớn, thay đổi thủy triều của dòng sông và ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người dân".

Năm 2011 các cuộc biểu tình chống lại con đập đã nổ ra và lan rộng. Bên ngoài Myanmar, các nhà hoạt động từ cả hai nhóm bảo vệ môi trường và nhân quyền đã tiếp thêm sức mạnh hậu thuẫn chiến dịch. Và trong một sự nhượng bộ hiếm hoi đối với người dân, chính quyền trung ương Myanmar khi ấy đã tạm dừng dự án.

Không có sự kiện lớn nào xảy ra ở Myitsone kể từ đó. Rồi một ủy ban của chính phủ về số phận của dự án đã được thành lập vào năm 2016. Họ đã đệ trình báo cáo cuối cùng lên Văn phòng Tổng thống vào tháng 11 năm ngoái. Nhưng chính phủ chưa bao giờ công bố báo cáo này trong khi những tin đồn xuất hiện rất nhiều.

Bây giờ, tám năm sau khi dự án đập Myitsone bị dừng lại, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực để thuyết phục người dân địa phương và các quan chức để ủng hộ xây dựng nó. Cựu Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar, Hong Liang, đã đến thăm khu vực này vào tháng 12 năm ngoái và sau đó tuyên bố rằng người Kachin không phản đối việc nối lại dự án con đập. Trong một tuyên bố, ông đổ lỗi cho người bên ngoài đã kích động phong trào chống lại xây đập. Nhưng sau đó các nhà lãnh đạo Kachin gặp ông Hong Liang để bác bỏ mạnh mẽ điều ông nói.

Sau đó vào tháng 6.2019, một nhóm các chuyên gia Trung Quốc đã cố gắng trấn an các nhà lập pháp Kachin về tác động môi trường của con đập. Trong một tuyên bố bằng văn bản với BBC, SPIC cho biết mục đích của con đập là "cung cấp nguồn điện sạch, hiệu quả và bền vững cho sự phát triển của Myanmar".

Với tin tưởng dự án sẽ không đóng băng, SPIC cho biết công ty họ tin rằng "một quyết định công bằng và khách quan" sẽ được đưa ra. "Dự án thủy điện Myitsone đã được chính phủ Myanmar và Trung Quốc kiểm tra và phê duyệt nghiêm ngặt", tuyên bố nêu.

Chúng ta cần giữ lời hứa

Khi còn ở phe đối lập năm 2011, bà Aung San Suu Kyi đã lên tiếng chống lại con đập. Nhưng kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo thực tế của Myanmar sau cuộc bầu cử lịch sử năm 2015, bà đã thay đổi quan điểm của mình.

Bà đã nói rằng các thỏa thuận được thực hiện dưới thời chính phủ quân sự cũ nên được tôn trọng. Phát biểu tại một diễn đàn đầu năm nay, bà đã đưa ra một bình luận hiếm hoi về con đập, bà nói rằng: "Vì phẩm giá của đất nước chúng ta và để đất nước chúng ta được tin tưởng trên thế giới, chúng ta sẽ cần phải giữ lời hứa".

"Chúng ta không thể làm bất cứ điều gì chúng ta muốn đối với các dự án lớn đã bắt đầu trong quá khứ chỉ vì chúng ta đang nắm quyền. Nếu chúng ta làm điều đó, đất nước của chúng ta sẽ bị coi là không đáng tin cậy. Nếu thế giới không muốn làm ăn với chúng ta, thì nó sẽ sẽ có tác động lớn đến đất nước chúng ta", bà nói.

Những lo ngại dự án sẽ được hồi sinh đã làm dấy lên một làn sóng phản đối mới. Vào cuối tháng 4, khi bà Aung San Suu Kyi đang ở Bắc Kinh cho một hội nghị thượng đỉnh về đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, hàng ngàn người đã xuống đường tại quê nhà để yêu cầu dự án đập phải được tháo dỡ.

Còn các nhà phân tích nói rằng bà phải đối mặt với một vấn đề nan giải. Họ nói "Bà ấy cần phải thiết lập sự thịnh vượng và hòa bình nếu bà ấy thuyết phục được người dân Myanmar về lợi ích của nền dân chủ, và nguồn điện ổn định sẽ là một phần trong chuyện đó. Nhưng bà ấy cũng cần phải thuyết phục người dân rằng bà ấy không bán mình cho nước ngoài”.

