Đề xuất dự thảo thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường đang tạo ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận, nhất là khi chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ vừa rầm rộ trong thời gian vừa qua.
Mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa đề xuất dự thảo thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường để kinh doanh đối với từng khu vực trên địa bàn TP.HCM nhằm quản lý có hiệu quả, đúng mục đích.
Theo đó, mức phí đối với mỗi m2/tháng áp dụng cho quận 1là 100.000 đồng, quận 3là 80.000 đồng, quận 5là 50.000 đồng, quận 10là 45.000 đồng, quận Phú Nhuận 40.000 đồng, quận 11 là35.000 đồng, quận 4 và quận Bình Thạnh 30.000 đồng, quận 6và quận Tân Bình 25.000 đồng, các quận còn lại 20.000 đồng.
Đồng thời, Sở GTVT cũng quy định mức phí sử dụng tạm thời lòng đường để đậu xe, áp dụng đối với từng quận (mức phí quy định riêng cho xe ô tô từ 10 chỗ trở xuống và từ 10 chỗ trở lên).
Được biết, chế độ thu phí sẽ được niêm yết công khai tại điểm thu và 100% số phí thu sẽ được đưa vào ngân sách nhà nước. Dự kiến đề xuất này sẽ được áp dụng trong năm nay.
Thắc mắc mà dư luận đặt ra nhiều nhất là liệu TP.HCM ra quân dọn dẹp vỉa hè có phải để nhằm mục đích… cho thuê, thu phí? Nhiều người dân phản ứng mạnh với đề xuất này vì chỉ mới đây thôi, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1rầm rộ xuống đường giải phóng vỉa hè tạo thành một “làn sóng” lan tỏa mạnh mẽ trên nhiều quận, huyện khác.
“Chiến dịch giành lại vỉa hè và giải cứu vỉa hè là dành cho người đi bộ. Sao lại cho thuê để kinh doanh và đậu xe?”, một người dân tại quận 1 bức xúc. Nhiều người còn cho rằng việc cho thuê vỉa hè sẽ càng làm thành phố trở nên nhếch nhác hơn trước khi dọn dẹp. Giấc mơ trở thành Singapore của TP.HCM càng trở nên xa vời.
“Giả sử cho thuê vỉa hè vẫn dành lối cho người đi bộ nhưng như thế cũng rất mất mỹ quan đường phố. Hơn nữa vỉa hè đã chật chội màlại thêmchỗ để xe và nhiều thứ liên quan phát sinh khi cho thuê kinh doanh, chưa kể sẽ có lúc vỉa hè bị lấn chiếm. Sở Giao thông vận tải xây dựng đề án cho thuê vỉa hè và lòng đường chỉ làm cho thành phố đã tắc nghẽn lại càng thêm tắc trầm trọng”, anh Kiệt (quận Phú Nhuận) chia sẻ.
Trước thông tin này, anh Minh Quang (quận 3) phản ứng: “Cho thuê rồi thì vỉa hè chắc tanh bành luôn. Làm thông thoáng mới là đúng, làm một lần không xong thì làm dần, khoanh vùng ưu tiên mà làm. Đã làm thì làm cho triệt để, phạt nặng để mang tính răn đe, không nộp phạt thì thu hồi giấy phép, thu hồi vật dụng. Thế thì xã hội mới sạch vàvăn minh được”.
Nhiều người dân cùng chung câu hỏi là cơ quan, tổ chức nào sẽ giám sát đảm bảo việc người thuê sẽ sử dụng đúng phần vỉa hè đã thuê, và có để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè hay không? Lý thuyết nói thì dễ nhưngkhông biết thực hiện thì sẽ như thế nào. Thậm chí có người còn lo lắng: “Thu phí sử dụng vỉa hè có thể sẽ là mầm mống của việc lấn chiếm và tiêu cực, tham nhũng?”.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đồng ý với đề xuất này của Sở GTVT TP.HCM. Một người dânnói:“Việc cho thuê là tận dụng khoảng trống thừa để tạo điều kiện cho một số người kinh doanh, nhằm thu ngân sách phục vụ cho mục đích xã hội. Đây là phương án đưa trật tự vỉa hè và sử dụng vỉa hè vào tầm quản lý, và rất công bằng khi buộc người sử dụng phải đóng thuế phục vụ lại cộng đồng. Mức phí cho thuê cũng không lớn, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, mức thu, mức phạt phải được công khai mỗi tháng, mỗi quý, mỗi năm để người dân được biết và yên tâm”.
Hiện nay, TP.HCM có 345 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh và cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí.
Trong đó, có 160 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng, 112 tuyến đường cho kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và 73 tuyến đường cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí.