Dù đã được các bác sĩ truyền máu tích cực để ổn định hemoglobin và điều chỉnh các rối loạn đông máu, nhưng bệnh nhân vẫn tiếp tục bị chảy máu đường tiêu hóa, huyết áp tụt, nguy cơ tử vong cao.
Chiều 14.1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho hay vừa kịp thời cứu sống người đàn ông ở Cà Mau mắc bệnh hiếm gặp trên thế giới sau cuộc “đại phẫu” kéo dài suốt hơn 12 giờ đồng hồ.
Bệnh nhân này là anh Q.P.T (38 tuổi, ngụ xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Cách đây đây khoảng 4 năm, anh T. được chẩn đoán tắc tĩnh mạch cửa (hệ tĩnh mạch dẫn lưu máu từ ruột về gan) do huyết khối và được điều trị thuốc chống đông máu trong 6 tháng.
Tưởng chừng bệnh đã khỏi, anh T. trở lại công việc thường ngày và ngừng điều trị. Sáng 14.12.2024, khi đang công tác tại TP.HCM, anh T. đau bụng dữ dội quanh rốn, đi tiểu ra nhiều máu đỏ, kèm chóng mặt, cảm giác sắp ngất, được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng thiếu máu rất nặng, huyết áp tụt và lơ mơ.
Ngay lập tức, anh T. vừa được hồi sức sốc mất máu, vừa được nhanh chóng thực hiện các phương thức hình ảnh học chẩn đoán nguyên nhân chảy máu tiêu hóa. Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT scan) bụng phát hiện tắc mạn tính tĩnh mạch cửa, chuyển dạng xoang hang (tái cấu trúc giãn lớn hệ thống mạch máu do tắc mạn tính) ở vùng rốn gan.
BSCK2 Vũ Ngọc Sơn – Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhận định nguyên nhân chính gây chảy máu là dị dạng và thông nối động - tĩnh mạch ruột lan tỏa, gây giãn các nhánh tĩnh mạch mạc treo ruột.
“Sau khi được tiêm thuốc giảm áp lực tĩnh mạch cửa, kết hợp với nội soi đường tiêu hóa dưới cầm máu tại chỗ, huyết áp của bệnh nhân dần ổn định. Tuy nhiên, tình trạng chảy máu đường tiêu hóa lại tái phát trong vòng chưa đến 48 giờ sau đó, huyết áp tụt trở lại mặc dù đã được truyền máu tích cực để ổn định hemoglobin và điều chỉnh các rối loạn đông máu”, bác sĩ Sơn nói.
Trước tình trạng nguy hiểm trên, các chuyên gia của nhiều chuyên khoa tiến hành hội chẩn để đưa ra giải pháp xử trí toàn diện và tối ưu hơn cho người bệnh, với mục tiêu vừa kiểm soát triệt để nguyên nhân gây chảy máu, vừa đưa ra kế hoạch điều trị thuốc chống đông máu sớm chu phẫu để ngăn ngừa chảy máu tái phát do tăng áp lực tĩnh mạch cửa liên quan huyết khối.
“Đây là một trường hợp bệnh rất hiếm gặp, mới chỉ được báo cáo qua y văn trên thế giới với vài ca lâm sàng, Ban giám đốc bệnh viện đã thông qua hội đồng chuyên môn và quyết định kế hoạch phẫu thuật cần sự phối hợp toàn diện giữa các chuyên gia phẫu thuật và can thiệp nội mạch” bác sĩ Sơn cho biết.
Theo bác sĩ Sơn, việc thực hiện ca phẫu thuật này, vai trò của Khoa Gây mê hồi sức là vô cùng quan trọng, đặc biệt, trong việc duy trì ổn định huyết áp cho người bệnh. Các bác sĩ phẫu thuật tiêu hóa mở bụng và bộc lộ vị trí dị dạng mạch máu để tạo thuận lợi cho bác sĩ X-quang can thiệp tiếp cận làm tắc đoạn tĩnh mạch bệnh lý, giúp giảm áp lực hệ tĩnh mạch cửa và qua đó cuộc mổ có thể được kiểm soát mất máu dễ dàng hơn. Tiếp theo, bác sĩ phẫu thuật mạch máu tạo cầu nối từ hệ tĩnh mạch cửa sang hệ tĩnh mạch chủ, nhằm làm giảm tối đa áp lực của hệ tĩnh mạch cửa. Cuối cùng, bác sĩ phẫu thuật tiến hành cắt bỏ gần 3 mét ruột non chứa dị dạng mạch máu để đảm bảo kiểm soát chắc chắn tình trạng chảy máu tái phát sau mổ, và nối ghép phần còn lại để phục hồi lưu thông ruột.
“Hơn 30 năm làm trong ngành y, đây là ca bệnh hiếm lần đầu tiên tôi điều trị. Nếu mổ mạch máu áp lực rất lớn, chỉ cần đường kính 1cm thì khoảng 1- 2 phút bệnh nhân sẽ tử vong. Rất may các bác sĩ đã khống chế dòng chảy, nên lượng máu chảy không đáng kể. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 12 giờ đòi hỏi ê kíp phẫu thuật phải làm việc với mức độ tập trung ở cường độ cao”, bác sĩ Sơn cho biết thêm.
Bác sĩ Sơn thông tin: “Sau 2 tuần phẫu thuật, bệnh nhân đã ăn uống, phục hồi chức năng tiêu hóa gần như bình thường, không còn chảy máu tiêu hóa và đã được điều trị thuốc chống đông máu ổn định. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần được tiếp tục theo dõi dài hạn, đánh giá định kỳ hiệu quả điều trị dị dạng mạch máu ruột kết hợp tăng áp lực tĩnh mạch cửa”.
Phân tích của BSCK2 Lê Thị Kim Lý - Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa cho thấy, khi bị tắc tĩnh mạch cửa, máu từ ruột trở về gan khó khăn và ứ lại ở ruột, theo thời gian gây giãn và tăng áp lực trong hệ tĩnh mạch cửa, cuối cùng dẫn đến nhiều biến chứng.
Tình trạng này trở nên đặc biệt nghiêm trọng và khó điều trị khi có sự kết hợp dị dạng động - tĩnh mạch ruột gây rối loạn tuần hoàn hệ ruột và xuất hiện những biến chứng nguy hiểm như viêm loét ruột, xuất huyết tiêu hóa..., đe dọa đến tính mạng của người bệnh.