Myanmar cần Trung Quốc

Trung Quốc có ảnh hưởng sâu rộng với tư cách là nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn, và nước này cũng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ với các nhóm dân tộc vũ trang dọc biên giới với Myanmar.

"Có sự phản đối rất rộng rãi đối với con đập, nhưng vai trò của Trung Quốc tại Myanmar rất lớn và quan trọng, vì vậy họ cần xem xét tất cả các yếu tố này", nhà phân tích Khun Htoi, người nghiên cứu chặt chẽ về quan hệ Trung Quốc-Myanmar nói.

"Họ (Trung Quốc) là chủ nợ lớn nhất của Myanmar và họ là nhà đầu tư lớn nhất ở nước này. Nếu không có sự đầu tư của họ, liệu người ta có thể tiếp tục hay không". Và nếu chính phủ Myanmar hủy bỏ hoàn toàn dự án, họ có thể phải bồi hoàn 800 triệu USD mà SPIC nói rằng họ đã đầu tư.

Trong một dấu hiệu về ảnh hưởng của mạng xã hội ở Myanmar, một chiến dịch gây quỹ cộng đồng đã được thiết lập bởi một nhóm các nhà hoạt động và các nghệ sĩ nổi tiếng. Quỹ này kêu gọi mọi người quyên góp 1 USD mỗi người để trả lại cho Trung Quốc nhằm phá bỏ con đập.

"Tôi muốn lấy lại Myitsone, bất kể bằng giá nào. Myitsone chỉ được bán trên giấy mà không cho chúng tôi được nghe bất kỳ thông báo hay được lên tiếng. Vì vậy, vì đóng góp cho các thế hệ tương lai, chúng tôi muốn đền bù cho Trung Quốc", Juu, một nhà văn đứng sau chiến dịch nói.

Mặc dù có một số người ủng hộ là lãnh đạo cao cấp, chiến dịch vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, một số nhà hoạt động khác chỉ trích phong trào này là một cử chỉ làm màu, không có tính thực tế.

Hãy để dòng sông được tự do

Đối với người dân địa phương của Kachin, chuyện con đập không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn hơn thế nữa. Bên bờ sông, ca sĩ Lu Ra đứng dưới nước, với những ngón chân xen giữa đám sỏi. Xung quanh cô, khách du lịch Myanmar chụp ảnh lưu niệm trong trang phục dân tộc Kachin mà họ thuê ở các cửa hàng ven sông. Các nhà tu hành Phật giáo đã đến đây để tắm và chụp ảnh khu vực đẹp như tranh vẽ này.

"Hãy nhìn vào nơi tuyệt đẹp này, dòng sông, những khu rừng và những ngọn núi", Lu nói trong khi mắt nhìn đỉnh núi được bao quanh trong đám mây trắng.

"Nếu dự án đập ở đây được xây dựng, chúng tôi sẽ không thấy cảnh quan này nữa. Chúng tôi đang nói xin vui lòng không xây dựng nó, hãy để dòng sông Irrawaddy tự do chảy mãi mãi. Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ nó".

Nhóm của Lu định đến thăm vị trí đập nhưng họ đã bị từ chối, vì vậy họ di chuyển bằng thuyền với sự chỉ dẫn của Jar Lie tới vùng đất từng là của bà ấy.

Ở giữa dòng sông, họ đi qua những cây cột trụ khổng lồ của cây cầu vẫn dang dở, là một phần của dự án đập. Lu nói nó là một lời nhắc nhở mang tính biểu tượng cho người dân địa phương về số phận tương lai của họ đang bị treo lơ lửng.

Bà Jar Lie chỉ về vị trí nhà mình trước đây

“Khi thuyển tắt động cơ và chúng tôi cập vào bờ, một nhân viên bảo vệ của công ty chạy tới và yêu cầu chúng tôi rời khỏi khu vực”, Lu kể. Jar Lie không cầm được những giọt nước mắt khi quay lại nơi bà từng sống và rồi bóng xưa nhỏ dần khi chiếc thuyền từ từ di chuyển.

"Đây là vùng đất của tôi nhưng tôi không được công ty cho phép bước lên, hoặc thậm chí chỉ là để thu lượm rau cỏ," bà nói. "Tôi sẽ không bao giờ quay lại và nhìn khu vực này một lần nào nữa. Thật đau đớn khi nhìn thấy nó nhưng không thể đặt chân lên trên đó".

Thanh Huyền (theo BBC News)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân Myanmar đóng góp tiền để hủy dự án đập của Trung Quốc